Ấu thời ở quê nhà ngày xưa, cậu con trai nào không chơi diều, thả diều. Và có thể nói trong lòng mỗi gã đàn ông trung niên đều có kỷ niệm về những con diều giấy. A, những cánh diều bay lượn trên bầu trời là hình ảnh của tuổi thơ bình yên, trong sáng, hạnh phúc. Và Nguyễn đã gặp lại những cánh diều ấy trên bãi biển Galveston vào một buổi sáng sắp vào thu. Phải nói là lòng gã đàn ông tóc trắng này tràn ngập niềm vui và sự ngạc nhiên. Ở Mỹ ngày nay trẻ con cũng chơi thả diều sao? Tìm hiểu, Nguyễn được biết: Có hai gia đình Việt Nam với vợ chồng con cái cùng đi tắm biển Galveston sáng hôm ấy. Chắc hẳn hai ông bố hồi nhỏ cũng mê thả diều nên muốn các con mình biết niềm vui trong sáng của ấu thời. Và họ đã làm hai con diều thật đẹp, màu cánh sen pha nâu và biếc, như màu của một chiếc chăn thêu. Một trong hai ông bố có tên là Hải, ngày xưa từng thả diều trên cánh đồng làng Lại Thế, Phú Vang, là nơi quê nhà của Nguyễn. Từ những cánh diều trên bãi biển Galveston và những cánh diều trên cánh đồng Lại Thế ngày xưa, Nguyễn liên tưởng đến những cánh diều ở thành phố Kabul trong cuốn The Kite Runner (Kẻ Săn Diều), tự truyện của nhà văn Khaled Hosseini, xuất bản cách đây năm sáu năm, nổi tiếng và trở thành bestseller trên văn đàn nước Mỹ. Truyện đã được hãng Paramont dựng thành phim cùng tên. Nhân vật chính của The Kite Runner là cậu bé Amir, và bên cạnh có Hassan và những cánh diều lúc hiện lúc biến.
Tháng Mười hai năm 2001, ở San Francisco
Vào truyện, Amir đang đi bộ dọc theo bờ hồ Spreckels Lake của công viên Golden Gate Park. Lúc bấy giờ anh đã xa đất nước Afghanistan được hai mươi năm và hiện đang ở San Francisco nơi anh xem là quê nhà. Amir vừa nhận được một cú điện thoại của người bạn xưa Rahim Khan từ Pakistan gọi tới. Bàng hoàng, ngạc nhiên, Amir tưởng chừng như quá khứ đang nói với mình. Ngước mắt nhìn lên cao, anh trông thấy hai cánh diều màu đỏ đang lượn bay trên đầu những ngọn cây. Trí tưởng Amir bay về ngôi nhà xưa ở Kabul năm Amir mới 12 tuổi. Ở đó có Baba cha anh, Ali người quản gia giúp việc và con trai là Hassan, bạn của Amir. Ngoài ra còn có thêm ông bạn của gia đình Rahim Khan, như đã nói ở trên. Và tuổi thơ vui đùa nghịch ngợm và thành phố dấu yêu và những cánh diều.
Tháng Mười hai năm 1975, ở Kabul
Buổi ấu thời đó, Amir được đi học còn Hassan thì không. Hassan và cha là Ali ở căn nhà phụ đằng sau, cậu có nhiệm vụ dọn bữa ăn sáng và ủi áo quần cho Amir. Nhưng hai đứa chơi thân với nhau, như ruột thịt, đã cùng nhau khắc tên trên gốc cây lựu già sau nhà. Nhất là Hassan, cạu tận tình, tội nghiệp hy sinh cho Amir. Hai đứa thường cùng nhau đi xem chiếu bóng trong thành phố và bày ra nhiều trò chơi: trèo cây, bắn ná, hái những trái lựu đỏ, thả diều. Nhất là thả diều, đúng ra phải gọi là chọi diều (kite fighting). Trò chơi này ở Afghanistann không giống với trò chơi thả diều ở Việt Nam. Thả diều, chọi diều ở đây thường vào mùa đông, lúc tuyết rơi phủ trắng mái nhà thành phố. Cho nên, với trẻ con mùa đông đến là niềm vui lên khơi. “Mùa đông,” xin hãy nghe Amir kể. “Điều tôi thường làm vào ngày đầu tiên tuyết rơi mỗi năm là bước ra khỏi nhà thật sớm, hai tay ôm vòng lấy ngực cho bớt