Những mảng màu khô

  • Trần Tú

Những mảng màu khô

Khi đầu óc tôi bị căng thẳng vì lo lắng hay làm việc nhiều, tôi hay bỏ tất cả xuống và đi bộ trong công viên gần nhà. Đi khoảng nửa tiếng hay một tiếng sẽ thấy dễ chịu ngay, vừa đi vừa ngước mắt nhìn những đám mây trôi lang thang, xem mây uốn lượn thế nào. Tại sao lại gọi là “Vân cẩu” nhìn hoài không thấy hình con chó nào, chỉ thấy như những giải áo lụa phất phơ bay, hay đôi khi thấy như một cánh buồm đang mở rộng trong một đại dương xanh bát ngát. Hay vừa đi vừa ngắm những ngọn cây đang bị gió xoa đầu, làm rối tung tóc lá, thỉnh thoảng có con chim nhỏ bay vụt ra từ những cái đầu xanh biếc đó. Hay bất chợt, một đàn chim sẻ ở đâu bay sà xuống đám cỏ trước mặt, rồi lại bay vụt lên tản ra bốn phương, tám hướng. Khi ngắm nghía cái không gian êm ả thư thái đó, tâm mình cũng thư thái, êm ả theo. Thấy mình hòa lẫn với thiên nhiên. Chuyện chồng, chuyện con, chuyện ông bà hàng xóm, vui, buồn gì cũng bay theo mây trắng.

Nhưng mỗi lần đi bộ trong công viên, mắt tôi thế nào cũng chạm vào bức tường thấp xây chung quanh cái vòng đai dành cho trẻ em đi xe đạp ba bánh, trên tường có in những lá cờ của những quốc gia có dân sống trong thành phố này và sử dụng công viên này. Dĩ nhiên một lá cờ tượng trưng cho nước Việt Nam cũng được in lên, đó là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng. Muốn đi bộ ba mươi phút, tôi cần đi sáu vòng, và tôi nhìn thấy lá cờ đó sáu lần.

Tôi biết lá cờ đó, hiện nay trên thế giới tượng trưng cho Việt Nam. Tôi biết bao nhiêu người dân Việt của cả hai miền Nam, Bắc đã đổ máu, đã chết vì lá cờ này với những lý tưởng khác nhau. Lá cờ đó không phải tượng trưng cho miền Nam, và đối với tôi nó còn gợi lên những ký ức đau buồn, nên mỗi lần nhìn thấy lá cờ đỏ với ngôi sao vàng ở bất cứ đâu tôi đều có một nỗi bất an. Tôi tránh mắt nhìn vào nó, tránh một sự khó chịu chen thất vọng vì sự hiện diện của nó ở công viên này. Tôi là người Việt quốc gia, tôi sống ở đây, tôi đi bộ trong công viên này, nhưng tôi lạnh lùng xa lạ và khoảng cách với một lá cờ tượng trưng cho Việt Nam in trên bức tường đó. Thật đáng buồn cho tôi và cho những người Việt quốc gia cư ngụ trong thành phố này. Đã có lúc tôi vừa đi vừa nghĩ: Hay là mình làm một lá cờ quốc gia bằng gạch rồi gắn chồng lên trên cờ Việt Cộng. Lúc khác lại nghĩ: Cần gì, đừng để ý, trong tâm mình, mình biết lá cờ nào là của mình rồi. Tôi vẫn đi bộ trong công viên đó mỗi ngày, cố giữ lòng bình thản, nhưng hai lá cờ vẫn cùng một lúc hiện diện: Một trước mắt, và một trong tâm, làm sao tôi tránh được chua xót, ngậm ngùi. Gió vẫn xào xạc, mây vẫn bay và chim vẫn vỗ cánh, nhưng cả hai lá cờ cùng đứng gió.

Sáng nay, tôi không ra công viên nữa, tôi làm một việc khác để tìm sự thư giãn. Ở trong cái Mall nhỏ, gần nhà tôi, có một gian hàng gốm thủ công cho trẻ nhỏ, ở đó có những cái ly, cái tách, con thú, viên gạch, cái nhà, v.v... đã được nung cho khô, trẻ em muốn vẽ gì lên đó, muốn tô mầu gì vào, tùy thích, sau đó lại được bỏ vào lò nung cho chín mầu. Trẻ nhỏ thích làm cho chính mình hay để tặng cho ông bà, cha mẹ trong những ngày lễ cũng rất tiện. Tôi muốn được làm trẻ nhỏ trong ngày hôm nay. Tôi đã ra đó vài lần rồi, đã ngắm tới ngắm lui xem, nếu mình vẽ, mình nên chọn tô mầu lên bức tượng nào, hay cái ly, cái tách nào, tôi đã có ý định vẽ một lá cờ của quốc gia mình trên phiến gạch trắng đó, nung chín mầu lên, rồi đóng khung treo ở nhà mình. Một lá cờ làm bằng đồ gốm chắc là đẹp lắm. Ở nhà tôi chỉ có lá cờ bằng giấy, to bằng một nửa bìa cuốn vở học trò thôi.

Hôm nay, tôi sẽ thực hiện cái ý định đó.

Tôi mang lá cờ giấy bỏ vào xe, lái ra Mall, và cho mình tự làm trẻ nhỏ trong mấy tiếng.

Tôi chọn được viên gạch đã nung đủ độ để nhận mầu sơn lên. Tôi đưa lá cờ mang theo ra để nhân viên của tiệm chọn màu sơn cho chính xác, vì màu chưa chín và màu đã nung rất khác nhau, nếu không phải trong nghề không chọn đúng được.

