Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên thông báo sắp phóng ‘vệ tinh quan sát trái đất’


Người dân xem tin tức về cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên của Bắc Triều Tiên tại một trạm xe lửa ở Seoul vào ngày 06 tháng 1 năm 2016.
Người dân xem tin tức về cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch đầu tiên của Bắc Triều Tiên tại một trạm xe lửa ở Seoul vào ngày 06 tháng 1 năm 2016.

Bắc Triều Tiên đã thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (IMO) về kế hoạch của nước này phóng một "vệ tinh quan sát trái đất" vào cuối tháng 2, một hành động làm dấy lên lo ngại ở Mỹ và những cường quốc thế giới khác rằng Bình Nhưỡng đang tìm cách ngấm ngầm thúc đẩy công nghệ phi đạn tầm xa.

Bắc Triều Tiên đệ trình dữ liệu, bao gồm ngày giờ dự định phóng và khu vực rơi dự kiến, lên cơ quan này của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba, theo bà Natasha Brown, viên chức phụ trách truyền thông và thông tin của IMO.

"Chúng tôi đã nhận được thông tin từ CHDCND Triều Tiên liên quan đến vụ phóng vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong từ ngày 8 tới ngày 25 tháng 2," bà Brown cho VOA biết qua email.

Phi đạn của Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ rơi xuống Trái đất trong ba giai đoạn ngoài khơi bờ biển phía tây của Hàn Quốc và tới bờ biển phía bắc của Philippines, theo dữ liệu.

Một số nhà phân tích nói rằng thời điểm của vụ phóng có thể là để kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il. Sinh nhật của ông Kim là ngày 16 tháng 2. Vào tháng 4 năm 2012, Bình Nhưỡng bắn một phi đạn tầm xa để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người sáng lập nhà nước Kim Il Sung.

Mỹ phản đối

Mỹ phản ứng bằng cách nhanh chóng lên án vụ phóng đã được hoạch định này, diễn ra sau sự kiện mà Bình Nhưỡng nói là một vụ thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch vào trong tháng 1.

"Hành động này sẽ vi phạm nhiều nghị quyết Hội đồng Bảo an bằng cách sử dụng công nghệ phi đạn đạn đạo bị cấm," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.

Tại Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Josh Earnest nói rằng vụ phóng "sẽ chỉ là một hành động khiêu khích gây mất ổn định nữa từ phía Bắc Triều Tiên."

Các cường quốc thế giới đã nêu lên lo ngại rằng mỗi một vụ thử nghiệm có thể đưa lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển một phi đạn hạt nhân tầm xa. Vụ thử nghiệm vào tháng 1của Bình Nhưỡng đã khiến Mỹ và những cường quốc thế giới khác khởi động nỗ lực thúc đẩy những hình phạt bổ sung của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhắm vào nước này.

Trung Quốc, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an và chiếc phao cứu sinh về kinh tế của Bắc Triều Tiên, có thể đóng một vai trò then chốt trong bất kỳ phản ứng quốc tế nào. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thảo luận vấn đề này tại Bắc Kinh vào tuần trước. Trung Quốc nhất trí rằng cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với Bắc Triều Tiên, nhưng từ chối xác định những phản ứng đó nên là gì.

Tin tức về ý định của Bắc Triều Tiên được loan đi ngay sau khi phái viên hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm Bình Nhưỡng, nơi ông ta dự kiến ​thảo luận về vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.

Vào tháng 12 năm 2012, Bắc Triều Tiên phóng thành công vào quỹ đạo một vật thể trong vụ việc dường như cho thấy tiến bộ lớn của Bắc Triều Tiên trong việc phát triển phi đạn tầm xa của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG