Trên blog Trương Duy Nhất mới đây có bài viết về đàn ông Việt Nam của Trần Tuấn khá vui.
Đại khái, Trần Tuấn kể, theo ý kiến của một số người Thụy Điển, trong một cuộc chuyện trò cách đây 10 năm, "so với họ, đàn ông Việt có điểm hạn chế về thể hình, bề ngoài, lối tư duy hấp dẫn người khác giới... trong khi đó, dường như ích kỷ và tham lam, khi tạo dựng và duy trì một xã hội bất công bằng, để đàn ông Việt hưởng thụ phần nhiều hơn (so với phụ nữ Việt). Đàn ông Việt quá sướng khi tận hưởng quá nhiều ưu đãi: thiên nhiên đẹp, thức ăn ngon, phụ nữ đẹp! Trong khi phụ nữ Việt thì rất đáng yêu và đáng thương, họ thông minh, xinh đẹp (đàn ông Thụy Điển khẳng đinh rằng dưới con mắt phương tây, phụ nữ Việt Nam nằm trong số phụ nữ thông minh và đẹp nhất thế giới) nhưng hy sinh nhiều quá, làm lụng vất vả, cung phụng hết lòng cho chồng con!" Từ những nhận xét ấy, tác giả rút ra kết luận là "đàn ông Việt bị phụ nữ phương tây chê, còn phụ nữ Việt, được đàn ông phương tây khen và mơ ước!"
Trần Tuấn kể tiếp: "Sau này, tôi đã hỏi thêm một số đàn ông và phụ nữ mà tôi cho là họ có khả năng giúp tôi đưa ra nhận định khách quan, và mong đợi họ trả lời tôi thành thực, vì tôi muốn đi tìm sự thật!"
Sự thật ông tìm được ra sao? Ông cho biết một sự thật khá đáng buồn, ít nhất là đối với nam giới: "Tôi thấy dường như những người tôi hỏi có xu hướng đồng quan điểm! Nhiều đàn ông Việt thổ lộ không mấy thành công trong hấp dẫn phụ nữ nước ngoài. Ngược lại, nhiều phụ nữ Việt đã đi nước ngoài, hoặc làm việc với người nước ngoài, cho tôi biết "tín hiệu" đánh đi từ đàn ông phương tây nhiều (tôi muốn nói tín hiệu thực tình, muốn kết hôn thực lòng), đến mức một chị ở Bộ Giáo dục đưa ra một kết luận là "chổi cùn rế rách vơ hết"! (ý nói, xấu đến mấy dưới con mắt người Việt, phụ nữ Việt vẫn được người đàn ông tử tế, có học thức phương tây... mê!)."
Rồi Trần Tuấn nhớ lại một chi tiết trong truyện "Chút thoáng Xuân Hương", ở đó, một phụ nữ nhận xét: "... Đàn ông các anh như trẻ con cả! Cũng giống hệt đàn lợn của tôi, khi nào được ăn thì phởn!"
Trần Tuấn dùng những nhận xét ấy để giải thích tại sao có nhiều phụ nữ Việt Nam gần đây thích lấy chồng ngoại, không được Tây phương thì ít nhất cũng Đài Loan, Hàn Quốc hoặc thậm chí, Trung Quốc! http://www.truongduynhat.vn/2011/02/ong-viet.html
Đọc bài viết của Trần Tuấn, tôi vừa thấy "dzui" vừa thấy buồn. "Dzui" là bởi vì, dù sống ở ngoại quốc khá lâu, tiếp xúc với người ngoại quốc khá nhiều, có lẽ là nhiều hơn hẳn Trần Tuấn, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến những chuyện như vậy. Nghĩ, chứ đừng nói đến chuyện thăm dò ý kiến. "Dzui" còn vì những cách khái quát vội vã, đơn giản và ngây thơ của Trần Tuấn, kiểu "đàn ông Thụy Điển" (ông biết được mấy "ông" Thụy Điển?) hay "dưới mắt phương Tây" (phương Tây nào nhỉ?), v.v...
