Bài 3
Ông Nguyễn Xuân Hoàng ngụ ở San Jose. Ông coi đá banh một mình và mail cho bạn bè để tìm tri kỷ. Nhưng đồng hương của ông lại coi…hội đồng. Tôi mới tới San Jose chơi với ông Nguyễn Xuân Hoàng vào dịp Tết vừa qua, quá sớm để coi World Cup với bạn, và cũng quá sớm để coi đồng bào người Việt của chúng ta ở Thung Lũng Điện Tử này tiếp bóng đá ra sao. Đành phải nghe hóng chuyện kể của ký giả Trương Thị Hàm Yên. “Sáng nay, nhiều người ở thành phố chúng tôi, San Jose, thức dậy sớm lắm. Không phải để đi làm mà đi ra quán cà phê để xem bóng đá. Cái truyền thống San Jose là vậy, cứ kéo nhau ra quán cà phê xem bóng đá, từ World Cup, đến Euro, và cả Super Bowl. Hàm Yên đến quán Xíu Café, một tên mới của Miss Café trước đây, để tìm một góc riêng cho mình bên ly cà phê sữa nóng để đánh thức những giác quan còn đang ngái ngủ. San José 6:30 sáng, quán đã đông người. Nhiều cô tiếp viên mặc chiếc áo đồng phục, có số sau lưng như những cầu thủ đang ra quân. Trông là có không khí bóng đá rồi. Năm nay, các quán cà phê ở San José đều mở cửa sớm để đón khách mê bóng đá. Các quán như M Café, M Quyên, Lang Thang, Chợt Nhớ đều mở cửa sớm. Riêng tại M Café có hàng trăm cổ động viên ngồi chật ních cả quán, nhất là trong trận Pháp-Uruguay”.
Thành phố hàng xóm với San José là San Francisco. Nhắc tới cái tên San Francisco là bao giờ tôi cũng cười một mình vì nhớ lại câu chuyện tếu khi còn học tiểu học. Trong một cuộc thi vấn đáp thời Pháp thuộc, giám khảo người Pháp hỏi cô học trò: “Trò hãy nói tên thành phố có chiếc cầu Golden Gate”. Cô học trò ngậm viết ngồi…bí. Một cậu ngồi dưới thấy tội nghiệp muốn nhắc nhưng sợ vị giám khảo Tây biết nên cậu dịch tên thành phố sang tiếng Việt để đánh lừa ông Tây: “Trăm quan tiền sáu cô!” Nghe ra, cô thí sinh mừng rỡ trả lời ngay: “Cent francs six… mademoiselles!”. San Francisco cũng có đông người Việt định cư. Có người Việt là có bóng đá. Lại hóng chuyện người Việt coi bóng đá nơi thành phố này qua bài viết của ký giả Bùi Văn Phú. “Sáng nay tôi ghé một quán phở quen ở Oakland. Quán khá đông. Chừng dăm chục khách như nhiều trưa Chủ nhật khác chứ chẳng phải vì có World Cup. Những lần trước ghé đây tôi thấy màn hình là ca nhạc Paris by Night, hôm nay là World Cup. Nhiều khách chú ý đến màn hình, râm ran bàn tán, thỉnh thoảng vang lên những tiếng ồ khi có đường banh đẹp sắp lọt khung thành hay những tiếng vỗ tay khi banh lọt lưới. Gặp một người quen, qua Mỹ cũng đã hơn 20 năm, tôi hỏi anh có theo dõi World Cup không? Anh ấy trả lời không nhiều. Vậy chứ môn thể thao nào anh thích nhất bây giờ? Football và bóng rổ. Lâu lâu còn ăn thua cá độ chút đỉnh. Anh bạn trả lời như thế. Cũng như một người em của tôi, ngày mới qua Mỹ có tham gia đội bóng đá của trường trung học. Nhưng đến nay các trận bóng cà-na, bóng rổ, bóng chầy em tôi mê xem cả tuần mà không chán. Bóng đá giờ chỉ còn là kỉ niệm của ngày xa xưa”. Quả có thế. Thành phố Montreal của tôi không tôn môn bóng đá là môn thể thao vua mà “vua” là môn hockey. Sống lâu năm nơi đây, tôi cũng đã đổi…vua. Thích coi hockey hơn bóng tròn. Coi hockey nhanh nhẹn quen nên khi coi lại bóng đá thấy chậm rì nhiều khi phát chán. Có thể nói hockey như một chàng trai đầy sức sống, còn bóng đá như một ông già chậm chạp từng đường đi nước bước. Nói như vậy nhiều vị mê bóng đá chắc muốn…chửi thề. Một đằng là nghệ thuật, một đằng là…đánh lộn. Hay ho gì cái trò vũ phu!
