Nhân dân

Nhân dân

Nhân dân

Từ một nhà phê bình văn học trở thành một blogger, điều tôi cảm thấy hài lòng nhất là được nhân dân đọc nhiều và rõ ràng, nếu không yêu mến thì cũng rất quan tâm. Sách về văn học của tôi in nhiều nhất là một ngàn bản; tái bản thêm lần nữa thì cũng chỉ thêm một ngàn bản. Tổng cộng hai ngàn. Sách bày trong các thư viện có thể được vài chục người đọc. Số lượng độc giả thực sự, do đó, chắc chắn là cao hơn con số một hay hai ngàn ấy. Nhưng tôi không tin là có cuốn nào được trên mười ngàn người đọc. Bài trên blog thì khác. Chắc chắn chúng có nhiều độc giả hơn hẳn. Chúng được nhân dân trong cũng như ngoài nước đọc. Nhân dân góp ý trên blog; nhân dân gửi email riêng cho tôi khá nhiều. Khen chỗ này, góp ý chỗ nọ, khá sôi nổi.

Xin lỗi, tôi biết là bạn – người đang đọc bài này – đang khó chịu.

Tôi biết bạn nghĩ là tôi đang khoác lác.

Vâng, quả tình là tôi đang khoác lác.

Tôi cố tình khoác lác.

Thật ra, tất cả sự kiện tôi kể đều có thật. Số lượng độc giả của blog nhiều hơn độc giả của sách là có thật. Số lượng phản hồi tôi nhận được, trên blog cũng như trong hộp thư riêng, là có thật.

Bằng chứng của sự khoác lác trong đoạn văn trên chỉ nằm ở một chữ: “nhân dân”.

Không cần giỏi tiếng Việt lắm, ai cũng hiểu “nhân dân” chỉ mọi người Việt Nam. Một toàn khối. Một vài trăm, một vài ngàn, thậm chí, một vài chục ngàn độc giả rõ ràng chưa phải là nhân dân. Được vài trăm, vài ngàn, vài chục ngàn người đọc và, may mắn hơn, ái mộ thì cũng không thể nói được là được nhân dân đọc và ái mộ. Nói thế là nói phét.

Vậy mà nhiều người, rất nhiều người, vẫn thường xuyên nói phét kiểu như vậy đó, bạn ạ.

Họ nói phét kiểu như vậy từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và, trong khi tôi chỉ giả vờ gồng mình nói phét như thế một chút, tôi đã thấy ngượng, còn họ thì hoàn toàn không ngượng. Tuyệt đối không ngượng.

Tôi nghĩ đến chuyện này khi đọc các bản tin trên báo Việt Nam mang nhan đề kiểu “Nhân dân Đồng Tháp đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng” mở đầu bằng lời khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Cùng với nhân dân cả nước, các tầng lớp nhân dân ở tỉnh Đồng Tháp cũng đã theo dõi sát sao sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và mong đợi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ đưa ra nhiều quyết sách đột phá trong nhiệm kỳ.” Sau đó, người ta nêu lên ý kiến của năm người: một người là thầy giáo, một người là sinh viên, một người là nông dân, một người là đại úy và cuối cùng, một tiến sĩ. Rồi người ta kết luận: “Có thể thấy rằng, mặc dù ở những vị trí khác nhau, ngành nghề khác nhau, song các tầng lớp nhân dân ở Đồng Tháp đều tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI với niềm hi vọng những chủ trương, chính sách được thông qua tại Đại hội sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.”

Một bài báo khác có nhan đề “Người dân Thanh Hóa gửi trọn niềm tin tới Đảng” cũng có kiểu phóng đại y như vậy. Cũng nêu lên ý kiến vài người. Rồi cũng kết luận ngon ơ: “Cùng hòa chung với không khí tươi vui, phấn khởi của đồng bào cả nước hướng về Đại hội Đảng toàn quốc, người dân Thanh Hóa đang ra sức thi đua giành thắng lợi trên tất cả mọi mặt và họ cũng gửi trọn niềm tin tới Đảng quang vinh.”

Mà đâu phải bây giờ, khi đại hội đảng lần thứ 11 kết thúc, người ta mới nói vậy? Cái khẩu khí ấy đã có từ lâu lắm rồi. Khẳng định vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản tại Việt Nam, người ta nói: đó là ý nguyện của nhân dân. Khẳng định “xu thế tất yếu” của lịch sử Việt Nam là “đi lên chủ nghĩa xã hội”, người ta lại nói: đó là chọn lựa của nhân dân.

Nhưng “nhân dân” ở đây là ai? Làm sao biết đó là “nguyện vọng” hay “chọn lựa” của “nhân dân” khi không có bầu cử tự do, không có trưng cầu dân ý, thậm chí, không có cả những cuộc điều tra dư luận một cách độc lập? Vậy, cái gọi là “nhân dân” ở đây bao gồm bao nhiều người?

Ồ, một chính phủ và một đảng cầm quyền có thể phóng đại một nhúm người lên thành “nhân dân” thì tại sao tôi – hay bất cứ blogger nào khác – không thể khoác lác là mình được “nhân dân” đọc, quan tâm và yêu mến như cái đoạn mở đầu bài viết này được nhỉ?

Được chứ. Chỉ cần đừng thấy xấu hổ là được ngay thôi.

Phải không?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.