Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế cho biết vũ khí được các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo sử dụng để thực hiện những "hành động dã man và kinh hoàng" phần lớn là từ kho vũ khí của quân đội Iraq, điều này cho thấy cần phải siết chặt kiểm soát khi đưa vũ khí đến những khu vực bất ổn như vậy.
Ân xá Quốc tế đã ủy nhiệm cho Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí có trụ sở ở Australia thực hiện một bản phúc trình, công bố hôm qua, để phân tích các loại vũ khí đang được sử dụng ở Syria và Iraq, và phát hiện rằng các loại vũ khí xuất phát từ ít nhất là 25 quốc gia. Số lượng lớn nhất là từ Mỹ, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.
"Số lượng vũ khí lớn và nhiều loại được nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo sử dụng này là một bài học điển hình của việc buôn bán vũ khí cẩu thả đã tiếp sức cho sự hung tàn trên diện rộng," ông Patrick Wilcken, một nhà nghiên cứu của Ân xá Quốc tế về kiểm soát buôn bán vũ khí và nhân quyền, nhận định.
Quy định lỏng lẻo và thiếu sự giám sát đối với một lượng lớn vũ khí đổ vào Iraq trong mấy thập niên qua đã tạo đem lại cho Nhà nước Hồi giáo và những nhóm vũ trang khác cơ hội tiếp cận kho vũ khí dồi dào chưa từng thấy.
Ân xá Quốc tế, các nhóm nhân quyền khác và Liên hiệp quốc lên án các phần tử Nhà nước Hồi giáo phạm các tội ác, trong đó có hãm hiếp, tra tấn, bắt cóc và giết người bừa bãi. Hàng trăm ngàn người đã phải rời bỏ quê hương, nhà cửa của họ ở miền đông Syria, miền bắc và miền tây Iraq kể từ khi nhóm hiếu chiến này chiếm quyền kiểm soát nhiều vùng rộng lớn trong khu vực này hồi giữa năm ngoái.
Một ủy ban của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc báo cáo rằng nhóm cực đoan này đã chiếm được phần lớn số vũ khí từ kể từ tháng 6 năm 2014.
Báo cáo của Ân xá Quốc tế quy cho nạn tham nhũng trong chính phủ Iraq và thiếu kiểm soát chặt chẽ đối với các kho vũ khí đã giúp cho Nhà nước Hồi giáo có được nhiều loại vũ khí với số lượng lớn. Cùng với lượng lớn vũ khí có từ Iraq, một lượng vũ khí khác mà Nhà nước Hồi giáo có được là từ quân đội Syria và từ các nhóm đối lập được các nước phương tây ủng hộ cung cấp.
Ân xá Quốc tế kêu gọi triệt để cấm vận buôn bán vũ khí đối với chính phủ Syria cũng như với bất cứ nhóm đối lập nào có thể phạm tội ác chiến tranh.
Tổ chức này cũng đề nghị rằng bất cứ nước nào muốn xuất khẩu vũ khí cần phải đầu tư vào khả năng kiểm soát vũ khí trước và sau khi chuyển giao vũ khí, cùng với việc huấn luyện sử dụng và giám sát sau khi bán vũ khí.