rét. Chung quanh tôi, cái driveway và chiếc xe của cha tôi, những bức tường, hàng cây, mái nhà, những ngọn đồi phủ tuyết trắng dày tới một foot. Tôi mỉm cười. Bầu trời thì trong xanh không cùng, tuyết trắng tới lóa mắt. Tôi cho cả một bụm tuyết vào mồm, lắng nghe sự im lặng trùm lên cảnh vật chỉ bị phá vỡ bởi tiếng kêu của những chú quạ đen. Chân trần, tôi cứ thế bước trên các bậc thềm trước nhà, cất tiếng gọi Hassan ra xem...” Mùa đông đúng là mùa yêu thích của mọi trẻ em ở Kabul, ít ra là cũng với những đứa cha chúng có thể mua cho một chiếc lò sưởi nhỏ. Lý do thật giản dị: Mùa đông tuyết rơi băng phủ trường đóng cửa, trẻ con được ở nhà đọc sách hoặc chơi đùa bên lò sưởi. Với Amir, mùa đông có cái thú được chơi bài dài dài với Hassan trong hơi ấm của chiếc lò sưởi cha mua cho. Rồi được cùng nhau đi xem phim Nga vào những sáng thứ ba ở rạp Cinema Park, rồi lại còn được ăn món quarma với cơm sau một buổi sáng tận tâm tận lực đắp thằng người tuyết.
Và tất nhiên, được chơi diều. Chọi diều. Săn diều.
Những cánh diều ở Kabul -thân diều vẽ màu sặc sỡ, dây được nhúng vào nhựa đường đặc quánh, trộn lẫn với keo và miểng chai giăng lên cây phơi khô cho cứng và sắc. Mùa đông năm 1975, Amir và Hassan cùng tham dự cuộc thi (tournament) chọi diều ở Kabul. Amir kể: “Cứ tới mùa đông, các quận hạt của thành phố Kabul cùng nhau tổ chức cuộc thi chọi diều. Ngày hội chọi diều đúng là một hội vui trong mùa băng giá. Tôi thức suốt trong đêm trước ngày trọng đại. Tôi thường nằm lăn qua lăn lại, hai tay tạo ra hình thù những con vật trên tường, có khi ngồi im lặng trên balcon trong bóng tối với chiếc chăn quấn quanh mình. Tôi có cảm tưởng mình như một người lính cố dỗ giấc ngủ trong chiến hào vào đêm trước ngày có trận đánh lớn. Ở Kabul, cuộc chơi chọi diều cũng giống như một cuộc chiến vậy.”
Xin các bạn cùng Nguyễn tưởng tượng: Có tới mấy chục con diều bay lượn trên bầu trời và cả thành phố kéo nhau ra xem, reo hò dậy đất. Đám trẻ cho diều bay tung tăng trên trời, cố điều khiển con diều lao xuống, vờn quanh, phóng vọt lên, sao cho sợi dây cắt đứt dây diều của đối thủ. Hai bàn tay của Amir và Hassan chảy máu ròng ròng. Lần lượt các con diều bị chém rụng chỉ còn diều của Amir và một con diều màu xanh đối thủ rượt đuổi nhau trên bầu trời chiều. Kết cuộc, diều của Amir thắng, và Hassan chạy đuổi theo để bắt con diều màu xanh kia. Và trong lúc cố bảo vệ con diều để mang về cho bạn, Hassan bị lũ trẻ đường phố vây khổn và hành hạ nhưng Amir đã nhẫn tâm không tiếp cứu.
The Kite Runner đã đưa Nguyễn về lại thời thơ ấu, với những trò chơi giống như đôi bạn nhỏ Amir và Hassan. Trèo cây, bắn ná, hái trái, lội sông, bẻ trộm bắp... Nhớ những buổi đi xem xi nê với thằng bạn cùng lớp ở rạp TânTân đường Trần Hưng Đạo thành phố Huế. Nhớ những trận banh trên thửa ruộng trước trường Thế Dạ tới tối mịt mới về bị ăn đòn. Nhớ những chiều thả diều trên cánh đồng làng Lại Thế, mơ chiếc diều có đủ dây để có thể bay lên cao đụng tới mặt trăng! Nhớ những cơn mưa đông và nắng hè trên dãy bàng và mái tranh thôn ổ. The Kite Runner cũng nhắc Nguyễn nhớ tới những đứa bạn nhỏ da khét nắng, tóc húi cua, bây giờ không biết chúng đi đâu về đâu...
