Bài 2
Tôi có thâm niên coi đá bóng từ ngày còn học tiểu học. Những ngày Hà Nội với các sân Hàng Đẫy, sân Mangin còn có cái tên nôm na là sân Cột Cờ vì nằm cạnh cột cờ Hà Nội. Ngày đó những cái tên Ứng Kều, Khê Thăng Long Xích Thố, Thọ Ve...chúng tôi thuộc hơn thuộc bài. Cách vào sân của chúng tôi ngày đó rất thoải mái. Hợp pháp thì xin nắm tay một ông nào đó đi kèm vào sân vì lúc đó khán giả có quyền dắt con em nhỏ tuổi vào. Nhỏ thì chúng tôi không còn nhỏ, đã quá tuổi đi kèm, nhưng co người xuống cho kích thước bớt đi một chút thường lọt qua cổng. Rủi ra không lọt thì loanh quanh lách theo bóng đám đông đang chen chúc tuôn vào cổng, tránh được cặp mắt của các nhân viên soát vé. Không hợp pháp được thì bất hợp pháp. Leo rào! Nguy hiểm nhưng thường thường có quí nhân phù trợ. Quí nhân đây là những người lớn, thông cảm cái ghiền của đám trẻ, cho mượn bờ vai làm điểm tựa để phóng qua hàng rào cao. Sau 1954, di cư vô Sài Gòn là sân Tao Đàn thời kỳ đầu, sân Thống Nhất sau đó. Đã là học sinh sắp thi Tú Tài, là người...tổ quốc mong cho mai sau, nên không còn những trò ma giáo. Có tiền thì mua vé, không tiền thì chờ tới khi gần vãn trận đấu, cửa mở thí cô hồn cho những dân ghiền mà không có tiền nhào vô. Chúng tôi đường hoàng vào sân sau khi “coi” bằng tai, đứng ngoài hàng rào nghe tiếng hét hò, tiếng vỗ tay của những khán giả trong sân để sống với trận đấu.
Ông Luân Hoán cũng có “lịch sử” coi đá banh dài không kém tôi. Đất của ông ấy là sân banh Đà Nẵng. Xem đá banh ngày nay mà vẫn lơ mơ những ngày bóng đá xưa.
Hết trận bóng nằm lơ mơ ngủ thiếp
Thấy lại Trung lùn, thấy Chức, thấy Quang...
Thấy sân Tự Do, thấy đèo...chạng vạng
Thấy trạm xá ngày xe ngã máu loang
Ông Luân Hoán và tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Dân ta vẫn coi bóng đá là môn thể thao vua. Ai cũng thích coi...vua dù dân ta ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Trong một bài viết, ông Nguyễn Hưng Quốc đã có lần kể lại: “Năm sau, cũng dịp cuối năm, tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam du khảo. Cũng ở Hà Nội. Nhưng đến phi trường Sài Gòn thì tôi được biết tôi không được phép nhập cảnh. Các sinh viên của tôi vẫn tiếp tục chuyến đi đã định. Sau bốn tuần du khảo không có thầy hướng dẫn, các sinh viên gặp khá nhiều chuyện bực mình, nhưng nói chung, ấn tượng của họ về Việt Nam, đất nước cũng như con người khá đẹp. Hỏi: họ thích điều gì nhất? Không ít sinh viên đáp: sự say mê bóng đá của người Việt Nam! Họ kể: trong những ngày đầu tiên họ đến Hà Nội, một giải bóng đá được tổ chức đâu đó (tôi không chắc có phải ở Việt Nam hay không). Lần ấy, Việt Nam thắng. Các sinh viên Úc ngạc nhiên thấy cả hàng chục ngàn người đổ xô ra đường, kẻ đi bộ, người lái xe gắn máy. Cờ vẫy, còi bóp inh ỏi, tiếng cười dòn dã khắp nơi. Không biết tiếng Việt và không hiểu gì cả, nhưng cũng bị lây cái không khí nồng nhiệt và náo nhiệt ấy, các sinh viên của tôi, nam cũng như nữ, lao xuống đường và nhập vào đám đông, cũng huơ tay múa chân hò hét và cười nói hỉ hả đến tận gần sáng. Nhớ lại, với họ,đó là một trong những kỷ niệm đẹp: họ được nhập vào một cơn say. Hay một cuộc lên đồng. Ngây ngất”.
Cuộc lên đồng tập thể của dân Việt Nam đang ngây ngất hết cường độ trong giải bóng đá thế giới này. Việt Nam không có mặt. Và còn phải rất lâu trưóc khi Việt Nam có thể chen vào được một chỗ trong vòng chung kết bóng đá toàn cầu. Nhưng cần chi! Thể thao là thể thao. Có Việt Nam càng hay nhưng không có cũng không sao. Từ trong nước đến các cộng đồng người Việt ở ngoài nước, toàn dân ta...đá. Dĩ nhiên là đá miệng!
