Tại Seoul hôm thứ Sáu, các vị bộ trưởng thương mại của Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên gặp nhau lần đầu tiên từ 3 năm rưỡi nay để thảo luận các kế hoạch thiết lập một thỏa thuận thương mai tự do tam phương và thúc đẩy một phiên bản khu vực của Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Cuộc họp kinh tế ba bên diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo vào ngày Chủ nhật.
Ba quốc gia Đông Bắc Á này chiếm khoảng 20% nền kinh tế thế giới nhưng kể từ năm 2012, quan hệ căng thẳng là bóp nghẹt các nỗ lực phối hợp và hòa nhập thương mại khu vực.
Đại diện Trung Quốc tại cuộc họp ba bên là Đại diện Thương mại Quốc tế Chung San. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hồi gần đây của Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu chậm chạp, ông Chung nói các cường quốc Á châu chính cần phải tăng cường giao thương khu vực để thúc đẩy tăng trưởng.
“Nền kinh tế thế giới ngày nay đã được cải cách sâu rộng sau vụ khủng hoảng. Trong tư cách một trung tâm kinh tế ở châu Á, vai trò của Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản mang tính cấp thiết đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Thúc đẩy RCEP
Ngoài việc ủng hộ một khu vực thương mại tự do giữa ba nước, các giới chức thương mại của Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đã thảo luận những sách lược để thúc đẩy hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực, còn gọi tắt là RCEP, một thỏa thuận thương mại tự do toàn Á. Các cuộc thương lượng cho RCEP với 16 nước đã bắt đầu vào năm 2013 nhưng mới đây đã bị khựng lại. Hiệp định thương mại khu vực sẽ bao gồm các cường quốc Đông bắc Á cũng như Ấn Độ và Australia, nhưng loại trừ Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ông Motoo Hayashi, hiện đang có mặt tại Seoul để dự các cuộc đàm phán hôm nay, lên tiếng ủng hộ các thỏa thuận thay thế này để hạ thấp các rào cản thương mại.
“Để giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ba nước nên hợp tác chặt chẽ hơn trong các lãnh vực kinh tế và đầu tư thương mai. Chúng ta cũng phải nâng cao sức mạnh của vùng Đông Bắc Á và Thái Bình Dương. Điều quan trọng nhất là thiết lập việc tự do hóa đầu tư và thương mại trong khu vực này”.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Seoul, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Nam Triều Tiên, ông Yoon Sang-Jick bày tỏ sự lạc quan rằng các hiệp định thương mại tự do khu vực này cũng có thể được thực thi.
“Tôi trông đợi FTA giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản, và RCEP sẽ được ký như những hiệp định hỗ tương. Thêm nữa, 3 nước nên chứng tỏ sự lãnh đạo vững mạnh để thành lập một Cộng đồng Đông Á”.
Nhiều người coi RCEP như một đối thủ do Trung Quốc cầm lái để địch lại với TPP do Hoa Kỳ đứng đầu.
Ông Koichi Nakano là một giáo sư môn khoa học chính trị tại tường Đại học Sophia ở Tokyo. Ông cho rằng sáng kiến thương mại của Hoa Kỳ lẽ ra là một khung sườn với các thành viên sẽ mở rộng, nhưng quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh có thể châm ngòi cho các nỗ lực khai triển một phương án thay thế trong khu vực. Ông Nakano giải thích:
“Mục đích là để định ra tiêu chuẩn thương mại toàn cầu với việc cuối cùng Trung Quốc sẽ tham gia nhưng nếu không thì có thể TPP sẽ thực sự góp phần vào khái niệm là Hoa Kỳ và Nhật Bản đang củng cố liên minh để bao vây và kiềm chế Trung Quốc”.
Vấn đề 'an úy phụ'
Ngày thứ Bảy tại Seoul, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye sẽ mở các cuộc đàm phán song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ngày Chủ nhật thì Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc đàm phán trong hội nghị tam phương đầu tiên kể từ năm 2012 giữa các nhà lãnh đạo các cường quốc khu vực này.
Căng thẳng về các khẳng định chủ quyền đối nghịch nhau và sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với thái độ dường như không ân hận của Nhận Bản đối với quá khứ thời chiến đã dẫn tới việc đình chỉ các cuộc đàm phán thường kỳ cấp cao về an ninh và phát triển kinh tế khu vực.
Ngoài việc thảo luận về phát triển kinh tế khu vực, các nhà lãnh đạo NamTriều Tiên và Trung Quốc sẽ hối thúc thủ tướng Nhật Bản giải quyết vấn đề “an úy phụ” gây nhiều tranh cãi.
Bà Park đặc biệt đã là một người lớn tiếng ủng hộ hàng ngàn “an úy phụ” Á châu đã buộc phải làm nô lệ tính dục cho quân đội Nhật Bản trong thời kỳ chiếm đóng châu Á và Thế chiến thứ hai. Bà đã yêu cầu ông Abe đưa ra lời “thành thực xin lỗi” và đền bù cho các nạn nhân sống sót về những đau khổ của họ.
Tuần này, bà Park tuyên bố giải quyết vấn đề này là chìa khóa cho việc tái lập một mối quan hệ ngoại giao bền vững với Nhật Bản.
Ông Abe đã đưa ra lời chia buồn về những hành vi tàn ác xảy ra trong Thế chiến thứ hai và hứa sẽ tôn trọng những lời xin lỗi do các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây đã đưa ra, kể cả Tuyên cáo Kono năm 1993 đưa ra lời tạ lỗi và hối tiếc với các an úy phụ.
Nhưng ông đã từ chối không chấp nhận yêu cầu của Seoul đòi bồi thường và những lời lẽ mạnh hơn. Trong bài phát biểu tháng 8 của ông nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai, ông Abe nói nước Nhật Bản hòa bình và dân chủ ngày nay, nơi trên 80% dân chúng ra đời sau cuộc chiến, không nên buộc phải chịu trách nhiệm về những hành vi tàn ác đã qua.
Ông Abe nói: "Chúng ta không nên để cho con cháu chúng ta, và cả các thế hệ sau nữa sắp tới, không có liên quan gì với cuộc chiến đó, bị buộc phải xin lỗi”.