Nhật Bản và Nam Triều Tiên hôm nay cùng với Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu Bắc Triều Tiên huỷ bỏ kế hoạch phóng hoả tiễn tầm xa lên không gian. Họ nói rằng một vụ phóng như thế sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên phát triển phi đạn đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Seoul.
Bắc Triều Tiên chiều thứ ba đã thông báo cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc về kế hoạch phóng lên không gian một vật thể mà họ gọi là “vệ tinh quan sát trái đất” trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 25 tháng hai.
Bình Nhưỡng cho rằng họ có quyền chủ quyền để theo đuổi một chương trình không gian qua việc phóng hoả tiễn, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các đồng minh khác của Mỹ chống đối chương trình đó và họ cho rằng Bắc Triều Tiên lợi dụng vỏ bọc đó để tránh né sự hạn chế do cộng đồng quốc tế áp đặt. Nhà lãnh đạo Nhật phát biểu như sau.
'Hành động khiêu khích'
"Mục tiêu thật sự của hành động này là thử nghiệm phi đạn. Bên cạnh những vụ thử nghiệm hạt nhân, những vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo này của Bắc Triều Tiên là một sự vi phạm trắng trợn các quyết định của Hội đồng Bảo an. Đối với an ninh của đất nước chúng tôi, đó là một hành động khiêu khích."
Chính phủ của Thủ tướng Abe hôm nay đã ra lệnh cho quân đội bắn rơi bất kỳ phi đạn nào của Bắc Triều Tiên đe dọa tới nước Nhật.
Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6 tháng 1.
Bắc Triều Tiên đã phóng một hoả tiễn tầm xa vào tháng 12 năm 2012, không bao lâu trước khi thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.
Nam Triều Tiên hôm nay cảnh báo Bắc Triều Tiên sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu xúc tiến kế hoạch phóng hoả tiễn.
Ông Cho Tae Yong, một giới chức cấp cao về an ninh của văn phòng Tổng thống Nam Triều Tiên, phát biểu như sau.
"Chúng tôi mạnh mẽ cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên sẽ phải trả một cái giá rất đắt nếu họ xúc tiến kế hoạch phóng phi đạn tầm xa, một hành động đe dọa nghiêm trọng tới nền hoà bình chẳng những ở bán đảo Triều Tiên mà còn ở khu vực này và trên khắp thế giới."
Hạn chế trong chọn lựa ngoại giao
Trung Quốc ngày hôm nay cho biết họ cực kỳ quan tâm tới những tin tức về kế hoạch phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên. Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã yêu cầu Bắc Triều Tiên tự kiềm chế.
Hoa Kỳ và các nước đồng minh tiếp tục hối thúc Bắc Kinh ủng hộ những biện pháp chế tài nghiêm khắc để đáp lại vụ thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng không có nhiều chọn lựa trong lãnh vực ngoại giao để buộc chính quyền Kim Jong Un ngưng chỉ chương trình hạt nhân và phi đạn.
Ông Ahn Chan Il, một người Bắc Triều Tiên đào tị đang làm việc cho Học viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nhận định như sau.
"Tôi nghĩ rằng không có điều gì mà Hoa Kỳ, Nhật bản và Nam Triều Tiên có thể làm ngoài việc đưa ra những tuyên bố."
Tuy Washington và Bắc Kinh đồng ý với nhau là cần có một nghị quyết “mạnh mẽ” của Liên Hiệp Quốc chống lại Bắc Triều Tiên, nhưng đôi bên vẫn còn chia rẽ về mức độ nghiêm nhặt của các biện pháp trừng phạt.
Hoa Kỳ đang cổ xuý cho những biện pháp chế tài quốc tế mạnh mẽ hơn để gây ra những sự đau đớn về mặt kinh tế qua việc hạn chế hoạt động vận chuyển dường biển và đường hàng không, và những vụ mua bán tài nguyên thiên nhiên, kể cả than đá và nhiên liệu.
Quốc hội Mỹ cũng đang soạn thảo những dự luật về các biện pháp chế tài đơn phương để trừng phạt các bên thứ ba, các công ty và ngân hàng làm ăn với Bắc Triều Tiên, trong đó có nhiều công ty và ngân hàng của Trung Quốc. Nếu được áp dụng, những biện pháp này chắc chắn sẽ làm gia tăng những mối căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc muốn theo đuổi một đường lối có tính chất hoà hoãn hơn. Họ muốn áp dụng những sự trừng phạt nào đó đối với giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng nhưng cũng dẫn tới chỗ các bên thực hiện lại cuộc đàm phán quốc tế.
Đầu năm 2009, Bình Nhưỡng đã rút khỏi cuộc đàm phán 6 bên với Washington, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh và Moskova để tháo dỡ chương trình vũ khí hạt nhân nhằm đổi lấy trợ giúp kinh tế và bảo đảm an ninh.
Đặc sứ hàng đầu của Trung Quốc tại cuộc đàm phán 6 bên, ông Vũ Đại Vĩ, đã đến Bình Nhưỡng để thảo luận về tình hình hiện nay trong lúc Bắc Triều Tiên loan báo kế hoạch phóng hoả tiễn.
Chọn lựa quân sự giới hạn
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay ra lệnh cho các đơn vị phòng thủ phi đạn đạn đạo, bao gồm các khu trục hạm Aegis ở Biển Nhật Bản và các giàn phóng phi đạn Patriot đặt trên bờ, chuẩn bị sẵn sàng để bắn rơi phi đạn nào của Bắc Triều Tiên đe dọa tới nước Nhật.
Tuy nhiên, có phần chắc là Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ không tiến hành một vụ tấn công phủ đầu nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Ông Daniel Pinkston, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Troy ở Seoul, cho biết như sau.
"Không ai thật sự tính tới chuyện sử dụng sức mạnh để phá huỷ phi đạn trên mặt đất trước khi phi đạn được phóng đi, bởi vì hiệu ứng lan toả và những hậu quả của nó sẽ quá đắt cho tất cả mọi người."
Các chuyên gia tin rằng Bắc Triều Tiên có hơn 1.000 phi đạn kiểu Xô viết có thể bắn tới các mục tiêu ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản, và có đủ plutonium để chế tạo từ 8 đến 12 quả bom hạt nhân.
Năm ngoái giới hữu trách Mỹ cho biết họ tin là Bắc Triều Tiên có khả năng để thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để gắn vào phi đạn tầm xa KN-08, tuy Bắc Triều Tiên chưa chứng tỏ là họ có khả năng này.