Trong một buổi chuyện trò ở California vừa rồi, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh khoe với tôi là anh có khoảng 20.000 cuốn sách. Đó là một số lượng rất ấn tượng. Tuy nhiên, để lại ấn tượng sâu hơn trong tôi là lúc anh kể về số phận của các cuốn sách ấy: nếu một lúc nào đó, anh không còn có thể đọc được nữa, anh sẽ tặng cho thư viện một đại học nơi anh đang làm việc. Anh kể tiếp: Muốn tặng sách cũng không phải dễ. Phải làm đủ thứ giấy tờ. Qua rất nhiều thủ tục. Rất mất công. Không những vậy, anh nói thêm: nếu không làm việc ngay ở đó, chưa chắc người ta đã nhận!
Những chuyện như vậy thì tôi biết. Ngay ở Úc, tôi cũng có quen một người, không viết lách gì cả, nhưng rất mê sách, hầu như cả đời, hoặc ít nhất, từ lúc sang Úc, có được bao nhiêu tiền, anh lại loay hoay đi mua sách. Tủ sách của anh chỉ khoảng 4,5 ngàn cuốn. Bây giờ, về già, anh lại băn khoăn không biết cho ai. Cho cộng đồng ư? Nhưng cộng đồng lấy đâu ra phòng ốc để lưu giữ? Nếu có phòng ốc thì lấy đâu ra nhân viên để quản lý? Vất ngổn ngang trong một góc phòng nào đó thì chỉ vài ba tháng, số sách ấy nếu không biến mất thì sẽ bị nhàu nát cả. Tặng các thư viện ư? Nhưng đâu phải thư viện nào cũng cần sách tiếng Việt? Cần, có lẽ chỉ là thư viện ở các đại học có ngành Việt học. Có điều không phải đại học nào cũng có đủ ngân sách để mở rộng bộ phận sách tiếng Việt, bời vì việc mở rộng ấy không những cần không gian mà còn cần cả nhân viên nữa: cả hai đều cần tiền. Mà tiền ở các đại học thì càng ngày càng khan hiếm. Hơn nữa, càng ngày người ta càng tập trung vào loại sách báo điện tử. Sách báo trên giấy có số phận của những thứ cổ vật mà nơi đến thường là các viện bảo tàng chứ không phải là thư viện.
Sách của tôi có lẽ không nhiều bằng nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh nhưng cũng thuộc loại rất khá. Hầu như năm nào tôi cũng bỏ cả mấy ngàn để mua sách. Mua nhiều nhất là năm 1996, lúc tôi được Hội đồng nghệ thuật Úc tài trợ một số tiền để về Việt Nam mua sách cho một dự án văn học. Thời ấy, giá sách ở Việt Nam còn rất rẻ. Mỗi cuốn chỉ vài ba chục cent. Nhiều nhất là một, hai đô. Với số tiền tài trợ ấy, tôi mua được cả hàng ngàn cuốn sách. Để nhắm đến mục đích nghiên cứu nên tôi mua thượng vàng hạ cám. Thơ hay ư? Thì mua! Nhưng thơ dở, biết chắc chắn là dở, cực kỳ dở, như thơ của Sóng Hồng, Lê Đức Thọ và Xuân Thủy ư? Thì cũng mua! Mua để, thứ nhất, biết chắc chắn là chúng dở thật; thứ hai, khi cần nói về cái dở thì có sách để dẫn chứng.
