<!-- IMAGE -->
* Làm thơ đăng báo từ trước 1954
* Học ở Huế và Sài Gòn
* Dạy học ở Mỹ Tho, nhập ngũ 1963, làm phát thanh Quân Đội ở Pleiku, Đà Lạt, Sài Gòn.
* Tháng 5/1975 đi tù chế độ Cộng Sản tới 1982
* 1995 sang Mỹ - in thơ ở Văn Học, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Văn...
* 1998, xuất bản tuyển tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa (nhà Văn Học, Cali)
* Chủ biên tạp chí Phố Văn từ 2000-2008
* Hiện định cư cùng gia đình ở Dallas, Texas.
Ngọn gió đầu mùa đông
thổi tới
thổi. bay những bông tuyết. dưới trời garland
lúc đó là 6 giờ 30
chiều vọng noel
tôi nghe
từ trong cây. magnolia
bên hiên nhà
dường như. có tiếng kêu
của một con chim
ờ. phải rồi
tôi nhìn lên
con chickadee
phủ đầy tuyết
như trong tranh karen margulis
nó kêu. em ơi
tiếng kêu
cô đơn
tuyệt vọng
trong chiều. rơi…
<!-- IMAGE -->
Sáng Noel. Tuyết rơi trắng trời ở thành phố Garland, Texas. Nắng lên rực rỡ. Nguyễn vội vàng viết cho bạn nhỏ ít hàng, báo tin tuyết rơi trên xứ đồng cỏ. Xong, mở cửa ra nhìn những bông tuyết bám trên cành cây và bụi hoa hồng, bụi cây sage… Bỗng mắt Nguyễn chú ý tới một vật màu xám như một đám lông. Nhìn kỹ, thì ra con Chickadee đã chết trong tuyết phủ. Nguyễn vừa cúi xuống phủi tuyết trên mình chim, thì bỗng một cơn gió lạnh buốt ập đến -ngọn ác phong wind chill vẫn thổi vào đầu mùa đông. Một cơn lạnh thấm vào người khiến Nguyễn tôi ho và hắt hơi liên tục, đầu lảo đảo, phải vào phòng trùm chăn lại tìm hơi ấm. Thật ra, Nguyễn ốm đã hơn một tuần nay, nhưng cố gượng. Giờ thì hết chịu nổi. Đang nằm nghe gió thổi và tuyết rơi thì chuông điện thoại reo: Hoàng Oanh bạn học cũ từ Cali gọi báo tin Trần Đức Thắng tức Trần Đông Phong đã qua đời chiều hôm qua, 24 tháng 12. 2009. Đúng vào lúc 6 giờ 30.
Thật ra, tin Trần Đông Phong ra đi có làm cho Nguyễn đau đớn nhưng không đến nỗi bàng hoàng sửng sốt. Từ những ngày của đầu tháng 12, Huy Phương cũng đã email cho biết Trần Đông Phong bệnh nặng, phải giải phẫu, e khó qua khỏi. Rỗi những ngày sau đó, Nguyễn đang trên tàu cùng gia đình lênh đênh trên vịnh Mễ Tây Cơ thì liên tiếp nhận được điện của Hoàng Oanh, Huy Phương, Ngô Thị Vân và An Hà Châu - đều là bạn học cũ của Nguyễn và Trần Đông Phong- báo tin về bệnh tình của bạn mình.
Thế rồi, đang lúc Nguyễn lâm bệnh, tin xấu bay về sáng ngày Noel… Ôi, Trần Đông Phong đã ra đi theo ngọn gió đầu mùa đông. Cũng như Mai Thảo, như Cao Đông Khánh và Như Phong đã ra đi những năm nào vào độ tháng Chạp này. Nhưng trước hết, Nguyễn xin được theo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt Cali ghi lại tiểu sử của Trần Đông Phong.
“… Ông tên thật là Trần Đức Thắng, quê quán tại Quảng Trị, sinh năm 1937 tại Thanh Hoá, học tiểu học tại Quảng Trị và Pellerin Huế. Trần Đông Phong là giáo sư trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ từ năm 1958 cho đến tháng 6-1963, trước khi bị động viên vào khoá 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Ra trường Thủ Đức tháng 6-1964, Trần Đông Phong được đưa về làm Giảng Viên tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội và sau đó biệt phái về làm việc cho tổ chức “Liên Minh Á Châu Chống Cộng” do bác sĩ Phan Huy Quát làm Chủ Tịch. Trong thời gian này (1969-1975), Trần Đông Phong là Chủ bút Nguyệt San Anh Ngữ “Free Front”, cũng từ năm 1971, ông là chuyên viên về Liên Lạc Quốc Tế của Liên Hiệp Nghị Sĩ Á Châu (Asian Parliamentarian's Union) và Đặc Phái viên của Hãng Thông Tấn Central News Agency (CNA) Đài Loan cho đến khi miền Nam thất thủ. Trần Đông Phong đã cộng tác với các báo Sống, Việt Nam Nhật Báo, Diễn Đàn Tìm Hiểu Dân Chủ (trong nước trước 1975) và Người Việt, Thời Luận, Nguyệt San Thế Kỷ 21, Văn Hoá, Việt Học (hải ngoại).