Đọc The Kite Runner, nhìn những cánh diều bay trên thành phố Kabul, Nguyễn cũng không khỏi xót xa nghĩ tới Sài Gòn thân yêu. Đã có một thời, đứng ở một góc đường nào đó, ở sân nhà thờ Tân Định hay trên bến Bạch Đằng, hoặc giả ở chỗ vào sân bay Tân Sơn Nhất, ngước mắt lên trời khi gió lên, ta thấy những cánh diều bay lơ lửng. Những cánh diều này không bị ai hạ và cũng không bị ai săn đuổi. Đây, chúng ta hãy theo những bước chân lang thang trên hè phố của Bình Nguyên Lộc để nhìn những cánh diều lượn bay trên bầu trời thành phố Sài Gòn những ngày nào.
“Sung sướng lớn của kẻ đứng đường mà đã quá mỏi chân là dừng bước lại, vào buổi chiều ở bờ sông hay trên hè phố để ngắm diều.
Không ai ngờ rằng giữa một thành phố chật như nêm là Sàigòn nầy mà qua mùa nực, chiều nào cũng hằng trăm con diều giấy bay lượn trên không trung.
Diều giấy có sự sống hẳn hòi. Khi diều đã lên cao vút trên kia rồi thì không còn phân biệt được hình thù và màu sắc của nó nữa. Tuy nhiên người ta vẫn nhận diện được từng con một, không con nào giống con nào.
Mỗi con diều có cá tính riêng của nó. Có con diều trầm lặng, lang thang, thong thả như người khách nhàn du, dạo mát buổi chiều. Có con diều hung hăng, lồng lộn như ngựa chứng. Có con diều lăng xăng như một anh chàng nóng tánh, ngồi đứng không yên chỗ. Có con diều không biết nhớ đất hay sao mà cứ thỉnh thoảng chúi mũi toan đâm đầu xuống, nhưng rồi lại trèo trở lên ngay vì có lẽ nó biết kiếp diều là phải ở trên đó cho tròn sứ mạng diều.”
Khi bộ đội Cộng Sản tiến vào Sài Gòn coi như cuộc đời mỗi người chúng ta đã hết. Với Taliban, nước Afghanistan thời tuổi trẻ của Amir cũng đã chết. Mọi cái đều đã chết, kể cả sự tử tế của con người -như lời thuật trong The Kite Runner. Chết chóc ngay trong đời sống của mọi người. Ở Kabul, và cả Sài Gòn của chúng ta, nỗi sợ hãi có mặt cùng khắp, trên phố xá, trong các quán chợ, dưới từng mái nhà. Đêm đêm, chỉ lo có tiếng người gõ cửa. Nỗi lo sợ và tuyệt vọng khiến người ta bỏ thành phố ra đi. Ôi thôi, chết trên rừng trên biển hoặc sống trong những trại tị nạn ở Pakistan (hay ở Malaysia?) -và, đôi khi chết còn may mắn hơn sống. Người lê lết kiếm ăn khắp cùng đường phố, trong số những người này có kẻ có trình độ đại học, hoặc từng là giáo sư trung học, nhà văn và cả triết gia.
Amir trở về Kabul như một cuộc hành trình hy sinh và cứu chuộc (redemption), cố tìm cho được cậu bé Sohrab con của Hassan. Nơi đây, trong những ngày bi kịch, đã có lúc Hassan mơ những giấc mơ thật đẹp. “Tôi mơ thấy những đóa hoa lawla nở lại trên những con đường của Kabul, nhạc rahab trỗi lên tưng bừng rộn rã trong các quán trà (samovar houses) và những cánh diều bay rợp trời thành phố”. Trong khi mơ như thế, Hassan chờ đợi người bạn thơ ấu trở về -điều không bao giờ Hassan có được. Và dòng đời đã cuốn trôi bao nhiêu phận người: Baba, Ali, Hassan, Rahim Khan... Phước hạnh thay, ở hồi kết cuộc, Amir cùng Sohrab -con trai của Hassan- và vợ là Soraya tìm lại được hạnh phúc trong một buổi chiều trên cánh đồng ở Fremont, nước Mỹ. Amir chạy theo con diều, nhưng làm sao trở lại ngày xưa với Hassan...”
Bạn ơi, làm sao trở lại ngày xưa, với những cánh diều trên cánh đồng làng Lại Thế, với hương hoa nhài hoa sứ và những chiều lá rơi, lá rơi trên vỉa hè đường phố Sài Gòn.[NXT]