Đối với một người chuyên về phê bình và nghiên cứu văn học, mua sách vừa là một nhu cầu vừa là một cái thú. Nhu cầu? Thì đương nhiên rồi. Sách là công cụ chủ yếu để hành nghề mà. Sống ở ngoại quốc, sách ngoại ngữ thì không cần mua nhiều vì có thể sử dụng ở các thư viện. Phải nói ngay là hệ thống thư viện ở các đại học Tây phương thật tuyệt vời. Sách nhiều, đã đành. Nhân viên còn sẵn sàng giúp mượn sách từ các nơi khác, nếu thư viện ở trường không có sẵn. Nhưng còn sách tiếng Việt? Không có thư viện nào đầy đủ cả. Nhất là các thư viện ở Úc. Các thư viện đại học thì, vì ngành Việt học không có lịch sử lâu đời, nên lượng sách khá mới và cũng khá hạn chế. Còn các thư viện cộng đồng thì chủ yếu chỉ mua sách ở hải ngoại. Mà họ không có nguyên tắc bảo quản sách cũ. Cứ vài ba năm họ lại bán tống bán tháo các sách cũ để mua sách mới thay thế. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu và phê bình văn học cũng như Việt học nói chung không có cách nào ngoài việc tạo tủ sách riêng cho mình.
Với những người mê văn chương, có sách bày trên kệ và thỉnh thoảng cầm trên tay còn là một cái thú. Thú đọc. Và thú ngắm. Nhiều người mê đến độ không ngừng sưu tầm các sách cổ và sách hiếm. Tôi không có đam mê và thói quen ấy. Sách, tôi tìm là vì tôi cần chứ không phải vì chúng đẹp. Với tôi, do đó, ấn bản nào cũng được. Tôi không quan tâm đến chuyện cuốn sách ấy in lần thứ mấy. Ở đây, xin nói ngay: có một ngoại lệ. Với một vài cuốn tôi thật thích, tôi hay lẩn thẩn mua nhiều bản khác nhau. Cứ thấy ấn bản mới là mua. Cũng chẳng khác nhau gì cả. Trừ cái bìa. Vậy mà vẫn mua.
Thú nữa, vì đằng sau một số sách còn có một số kỷ niệm đáng nhớ. Đáng nhớ nhất, với riêng tôi, là các số Văn ở hải ngoại. Đầu năm 1989, khi tôi ghé thăm Mai Thảo ở California, tôi thèm thuồng nhìn các số Văn ông để trên kệ. Lúc ấy, tôi ở Pháp, chỉ có được trên dưới 10 số Văn, tất cả đều mới được xuất bản. Mai Thảo nói tôi lựa những số còn thiếu thì lấy. Lựa được mấy chục cuốn, khi về, tôi định ôm chồng báo ấy thì Mai Thảo xua tay, bảo để ông gửi bưu điện. Tôi năn nỉ mấy cũng không được. Thú thực, tôi không tin ông sẽ gửi. Lúc ấy, ông đã khá lớn tuổi, lại không có xe riêng nữa, việc vác thùng sách ra bưu điện gửi không phải dễ dàng gì. Vậy mà, hơn một tuần sau, về lại Paris, tôi nhận được hai thùng báo Văn nặng trĩu.
Lúc tôi học ở Đại Học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hoàng Văn Thung, từ Hà Nội vào thỉnh giảng, mới in cuốn sách về Ngữ âm học Tiếng Việt. Thầy tặng tôi một cuốn. Sau đó, tôi vượt biên; về, bị đuổi dạy, có lúc thiếu tiền để sống, tôi bèn lấy một số sách ra chợ trời bán. Trong đó có cuốn Ngữ âm học. Mắc cỡ, tôi lấy bút sửa lại cái tên được đề tặng ở trang đầu cuốn sách: Nguyễn Ngọc Tuấn thành Nguyễn Ngọc Thuấn. Chỉ cần thêm chữ “h” vào chút khoảng trống sau chữ “T”. Mười mấy năm sau, khi tôi sang Úc dạy, một người bạn của tôi về Việt Nam mua được một số sách về ngôn ngữ học. Nhìn, tôi nhận ra ngay cuốn sách của mình ngày trước, ở đó, chữ “Tuấn” được sửa lại thành chữ “Thuấn” với chữ “h” nằm khá chênh vênh. Như thẹn thùng.