Nhưng "dzui" đó lại buồn đó. Buồn là bởi vì tôi nhận thấy một số nhận xét của ông không phải là xa sự thật.
Tôi có một người bạn thân mới sang Mỹ làm việc được vài năm. Cô kể, lúc mới sang, nhìn nếp sinh hoạt trong gia đình của bạn bè và người thân, tự dưng cô thấy... tủi. Tủi chủ yếu vì cô thấy dường như gia đình nào cũng hạnh phúc, ông chồng nào cũng ngọt ngào, chiều chuộng và sẵn sàng giúp đỡ vợ trong mọi việc, kể cả những việc nhí nha nhí nhắt trong nhà, như nấu ăn, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, đi chợ, v.v... Và cô nghĩ đến chồng cô.
Tôi không cần cô nói hết mới hiểu cảm xúc của cô. Nhớ, lần đầu tiên về Việt Nam năm 1996, tôi ở nhà một đứa em trai. Sau bữa ăn đoàn tụ đầu tiên trong nhà, tôi sốt sắng phụ bưng chén bát xuống bếp, thằng em tôi kéo tay lại, nhăn nhó: "Anh làm vậy, mai mốt em khổ lắm!"
Tuy nhiên, trong bài này, tôi không định bàn về chuyện đàn ông Việt ở Việt Nam và ở hải ngoại hay về những nhận xét của Trần Tuấn. Tôi biết vấn đề không đơn giản để có thể gói gọn trong một bài viết ngắn; hơn nữa, lại chỉ căn cứ trên những nhận xét có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa. Vả lại, là đàn ông, mình khen hay chê đàn ông cũng đều thấy... kỳ kỳ. Tốt nhất, để cho các cây bút nữ lên tiếng.
Tôi chỉ muốn nhân chuyện nhiều phụ nữ ở Việt Nam thích lấy chồng ngoại, cung cấp một thông tin này: ở nước ngoài, ít nhất là tại Mỹ và tại Úc, số phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc không nhiều.
Tại Úc, theo các cuộc điều tra dân số, cộng đồng Việt Nam là cộng đồng có số hôn nhân dị chủng thuộc loại thấp nhất, thường chỉ dưới 10%, ở thế hệ thứ nhất cũng như thế hệ thứ hai.
Tại Mỹ cũng vậy. Theo kết quả cuộc điều tra dân số tại Mỹ năm 2006, Việt Nam là cộng đồng ít lấy người ngoại quốc nhất trong tất cả các cộng đồng đến từ châu Á. Tỉ lệ hôn nhân dị chủng của cộng đồng Nhật là 30.7%, Philippines là 21.8%, của người Hoa là 15.4%, người Đại Hàn là 12.3%, người Ấn Độ là 11.6%, trong khi của người Việt Nam thì chỉ có 8.3%.
Nguồn: http://www.asian-nation.org/interracial.shtml
Ở đây có hai điều cần ghi nhận:
Thứ nhất, số người lấy chồng hay lấy vợ người ngoại quốc của thế hệ thứ hai hoặc thế hệ một rưỡi, tức những người Việt hoặc sinh ở Mỹ hoặc đến Mỹ lúc còn nhỏ cũng rất thấp, thấp nhất trong các cộng đồng châu Á.
Thứ hai, mức chênh lệch giữa nam và nữ trong vấn đề hôn nhân dị chủng tuy có nhưng không quá cao. Đối với thế hệ thứ nhất, ở nam giới là 7.8%; ở nữ giới là 16%. (Các tỉ lệ tương ứng ở người Nhật là 36% và 52.7%; người Đại Hàn là 9.3% và 30.6%.)
Từ các con số thống kê nêu trên, so sánh với các cộng đồng sắc tộc khác, hầu như các nhà nghiên cứu xã hội học chuyên về hôn nhân đều đi đến kết luận giống nhau: Người Việt ở hải ngoại, kể cả nam lẫn nữ, nói chung, đều còn ghiền hàng...nội!
Thật khác xa với cái kết luận của Trần Tuấn.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.