Các giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc hôm nay tiến hành cuộc họp cấp công tác tại Seoul về việc giải quyết vụ tranh chấp liên quan tới những phụ nữ Hàn Quốc bị Nhật Bản bắt làm nô lệ tính dục trong Thế chiến Thứ hai. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.
Tại cuộc họp thượng đỉnh tuần trước ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hứa giải quyết vụ tranh cãi lâu đời này trước cuối năm nay.
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June Hyuck nói rằng lập trường của Hàn Quốc không thay đổi.
"Nhật Bản cần phải giải quyết vấn đề này vì đây là vấn đề do họ gây ra. Chính phủ Nhật Bản phải mang lại những giải pháp mà các nạn nhân có thể chấp nhận và người dân nước tôi có thể chấp nhận."
Thủ tướng Abe, một chính khách bảo thủ, lên nắm quyền năm 2012. Ông đã cổ xuý cho một vị thế mạnh hơn của quân đội và có những chủ trương mang tính chất dân tộc cực đoan, trong đó có những quan điểm không giống quan điểm chính mạch về các vấn đề lịch sử. Ông Abe và một số người ủng hộ ông đã bị tố cáo là tìm cách giảm thiểu tối đa tính chất nghiêm trọng hoặc chối bỏ những hành vi tàn ác của Nhật trong thời chiến.
Đối với vấn đề “an uỷ phụ”, những phụ nữ Á châu bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tính dục trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng một số nước Á châu và trong Thế chiến Thứ hai, ông Abe đã dùng những từ ngữ thiếu rõ ràng để bày tỏ hối tiếc mà không nhận lãnh trách nhiệm của nước Nhật đối với sự tàn bạo trong quá khứ. Một số người ủng hộ ông Abe đã làm bùng ra một làn sóng căm phẫn ở Á châu khi họ nói rằng nhiều “an uỷ phụ” không phải bị ép buộc mà là tự nguyện hành nghề mại dâm để kiếm tiền.
Bà Park Geun Hye, người được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc năm 2013, đã không chịu gặp ông Abe trước khi ông đưa ra “một lời tạ lỗi chân thành” và bồi thường cho “các an uỷ phụ.”
Mãi cho tới tuần rồi, bà Park mới đồng ý gặp ông Abe. Và tại cuộc họp thượng đỉnh song phương ở Seoul, đôi bên đồng ý đặt ưu tiên cao cho việc tìm kiếm một giải pháp đối với vấn đề đã gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai đồng minh chính của Mỹ ở Á châu.
Lập trường của Tokyo là việc bồi thường cho những người Triều Tiên bị đau khổ dưới sự cai trị của thực dân Nhật đã được giải quyết dựa theo Hiệp ước Bình thường hoá Nhật-Hàn năm 1965, trong đó có những khoản tín dụng và viện trợ không hoàn lại trị giá 800 triệu đô la mà Tokyo cung cấp cho Seoul.
Tuy Thủ tướng Abe cho rằng việc đòi ông và những người khác sinh sau Thế chiến Thứ hai xin lỗi là không công bằng, ông hứa sẽ tôn trọng những lời tạ lỗi mà các nhà lãnh đạo Nhật đã đưa ra trước đây, trong đó có tuyên bố năm 1993 do ông Yohei Kono, Chánh Văn phòng Nội các Nhật, đưa ra để xin lỗi các nạn nhân và bày tỏ sự ăn năn đối với vấn đề an uỷ phụ.
Một số người ở Nhật chỉ trích bà Park Geun Hye không nói rõ là bà muốn ông Abe phải nói như thế nào và Nhật Bản phải bồi thường như thế nào để giải quyết vấn đề.
Tin tức cho biết các nhà thương thuyết Nhật muốn bảo đảm là bất kỳ sự giải quyết nào mà đôi bên tán đồng sẽ có tính chất chung cuộc và sẽ không còn kiện tụng gì nữa.
Một số người Nhật cũng e rằng giải pháp đạt được với Hàn Quốc có thể mở cửa cho những đòi hỏi tương tự từ các nước khác ở Á châu từng chịu đau khổ vì sự chiếm đóng của quân đội Nhật.
Có tin cho hay Nhật Bản đề nghị là thay vì bồi thường một cách chính thức, họ sẽ lập ra một quỹ phi chính phủ hoặc quyên tặng cho một quỹ phi chính phủ để bồi thường cho các nạn nhân.
Bà Ahn Sun Mi, giám đốc của một tổ chức đại diện cho những an ủi phụ còn sống, cho biết tổ chức của bà sẽ bác bỏ bất kỳ đề nghị nào không bao gồm một lời tạ lỗi chân thành và trực tiếp cho các nạn nhân và sự thừa nhận đầy đủ của chính phủ Nhật về sự dính líu trực tiếp và trách nhiệm của họ đối với những hành vi tàn ác trong quá khứ.
"Nếu chính phủ Nhật thừa nhận và chấp nhận trách nhiệm của họ đối với những tội ác này, tội ác mà cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận là một tội ác chống lại loài người, thì việc bồi thường phải được thực hiện sau đ1o như một bằng chứng của sự hối lỗi."
Bà Ahn Sun Mi không cho biết một khoản tiền bao nhiêu sẽ thỏa mãn đòi hỏi bồi thường. Bà nói rằng cho dù chính phủ Nhật mang hết đất đai ở Nhật để hiến cho các nạn nhân thì điều đó cũng không đủ để bù đắp cho những gì mà họ đã phải gánh chịu.
Ông Daniel Pinkston, một chuyên gia về Đông Bắc Á, cho biết những người ủng hộ ông Abe và những người ủng hộ bà Park đã lợi dụng vụ tranh chấp lịch sử để biến sự tức giận của công chúng thành sự hậu thuẫn chính trị. Ông cho rằng để giải quyết vấn đề này, hai nhà lãnh đạo phải làm những điều đúng đắn dựa trên các giá trị chung về dân chủ và nhân quyền, và phải bác bỏ chủ trương của những người tuy không đông nhưng rất lớn tiếng, những người muốn kéo dài vụ tranh chấp.
"Đôi khi và trong một số trường hợp, tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo ở cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc cần phải thẳng thắn chống lại những nhóm dân tộc cực đoan này, những người không đại diện cho quan điểm dòng chính đối với vấn đề này."
Trong hai năm qua, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành 9 cuộc đàm phán cấp công tác mà không đạt được giải pháp nào cho vấn đề “an uỷ phụ.” Nhưng cam kết mới đây của bà Park và ông Abe là giải quyết vấn đề trước cuối năm nay đã mang lại cho các nhà thương thuyết một cảm giác cấp bách.
Có tin cho hay bà Park và ông Abe có thể sẽ lại hội đàm với nhau khi họ dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, hội nghị thượng đỉnh APEC ở Philippines và hội nghị thượng đỉnh an ninh ASEAN ở Malaysia.