Nói đến tên thật của tôi, chợt nhớ chuyện khác: tôi có khá nhiều sách được tặng từ trong nước. Hầu hết đều có một điểm giống nhau: thay vì viết tặng NHQ, tác giả viết tặng NNT. Không phải không có lý do. Năm 1996, khi Hoàng Ngọc Hiến viết tặng tôi cuốn Văn học – Học văn, anh cũng ghi là tặng NNT. Tôi cười hỏi: “Sao anh không ghi là NHQ?” Anh cười, đáp: “Cẩn tắc vô áy náy!” Mấy ngày sau, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chở tôi đến Bát Tràng chơi, ở đó, anh vẽ cho tôi hai bức chân dung trên đĩa sứ, anh cũng lại viết trên đĩa: “Tặng NNT”. Nhớ lại câu nói của Hoàng Ngọc Hiến, tôi lại hỏi Nguyễn Huy Thiệp: “Sao không ghi tên NHQ?” Anh cười: “Ông muốn tôi chết hả?”
Lại nhớ nữa, lúc tôi còn ở Paris, một người thầy cũ từ trong nước gửi tặng tôi một cuốn sách. Lời đề tặng rất thân ái nhưng cũng thật lạ lùng: nó không nằm ở mấy trang đầu, như thường là vậy, mà lại nằm ở trang cuối cùng. Nét chữ nhỏ li ti. Như cố giấu giếm. Có lẽ cũng vì ngại.
Xin trở lại chuyện sách.
Mua sách nhiều, thật ra, cũng có cái khổ. Khổ nhất là việc chứa sách. Không phải ai cũng giàu có như Umberto Eco để có ngôi nhà rộng đủ để có thể chứa được cả ba, bốn chục ngàn cuốn sách. Phần lớn chỉ có thể thu xếp dành hẳn một phòng trong ngôi nhà mình đang ở. Mà phòng thì diện tích có giới hạn; mỗi chiều ba, bốn mét là cùng. Một phòng như vậy chứa được bao nhiêu cuốn sách?
Càng ngày tôi càng thấm thía cái khổ vì có quá nhiều sách.
Tôi có hai nơi để chứa sách: ở nhà và ở văn phòng.
Ở nhà, thoạt đầu, tôi dành hẳn một căn phòng nhỏ để chứa sách. Sau, sách tràn ra ngoài. Tôi lại dựng kệ ở một căn phòng khác. Cũng không đủ kệ. Lại phải để sách thành từng chồng trên bàn. Ở văn phòng tôi cũng vậy. Phòng hình tam giác, chỉ có ba bức tường. Một bức, đối diện với bàn làm việc, dùng để treo bảng và tranh. Hai bức còn lại là kệ sách. Trước, trên mỗi tầng của kệ sách, tôi chỉ để một lớp sách. Sau, sách nhiều quá, tôi phải chất thành hai lớp: lớp trong, phần lớn là sách ít dùng; lớp ngoài, sách thường được tra cứu hơn.
Kiểu sắp xếp sách như vậy tôi cũng thấy ở nhà của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên. Trong một lần đến thăm anh ở San Jose, California mấy năm trước, tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn được anh dẫn vào phòng sách. Thật ra, đó chỉ là một cái garage được tận dụng để làm thư viện. Anh dựng thật nhiều kệ. Kệ nào cũng đầy sách. Tôi mới trầm trồ về số sách anh có, Hoàng Ngọc Biên đã lấy tay kéo vài cuốn ra khỏi kệ để tôi có thể nhìn thấy, sau chúng, còn một lớp sách nữa. Té ra, tầng nào cũng có hai lớp.
Sách, ngày xưa, được xem là một thứ gia bảo. Và là một gia sản. Còn bây giờ?
Trước khi trả lời câu hỏi ấy ở một bài khác, tôi xin nhấn mạnh: Viết bài này, tôi không định khoe là mình có nhiều sách. Không. Tôi không có chút tự hào nào cả. Ngược lại, tôi chỉ ngậm ngùi. Tôi biết những gì mình chắt chiu sưu tầm và gìn giữ sắp sửa thuộc về quá khứ.
Như một thứ cổ vật.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.