Cả nước sôi sục vì...Uốc Cúp. Dân Việt Nam người nào cũng biết ít nhất hai chữ Hồng Mao: World Cup. Các quán xá từ nhỏ tới lớn quán nào cũng tân trang, sắm ti vi mới mặt phẳng, màn hình lớn để câu khách. Các quán ăn, quán cà phê đã đành. Đến các tiệm chỉ chuyên bán ốc cũng giăng bảng, treo cờ, quảng cáo có màn hình cho khách vừa ăn ốc vừa...nói mò! Xem đá banh phải quần tụ lời ra tiếng vào, la hét cho thỏa thích. Quán xá mùa này lôi kéo các ông ra khỏi nhà. Ngồi nhà xem một mình chán chết. Các bà cũng giở chiêu lôi kéo các ông ngồi nhà. Khi các bà đã ra chiêu thì biến thái vô lường. Như chị Huệ ở Hà Đông. Chị vốn chẳng thích thể thao, môn nào cũng vậy kể cả môn bóng đá là môn chồng chị chết mê chết mệt. Trước đây, khi chồng dán mắt vào màn ảnh truyền hình thì chị dẫn con đi chơi hoặc tìm cách đi ngủ sớm. Thậm chí chị còn bắt anh phải đeo máy nghe tai để khỏi ầm ĩ cho người ta...ngáy. Lần World Cup bốn năm trước, chị đã giận dỗi bỏ về nhà cha mẹ ruột gần một tuần lễ vì anh say mê trái bóng, bỏ bê vợ và công việc. Ai đời vợ chồng mới cưới có 3 tháng mà bỏ vợ chạy theo trái banh có chút xíu, thua xa trái banh...vợ. Tệ hơn nữa còn bỏ nhà ra đi quần tụ với các...chiến hữu để hò hét cho đã cái miệng. Chiến thuật...dỗi của chị không thành công. Trái banh vẫn hơn cô vợ mới cưới 3 tháng. Năm nay chị đổi chiến thuật. Trước ngày trái bóng lăn chị mua tờ lịch thi đấu treo ngay cạnh ti vi. “Mình biết thừa ngày nào anh ấy cũng dán mắt vào mấy tờ bóng đá hay các trang thể thao trên mạng nên đã rõ tỏng tòng tong lịch đá, nhưng vẫn cứ mua để thể hiện “thiện chí”. Sống với nhau mấy năm, mình biết chồng thích bóng đá thế nào, có ngăn cũng chẳng được, nên tốt nhất là cứ vui vẻ chấp nhận, lại còn được tiếng là quan tâm đến chồng!” Chị Xuân ở Từ Liêm, Hà Nội lại có chiêu khác. Chị tìm đọc các tin tức thể thao để có thể...đàm thoại với chồng về bóng đá. Biết chồng kết đội Argentine, chị tìm hiểu sâu hơn về đội này để chiều chồng. “Tự dưng thấy vợ bàn luận về đội này đội kia, ông xã mình cũng choáng. Nhưng mình thấy cách này rất hiệu quả. Khi bày tỏ sự đồng cảm với chồng về sở thích của anh ấy, tự dưng mình thấy đỡ “thù địch” với những phiền toái do nó gây ra. Vợ chồng cũng gần gũi, dễ chia sẻ các việc khác với nhau hơn”. Trên một diễn đàn trên mạng, các thành viên còn truyền nhau kinh nghiệm nấu ăn sao để tẩm bổ cho chồng những đêm thức trắng coi có mỗi trái bóng lăn qua lăn lại. Một bà truyền kinh nghiệm làm những món vừa nhanh, vừa bổ, vừa ngon miệng. Như các món: tôm sú hấp, hột vịt lộn, đậu phọng luộc hay rang, nui xào bò, cháo tim. Có bà mách các chị em một cách tiện lợi hơn: vào siêu thị rinh một đống snack về nhà, vừa coi vừa ăn, chẳng mất công nấu nướng chi.
Nhưng chiêu kéo chồng ở nhà không ra quán xá tụ tập với các đệ tử bóng đá khác của chị Thu ở Phúc Thọ, Hà Nội mới là tuyệt chiêu. Chị liên lạc với các chị em họ hàng và các bà bạn, chọn một nhà rộng rãi nhất, có chiếc ti vi màn hình lớn nhất, lùa tất cả các đấng phu quân vào một...rọ. Trong khi các ông tha hồ hò hét, bàn luận, cổ võ, các bà cũng tụ tập buôn chuyện nhưng không quên thay nhau nấu các món nhậu khoái khẩu cho các ông mê tơi. “Mấy ông cùng xem ở một chỗ mình đã biết, vừa vui vẻ, vùa hào hứng, lại...lành mạnh, còn hơn để chồng bị mấy ông bạn có máu cá độ hay có tính lăng nhăng rủ đi ham hố!”
Ở hải ngoại, mấy tên viết lách chúng tôi vẫn mỗi tên một...đống! Hết ông Luân Hoán phôn than coi một mình chán quá đến ông Nguyễn Xuân Hoàng mail cũng một mình một bóng trước cái màn hình rộng thênh thang. Trận Mễ thua Á Căn Đình vừa dứt, mail của Hoàng bay tới tôi tức khắc. Có coi đá banh không? Mexico thua thê thảm quá nhỉ? Chưa kịp trả lời, vài phút sau Hoàng lại mail. Mày thấy thằng Mexico thua thê thảm quá phải không? Tao ủng hộ thằng Mỹ mà nó cũng xách va ly về nước rồi! Mễ thua là cái chắc, có chi mà bạn tôi than thở. Bèn mail lại. Tao thấy Argentine chơi hay hơn chứ! Mày có em nào người Mễ hay sao mà thương dữ vậy? Lại mail trả lời. Đúng! Argentine trên cơ thằng Mexico rõ quá. Thua là phải. Tao thích Brazil hơn. Chiều nay Brazil mới ra quân. Chắc bạn tôi lại một mình ôm ti vi coi mấy anh Brazil múa may trên sân. Tôi cũng vậy. Nhiều năm về trước, tôi đã từng có một cô bạn người Brazil. Ngày đó tôi quên không hỏi em có biết đá banh không!