Tôi đo, kẻ, sơn; màu vàng cho nền cờ, ba sọc đỏ nằm theo chiều ngang của lá cờ khoảng cách đều nhau. Mỗi vệt màu tôi đặt xuống, ngắm nhìn cây cọ nhỏ sũng đỏ, sũng vàng trên viên gạch, tôi biết tôi đang làm gì. Đặt tâm mình trong mấy ngón tay, cả trái tim trong mắt nhìn. Bỗng nghe tâm mình chua xót và trái tim hụt hẫng, hoang loạn. Cái cảm giác lẫn lộn này, chỉ có người đã từng đưa tay ra nhận lá cờ của quốc gia vừa gấp lại trên chiếc áo quan mới hiểu được. Một câu thơ, không nhớ rõ tên tác giả, bỗng hiện về trong trí tôi:

“Ngày xưa mẹ đóng cho con sách
Dành dụm cho con tới học đường
Ngày nay không vá non sông rách
Mẹ tiễn con ra bãi chiến trường.”

Tôi bỗng nghe thấy tiếng thở dài của chính mình.

Tôi cần ngồi ba tiếng đồng hồ để vẽ một lá cờ nhỏ; phải đợi cho đợt màu thứ nhất tô xuống, thật khô, rồi mới tô lên đợt thứ hai. Muốn thật đẹp, phải tô đến bốn lần. Vẽ xong lá cờ tôi muốn viết xuống bên dưới một hàng chữ trước khi bỏ vào lò nung. Viết gì bây giờ? Tôi muốn cám ơn ai, muốn đề cao phần đất, miền quốc gia tôi đã lớn lên, đã sống, hay tôi chỉ muốn viết một điều gì cho chính cá nhân mình, cho chính lòng mình với lá cờ trước mặt? Tôi nghĩ mãi, muốn viết một điều giản dị và chân thật, cuối cùng tôi viết:

We live, love and die for this flag
tmt 1975-2010


Đúng, chúng tôi sinh ra, lớn lên, hạnh phúc và đau khổ, thậm chí có thể và đã chết cho lá cờ này. Tôi muốn viết những dòng chữ này trong hãnh diện, chấp nhận, đau khổ và hạnh phúc. Tôi không muốn kẻ khẩu hiệu, không muốn nghe hoan hô, đả đảo. Tôi muốn máu đã chẩy ra, xương đã ngã xuống ở bất cứ phần đất nào của quê hương tôi, đều được bình an. Tôi ký tên, ghi xuống năm mình bỏ nước ra đi, 1975 và năm vẽ lá cờ này, 2010.

Không phải họa sĩ, nên viết chữ nhỏ bằng sơn trên gạch, rất khó. Tôi nín thở, để hết tâm trí vào từng chữ. Viết xong, đọc đi, đọc lại một vài lần nữa, mỗi lần đọc là một lần ngậm ngùi, nao nao muốn khóc. Chung quanh tôi chẳng có ai ngoài một nhân viên của tiệm. Hôm nay không phải cuối tuần, nên không có trẻ nhỏ đến. Tiệm im lặng, tôi im lặng, lá cờ im lặng. Nhưng giữa tôi và lá cờ vừa vẽ xong trước mặt có cả triệu triệu tiếng dội vô âm trong không gian, dội âm thầm, xót xa trong lồng ngực mong manh của mình. Tôi bỗng thèm, ước gì, bên cạnh mình có một người bạn cùng quê để được nói một câu chuyện nhỏ về lá cờ mình đang vẽ; tôi nhìn mầu sơn đỏ, sơn vàng còn ướt bỗng thấy hoang mang vô cùng. Tại sao mình lại ngồi đây nhỉ? Tại sao mình lại ngồi đây và vẽ lá cờ quốc gia giữa một nơi xa thật là xa quê hương thế này nhỉ? Chung quanh hoàn toàn im lặng, không có câu trả lời.

Giao cho nhân viên của tiệm. Tôi phải đợi năm hôm mới quay trở lại lấy lá cờ đã được nung. (Vì tiệm phải đợi cho đủ số hàng mới cho vào lò nung một lượt) Tôi sẽ đem lá cờ này, đóng khung lại, treo trong nhà tôi. Một ngôi nhà trên đất Mỹ, trong một thành phố phần đông là người Mỹ, trong một khu xóm chỉ có người Mỹ cư ngụ, trong một gia đình toàn người Mỹ, trừ tôi. Nhưng ai ghé đến nhà này, cũng đọc và hiểu hàng chữ nhỏ tôi viết bên dưới lá cờ. Tôi không cần cắt nghĩa. Tôi biết, dân tộc nào cũng yêu quốc kỳ của họ. Nhất là những dân tộc phải đổ thật nhiều xương máu cho lá cờ đó.

Hôm nay tôi có thực sự tĩnh tâm thư giãn như những lần đi bộ trong công viên không?

Không hoàn toàn đâu, vì trên đường từ tiệm đồ gốm về, tôi cúi nhìn mình, những vệt màu vàng, màu đỏ dính khô trên áo, quần. Đưa bàn tay luống tuổi, phủi phủi, thấy mắt cay sè, những vệt màu đó hình như đã đóng thành mảng, khô cứng, bám vào hồn tôi. Tôi không cần phải gắn lá cờ của tôi lên trên bất cứ một lá cờ nào khác nữa.

Tháng 6/2010
Trần Mộng Tú