Những bài biên khảo của ông gần đây trên báo chí hải ngoaị đã chứng tỏ ông là người biên tập đứng đắn, có trách nhiệm và những tài liệu ông đã sưu tập, tra cứu, phần lớn mới lạ, chưa được trình bày trên báo chí Việt Nam, và mang một giá trị lịch sử cao.
Năm 2006, cuốn “Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng” của Trần Đông Phong (Nam Việt xuất bản) được xem như một best-seller nhưng chưa được tái bản, cũng như cuốn “Kẻ Sĩ Cuối Cùng” chưa kịp ấn hành trước khi ông qua đời. Trần Đông Phong cũng đã để lại nhiều bản thảo biên khảo trên trang nhà Vietnam Exodus và nhiều tài liệu biên khảo công phu khác chưa ra mắt bạn đọc.
Gần đây ông được mời vào Ban Giáo Sư của Hội Việt Học và đã thuyết trình tại Hội về hai đề tài: “Cuộc Gặp Gỡ Đầu Tiên Giữa Hoa Kỳ Và Việt Nam: Thomas Jefferson và Hoàng Tử Cảnh” và “Vua Hàm Nghi: một nhà ái quốc, một nghệ sĩ tài hoa”. (ĐQAT)
Trên đây là những dòng về Trần Đông Phong nằm trong chính sử Những điều Nguyễn tôi ghi lại sau đây là thuộc về ngoại truyện. Nó không ở đâu cả, mà nằm ngoài cõi gió, hay nói đúng ra là trong tâm cảm bạn bè. Tất cả tụ ở một điểm thiếu sót trong phần tiểu sử của Trần Đông Phong ghi trên: đó là năm cuối trung học của Trần Đông Phong ở Quốc Học Huế. Đây là lớp Đệ Nhất C niên khóa 1955-1956. Theo Nguyễn nghĩ, thời gian này rất quan trọng chẳng những với riêng mình mà còn với các bạn cùng lớp trong đó có Trần Đông Phong. Có thể nói một cánh cửa lớn đã được mở ra trước mắt những chàng trai, những cô gái còn phơi phới mộng đời. Và những tư tưởng của thời hiện đại mà chúng tôi có được là từ nơi đây: về sử với thầy Lê Khắc Phò về từ Sorbonne, về văn học Anh với thầy Huỳnh Đình Tế tốt nghiệp ở Anh quốc, về văn chương Pháp với cha Lập, về triết học với cha Luận. Tất cả làm nên hành trang chúng tôi sau này.
Nhưng nói tới Lớp Đệ Nhất C ở Quốc Học vào những năm giữa thập niên1960, không thể không nói tới Huế. Như một nơi chốn để tâm trí trở về. Như Hà Nội của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Hoàng Anh Tuấn, Cung Tiến… Vâng, Huế. Như trong ca khúc Hẹn Một Ngày Về của thầy Lê Hữu Mục: Huế lờ lững dòng Hương năm tháng còn vương lời ai mong chờ… Tình xưa không vỡ bao giờ...” Thật ra, với Nguyễn tôi, không có ai mong ai chờ, không có tình xưa nào mà bảo là “không vỡ bao giờ”. Sau tháng 8,1956, Nguyễn này ra đi như một ngọn gió. Nhưng bảo không còn gì ở Huế nữa là không đúng. Còn mẹ cha, anh em và bạn bè lớp cũ trường xưa. Còn dòng sông như thanh kiếm dựng giữa trời của thơ Cao Bá Quát. Còn con đường Lê Thái Tổ với quán nhạc Lâm Tuyền và bóng dáng ca sĩ Mộc Lan thấp thoáng. Ôi, lòng tôi đã vương lại với hàng cây sầu đông, cây bàng ở Vương Phủ, cây bút bút ở con đường ngang qua Tòa Khâm, những cây phượng đỏ trên đường Trần Hưng Đạo… Và nắng, và mưa, sương mù buổi sáng, trăng lên trong chiều. Và trong trí tưởng của tôi, “Em từ vùng nước xanh ao sen mùa hạ bước lên. Tóc và quần áo dính vào da thịt. Hai tay em ôm đầy bông sen đỏ. Ta gọi tiền thân em là hương sen.” Huế ơi.