Bởi vậy nên tôi cũng không tới quận Cam vào những ngày World Cup. Bởi vì nơi đây phần lớn dân ta vẫn còn…bảo hoàng. Bóng đá vẫn là vua. Đọc trên mạng, tôi thấy vị vua có khuôn mặt tròn này được hai tờ báo mở cửa tiếp đón. Đó là nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Herald.
Sân chơi trên báo Người Việt đông nghẹt người ngay từ trận đấu đầu tiên. Đệ tử bóng đá người Việt chiếm hết các hàng ghế trong phòng chiếu trực tiếp lại còn chiếm hết chỗ đứng trong phòng cũng như ngoài hành lang. Chen chúc nhau coi bóng đá như vậy quả thật là phê. Phê như ông Trần Văn Xuân khoái chí phát biểu: “Tui mê bóng tròn lắm nên tôi đến đây từ lúc sáu giờ sáng. Tui chờ cả tiếng, hay nếu có chờ hai tiếng tui cũng không ngại, miễn là có chiếu đá bóng là tui khoái rồi. Ngày nào tui cũng sẽ đến hết!”. Phê như ông Anh Huỳnh cho biết: “Đây là lần đầu tui coi đá banh ở báo Người Việt. Tui chọn coi ở Người Việt vì vị trí ở đây rất rộng rãi, màn hình lớn, có đầy đủ tiện nghi, có ăn sáng, có cà phê, có đầy đủ mọi thứ, có tổ chức giải thưởng nhỏ cho từng trận nữa nên tui rất là thích”. Coi như vậy ai chẳng thích. Được chen vai thích cánh với các dân Việt ta, hét hò thả cửa, phê bình hoặc có thể chửi thề bằng tiếng Việt, lại còn được cà phê cà pháo, ăn sáng ăn trưa thả dàn nữa, thích là cái chắc. Cà phê sáng và trưa do Cafvina mang tới, bò kho ăn trưa của Quốc Việt Foods, sữa đậu nành của Đông Phương Tofu cung cấp. Rồi lại còn được thi đoán kết quả có giải thưởng cho mỗi trận. Vua quá cha! Chẳng thế mà ông Bảo Chung vui vẻ nói: “Ui giời ui! Buổi đầu tiên hôm nay tui cảm thấy rất sung sướng khi tới đây thấy rất nhiều người Việt mình tới xem đá banh. Vậy là tui thấy vui. Tui định coi full time luôn, coi hết các trận luôn mà!”. Anh Quốc Dân cũng khoái chí: “Đến đây coi có đông người Việt, mình cũng thấy hào hứng náo nhiệt hơn là coi ở nhà…Tôi chọn coi ở báo Người Việt vì tất cả đều miễn phí và có lẽ cũng đông vui hơn mọi chỗ khác”. Vui đến nỗi ông Nguyễn Chính Từ ngồi xe lăn cũng chịu khó…lăn tới nhập bọn. Ông này sống trong Buena Vista Nursing Home ở Fullerton, thú vị nói: “Thấy vui, rất là vui. Tôi ở trong nursing home buồn quá, cô em tôi biết ở đây có chiếu đá banh nên chở tôi đến xem”. Cái gì chứ có đông người cùng coi là vui. Nếu ông Luân Hoán ở quận Cam thì chắc ông cũng lết tới đây. Thân ông ở Montreal nhưng ông cũng chịu khó bắt satellite để coi truyền hình các cuộc tụ họp của dân Việt coi đá banh ở bên