Nhật, Ấn: Lực lượng đối trọng trước tham vọng của TQ ở Biển Ðông

Tàu và máy bay trực thăng của Hải quân Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận hải quân ở biển Ả Rập, ngoài khơi bờ biển Bombay.

Philippines và Việt Nam coi Nhật Bản và Ấn Ðộ như một lực đối trọng trước tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tin của Reuters hôm nay nói Philippines tin rằng một nước Nhật Bản hùng mạnh hơn có thể là một lực đối trọng trước các động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc, điều đang gây lo lắng cho các nước Á Châu nhỏ hơn, giữa lúc căng thẳng đang tăng cao trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khu vực.

Reuters trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói rằng “Philippine đang hướng về Nhật Bản để tìm kiếm sự ủng hộ cho tiến trình giải quyết hòa bình các vấn đề tại Biển Ðông, trong tư cách là một đối tác khi nói tới những liên minh quốc phòng trong khu vực.”

Những tuyên bố của Trung Quốc rằng Biển Ðông là lãnh hải thuộc chủ quyền của họ đã bị thách thức, không những bởi Ấn Ðộ, mà nhiều nước khác kể cả Việt Nam, Malaysia, và Philippines
Dhruva Jaishankar, Viện nghiên cứu Quỹ German Marshall.
Lời phát biểu này lặp lại nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Philippine Albert Del Rosario trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Financial Times số ra hôm nay, nói rằng “Nhật Bản có thể là một yếu tố đối trọng đáng kể.”

Được hỏi về lời bình luận này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói khái niệm về việc “kiềm hãm Trung Quốc ” đã lỗi thời. Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói bây giờ thời đại Chiến tranh lạnh đã qua, và kiềm hãm Trung Quốc không còn khả thi nữa.

The Washington Post đăng một bài viết của một ông Dhruva Jaishankar, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Châu Á của Quỹ German Marshall tại thủ đô Washington, đặt câu hỏi liệu Hải quân Ấn Ðộ có sắp sửa trực diện đối đầu với Trung Quốc trên các vùng biển trong khu vực hay không.

Giàn khoan dầu của công ty ONGC Videsh.

Ông Jaishankar trích lời một quan chức hải quân hàng đầu của Ấn Ðộ, Đô Đốc D.K. Joshi, nói trong một cuộc họp báo hôm thứ hai tuần trước, đề nghị hải quân Ấn Ðộ sẽ bảo vệ các nỗ lực dò tìm dầu khí với Việt Nam trong Biển Đông, chống những hành động hiếu chiến của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jaishankar nói rằng trên thực tế, lời tuyên bố của Đô Đốc Joshi không có ý ra dấu hiệu rằng hải quân Ấn Ðộ sẽ được triển khai, mà chỉ tái khẳng định vị thế bấy lâu nay của Ấn Ðộ, rằng việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, đã làm tăng những quan ngại của Ấn Ðộ, và như tất cả các thế lực hải quân khác trong khu vực, Ấn Ðộ đang chuẩn bị để đối phó với tình huống xấu nhất.

Công ty ONGC Videsh, một công ty dầu khí do nhà nước Ấn Ðộ sở hữu, đã tham gia các cuộc dò tìm dầu khí với Việt Nam từ năm 2006, bất chấp Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền trong vùng biển liên hệ. Chính phủ Ấn Ðộ vẫn khẳng định rằng các hoạt động dò tìm dầu khí với Việt Nam trong Biển Đông là hoạt động hợp pháp và năm ngoái đã tuyên bố sẽ không chùn bước trước áp lực của Bắc Kinh.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ban Việt Ngữ- Đài VOA về các quyền lợi kinh tế của Ấn Ðộ trong vùng Biển Đông, ông Jaishankar nói:

“Những tuyên bố của Trung Quốc rằng Biển Ðông là lãnh hải thuộc chủ quyền của họ đã bị thách thức, không những bởi Ấn Ðộ, mà nhiều nước khác kể cả Việt Nam, Malaysia, và Philippines…Tôi nghĩ rằng đây là một phần của một vấn đề bao quát và phức tạp hơn về quyền tự do hàng hải.”

Nhưng vấn đề Biển Đông chỉ là một trong những vấn đề trong những sự kèn cựa giữa hai thế lực mới nổi tại Châu Á. Ông Jaishankar nói hai nước Ấn Ðộ và Trung Quốc còn đang cạnh tranh để giành các nguồn cung cấp tài nguyên hầu có thể duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong nước, và trong các điều kiện đó, hai nước khó có thể tránh những chạm trán về quyền lợi.

Tuy chính phủ Ấn Ðộ chưa tuyên bố rõ rệt lập trường của New Dehli trong cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Việt Nam, nhưng việc Ấn Ðộ tiến hành các dự án dò tìm dầu hỏa với Việt Nam có thể được coi như Ấn Ðộ mặc nhiên ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam.

Ông Jaishankar nói tiếp:

“Sự thực là khi loan báo quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam thì theo một cách nào đó, đây là một thỏa thuận ngầm rằng New Dehli tôn trọng tuyên bố nhận chủ quyền của Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu thuộc Quỹ German Marshall nói Ấn Ðộ có phần chắc sẽ tăng cường sự hiện diện tại Thái bình dương nhanh hơn nhiều người từng nghĩ, nhờ nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của nước này, và cũng nhờ các công nghệ quân sự được cải thiện, cũng như sức ép của nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Ðộ.

Nhà nghiên cứu Jaishankar khuyến cáo Trung Quốc rằng việc những động thái hiếu chiến của Bắc Kinh trong nỗ lực theo đuổi các đòi hỏi chủ quyền sẽ buộc Ấn Ðộ phải hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và Philippines.

Ông Jaishankar nói Trung Quốc chỉ có thể quy lỗi cho chính mình, nếu các nước nhỏ hơn xích lại gần nhau, và liên kết chặt chẽ hơn với các thế lực hải quân khác trong khu vực.

Ông nói các khả năng hải quân tiếp tục được tăng cường của Ấn Ðộ cũng như những hoạt động thương mại của Ấn Ðộ ngày càng tăng trong khu vực Venezuela Thái bình dương có nghĩa là Ấn Ðộ giờ đây có khả năng cung cấp an ninh cho khu vực để bảo đảm tàu bè được tự do sử dụng các tuyến hàng hải thiết yếu trong khu vực.

Nguồn: The Washington Post, Reuters, VOA Interview.

http://www.youtube-nocookie.com/embed/tXMkAhlvk7I?list=PL0Xd6_vQV82LCudJK71X7MHMDWYDAxgBN&hl=en_US