Một điểm đặc biệt cũng cần ghi nhận là nơi căn lớp ngày xưa ấy đã hình thành những điều tốt đẹp: tình thầy trò, tình bạn và tình yêu văn chương, nghệ thuật. Tình thầy trò ở năm Đệ Nhất C ấy nở hoa trong lòng anh chị em. Và tình bạn, thật trong trắng hồn nhiên, còn mãi tới bây giờ. Nguyễn tôi mỗi lần về Cali đều gặp các bạn: Hoàng Oanh, Ngô Thị Vân, Ngô Kim Yến, Nguyễn Trường, Lê Tú Vinh, Trần Đông Phong… Về tình yêu văn chương nghệ thuật, Nguyễn chắc chắn vẫn như ngọn lửa trong mỗi người. Hồi Nguyễn tôi ra tờ Phố Văn ở đây, các bạn đều theo dõi và đón nhận nồng nhiệt. Còn về tình yêu, ngày ấy nhiều bạn đã có người yêu: Thế Viên, Trần Đông Phong, Nguyễn Trường, Trần Hữu Mai… Về phía nữ có Thân Thị Tố Tâm, Bạch Vân… Riêng Nguyễn tôi, có thể nói là chưa yêu ai và không có mối tình bằng xương bằng thịt nào cả, chỉ mơ mơ màng màng như trong bài Tím (ôi, cái màu tím rất Kim Sanh này, may là hồi đó chưa nghe nhạc Trịnh!):
Sông tím in hình nguyệt thuở xưa
Thư sinh thuyền lạnh buổi thu vừa
Mây giăng tám hướng đời ly loạn
Em đến u huyền nghiêng dáng mưa.
Vâng, thế đấy. Và kể từ năm Đệ Nhất C ấy, những con đường mở ra, và các bạn đều thành đạt: có người sau này là thẩm phán như Hồ Đắc Cần, luật sư như Phan Ngọc Lâm, giáo sư đại học như Tiến Sĩ Nguyễn Trường… Còn lại, phần lớn là giáo sư trung học gương mẫu: Thân Thị Tố Tâm, Nguyễn Thị Tiên, An Hà Châu, Hoàng Oanh, Lê Hữu Phụng, Hồ Đăng Châu, Lê Tú Vinh, Trần Công Kiểm… Nguyễn tôi, và Nguyễn Ngọc Hy, Phan Ngọc Lâm, Hồ Thế Viên - có thể cả Hoàng Quỳnh Hoa, Ngô Kim Yến, Võ Thị Nguyệt…- cũng có thời tóc vương bụi phấn. Đó là những người Nguyễn còn nhớ được. Một điểm nữa đáng ghi nhận là có bốn người đi vào con đường trứ tác văn chương là Thế Viên (giải thưởng thơ Phủ Tổng Thống, mất ở quê nhà đã ngoài 15 năm), Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh tức ni cô Trí Hải (Bùi Giáng gọi là Mẫu Thân), người giới thiệu Hermann Hesse với thanh niên Việt Nam qua những bản dịch Câu Chuyện Dòng Sông và Sói Đồng Hoang. Phùng Khánh đã mất ở Sài Gòn cách đây mấy năm và được thầy Tuệ Sỹ viết khúc tang ca. Riêng Trần Đông Phong và kẻ này - một người viết về sử, người kia làm thơ, viết lách lăng nhăng.