Cali. Ngoài việc ông tường thuật mỗi ngày các trận banh bằng thơ trong mục “Nhật Ký Vớ Vẩn” của ông trong trang website luanhoan.com, ông còn tả tình tả cảnh bằng điện thoại với tôi các diễn tiến của dân sâu banh Việt Nam chúng ta ở bên Cali. Ông Luân Hoán rất khoái những phát biểu của ông bầu Dũng Taylor trên “sân banh” Việt Herald. Ông này cùng ký giả Ngụy Vũ là các bình luận viên thường trực mà ông Luân Hoán rất thích. Ông Dũng Đen của ca sĩ Thu Phương còn chơi đẹp bằng cách mang xôi tới cho mọi người cùng vừa ăn vừa…đá.
Ngoài hai chốn coi đá banh và ăn uống free, dân Việt ta ở quận Cam còn tìm đến các quán cà phê để…đá. Đá ở đây có cái thú là có các người đẹp cơm bưng nước rót. Nhưng có cái không thú là phải móc hầu bao. Nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ, các quán cà phê nơi đây vẫn đông nghẹt dân ta coi người ta đá banh. Anh chủ quán Gipsy trong khu Catinat Plaza trên đường Bolsa toác miệng cười tươi: “Từ ngày có World Cup quán phải mở từ 4 giờ sáng, mệt hơn nhiều, nhưng vui là vì có khách đông hơn và bán ngon lành hơn. Dân Bolsa mê đá banh lắm, từ 4 giờ sáng, trời còn tối đen nhưng đã đến đông đủ”. Gớm, đi xem đá banh mà cứ như đi cày không bằng! Thế mới biết bọn tôi ở Montreal sướng hơn dân của thủ đô tị nạn. Giờ Montreal là giờ miền đông, đi trước giờ Cali 3 tiếng. Ngày có ba trận đấu khi diễn ra vòng đá luân lưu tính điểm thì dân xứ tôi cứ tà tà sáng ngủ dậy, khề khà cà phê cà pháo, ăn sáng ăn siếc đàng hoàng xong mới coi đá banh vào lúc 9 giờ sáng. Buổi trưa 12 giờ có một trận nữa. Buổi chiều 3 giờ có trận chót trong ngày. Coi xong dư giờ mà a lô tán nhảm với nhau. Sướng như tiên! Đâu có…nông dân như các ông bạn tôi bên Cali. Được cái là các ông bạn tôi ở xứ Little Saigon có tiên phục vụ, còn tụi tôi thì tiên còn ở trên trời.
Một trong các tiên bị đầy xuống hạ giới bưng cà phê cho dân ghiền bóng đá là cô Thy Lê của quán Eden. Quán có tới chẵn chục cái ti vi lớn cộng thêm một dàn…tiên trẻ đẹp nên khách kéo đến đông nghẹt. Bận bịu, ồn ào nhưng vui. Cô Thy Lê cho hay: “Em làm ở đây được một năm, những ngày đầu World Cup rất là đông. Chuyện đá banh công nhận là kinh khủng thật! Nó hấp dẫn đàn ông hơn cả tụi em. Trước đây khách quen vô thích ngồi nói chuyện tán dóc, còn bây giờ thì chẳng ai ngó ngàng gì tới tụi em!...Khi có đội banh nào ghi bàn thắng thì hò hét thật vui, nhất là đội Mỹ mà thắng, quán muốn nổ tung. Em cũng hét hò theo nên mấy bữa nay bị khan tiếng”.