Bây giờ, Nguyễn tôi xin nói về Trần Đông Phong qua cái nhìn và cảm nhận riêng của mình. Và khi viết những dòng này, Nguyễn muốn ghi lại một thời với những bóng ảnh để bạn bè có dịp chia sẻ, và các môn sinh của Trần Đông Phong biết thêm đôi nét về thầy mình. Thắng tức Trần Đông Phong đẹp trai như tài tử xi nê, hào hoa phong nhã, biết nhiều và nói chuyện hoạt bát cho nên bạn dễ vướng vào lụy tình với những trắc trở trong đời. Âu đó cũng là cái số. Ngay từ thời Đệ Nhất C, Trần Đông Phong đã đọc Newsweek và có kiến thức về lịch sử, chính trị. Chúng tôi mấy đứa chơi thân với nhau. Nguyễn và Trần Đông Phong khi vào Sài Gòn đã có thời thuê chung nhà ở đường Foucauld (Nguyễn Phi Khanh) và Yên Đổ. Trần Đông Phong mê trà, cà phê, thuốc lá điếu dài Pall Mall. Thời ở Huế, chúng tôi hay ra ngồi ở Lạc Sơn. Vào Sài Gòn thì trụ ở Thái Chi và Givral. Khi Nguyễn về dạy học Mỹ Tho cùng với Hồ Thế Viên, Nguyễn Ngọc Hy, Phan Ngọc Lâm, thuê nhà ở đường Nguyễn Huệ, Trần Đông Phong có về ở lại chơi mấy ngày. Nguyễn và bạn sáng chiều cà phê, phở, thuốc lá, đêm về ôm nhau nằm ngủ chèo queo trên bộ ván (rất hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ vô tội vạ - xin đừng nghĩ bậy). Dịp này, Trần Đông Phong đưa bọn tôi sang Bến Tre thăm Mỹ Quốc, hoa khôi thành phố thời ấy. Sau đó, Mỹ Quốc và một cô bạn nữa qua thăm lại bạn. Thời gian ở trên căn lầu đường Yên Đổ, Trần Đông Phong yêu Phan Thị Tiếp (bạn gọi là Ti Ti - một tình yêu đẹp) và rồi đi tới hôn nhân. Trần Đông Phong và Nguyễn này là bạn đồng song, đồng nghiệp, ngoài ra còn là bạn đồng khóa. Khóa 16 Thủ Đức năm 1963, có cả Huy Phương, Chinh Yên (không biết về đâu), Mai Trung Tĩnh và Ngô Kha (cả hai không còn nữa). Năm 1974, Nguyễn từ Đà Lạt và Pleiku về làm ở Đài Phát Thanh Quân Đội Sài Gòn, nghèo ơi là nghèo, lúc đầu phải đi làm bằng xe buýt. Gặp Trần Đông Phong, bạn giới thiệu cho viết báo Dân Chủ, cũng như Hồ Đăng Tín giới thiệu viết bài ở Đài Tiếng Nói Tự Do. Một phần nhờ hai bạn mà dần dần mua được xe gắn máy Suzuki đi làm.
Rồi Tháng Tư 1975… Một cuộc đổi dời như mây chó trên bầu trời. Nguyễn và lớp lớp bạn bè khăn gói quả mướp vào trại tù Cộng Sản, được gọi là Trại Cải Tạo. Năm 1995, sang Mỹ, gặp lại Trần Đông Phong. Lúc này bạn sống với ca sĩ Ngọc Minh. Thôi, thuyền đã yên bến, mà lại là bến đẹp nữa, rứa là tốt rồi. Cũng mừng cho bạn. Trần Đông Phong kể: Tháng Tư 1975, đang lúc hoang mang hoảng loạn, Trần Đông Phong lấy xe Honda chạy xuống đường Tự Do, rồi ra Bến Bạch Đằng, thấy có một chiếc tàu đầy người bèn xuống theo. Thế là đi ra đảo. Sang Mỹ, Trần Đông Phong có bảo lãnh cho vợ con qua, nhưng không sống chung. Nguyễn có đi chơi với Trần Đông Phong mấy bận, có khi bạn kêu về nhà Ngọc Minh ở lại cùng bạn chuyện trò. Nguyễn biết bạn đang nghiên cứu lịch sử cận đại, nhưng không nghe nói chuyện viết và xuất bản sách. Năm 2006, Nguyễn cùng các bạn đang dự triển lãm Nguyễn Trọng Khôi do Bạch Hạc tổ chức ở Houston, thì nghe tin các môn sinh của Trần Đông Phong tổ chức cho thầy ra mắt sách ở gần đó. Cuốn Việt Nam Cộng Hòa: 10 Ngày Cuối Cùng. Không được mời, nhưng anh Phan Xuân Sinh và kẻ này cũng đến dự. Sau này, Nguyễn có trích đăng một đoạn của cuốn sách trên Phố Văn. Đây là điều Nguyễn lấy làm mừng và hãnh diện về bạn mình. Nay đọïc tiểu sử Trần Đông Phong do Đinh Quang Anh Thái đăng trên Người Việt Online, thấy tác phẩm của Trần Đông Phong còn có Kẻ Sĩ Cuối Cùng chưa in. Vậy, kẻ sĩ đó là ai, có phải là người của thời đại chúng ta không?
Thắng ơi,
Mi ra đi, bạn bè từ nay vĩnh biệt, mà tau bị đau ốm liên miên không về khóc được một lời trước linh cữu của mi. Ôi, đau đớn. Sáng nay, tau bưng ly trà ra đứng trước cây hồng vàng tưởng nhớ tới mi và những năm tháng thanh xuân của tụi mình. Tuyết đã tan. Tau uống một ngụm trà trong tách, xong tưới lên đám cỏ dàu dàu, nhiếp gọi hồn mi, cầu mong cho mi sớm về cõi trời Tịnh Độ. Ô hô, Thắng ơi!
Dallas, sáng ngày 30 tháng 12. 2009
NXT