Timothy Phan có nhiều điều để nói.
Từ trong sâu thẳm anh cảm thấy “căm tức, phẫn nộ, bực bội.” Anh hối tiếc mình đã không hoạt động chính trị sớm hơn vài năm trước, như thể điều đó đã có thể phần nào giúp biến đổi được thực tại. Anh trách mình và những người đồng Đảng Dân chủ của mình tự mãn quá sớm.
Sự tự mãn đã khiến ứng cử viên tổng thống mà anh ủng hộ thất bại cay đắng vào năm 2016. Đó là một sự kiện khiến anh “đau buồn.” Trong những tháng cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử năm đó, anh là chuyên viên dữ liệu cho một tổ chức chính trị chuyên gây quỹ để hỗ trợ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Giờ thanh niên gốc Việt 29 tuổi này đang quyết liệt hoạt động chính trị hơn bao giờ hết trong khi tư tưởng của anh trở nên cấp tiến cực độ. Và anh tự hào về điều đó.
Trong vai trò giám đốc hoạt động chính trị của hội Đảng viên Dân chủ Trẻ Quận Cam, anh tổ chức tuần hành và tập hợp biểu tình trên đường phố hay xuất hiện trong những buổi tiếp xúc cử tri tại các hội đồng thành phố ở Quận Cam, miền nam bang California. Mục tiêu của anh: những chính sách di trú gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Sát cánh với những nhà hoạt động thuộc những sắc dân khác, anh ủng hộ tư cách pháp lí cho những người nhập cư được đưa đến Mỹ bất hợp pháp lúc còn nhỏ, đòi xóa bỏ cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan (ICE) vì những vụ bắt bớ tăng cường nhắm vào người nhập cư bất hợp pháp, kêu gọi các thành phố ban hành luật che chở những người này, và lên án việc chia cắt các gia đình di dân ở biên giới với Mexico.
Và khi cuộc bầu cử giữa kì vào đầu tháng 11 đang tới gần, anh nỗ lực nhắm tới một mục tiêu cấp thiết hơn: vận động cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ vào Hạ viện Hoa Kỳ.
“Đất nước này và những người trẻ của đất nước này xứng đáng được hưởng nhiều hơn rất nhiều những gì mà [phe Cộng hòa] đã có thể mang lại khi họ nắm quyền,” anh nói với phóng viên của VOA trong một cuộc gặp gỡ tại một quán cà phê ở Santa Ana vào đầu tháng 10.
Timothy Phan về nhiều mặt là điển hình của một thế hệ người gốc Việt ở Quận Cam, nơi mà cộng đồng người Việt tập trung đông nhất ở Mỹ và ở ngoài Việt Nam. Họ là con cháu của thế hệ người tị nạn đến Mỹ sau năm 1975, sinh trưởng tại đây và hòa nhập trọn vẹn vào đời sống xã hội bản xứ. Trải nghiệm chiến tranh và cuộc sống dưới chế độ cộng sản không còn là mẫu số chung định hình bản sắc của phần lớn những người gốc Việt trẻ này nữa.
Với rào cản ngôn ngữ và văn hóa được xóa bỏ, thế hệ người Việt thứ hai sống tản mác khắp Quận Cam thay vì tập trung trong một cộng đồng khép kín như thế hệ thứ nhất và vì vậy họ ít gắn bó với cộng đồng hơn. Nhưng sự tương tác của họ với các sắc dân khác góp phần định hình thế giới quan của họ như là một thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, và rộng hơn công dân trong một quốc gia đa chủng tộc và đa văn hóa.
Về mặt chính trị, thế hệ người Việt thứ hai có khuynh hướng cấp tiến hơn thế hệ thứ nhất vốn có quan điểm chống cộng kịch liệt và bảo thủ về mặt văn hóa và xã hội. Những người Việt trẻ nhìn vào chủ trương chính sách của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ và họ quan tâm tới nhiều vấn đề chính trị ở Mỹ hơn thay vì chỉ một số vấn đề cụ thể như thế hệ thứ nhất, theo Linda Trinh Vo, một chuyên gia về cộng đồng người Việt ở Quận Cam và là giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California ở Irvine.
Những khác biệt về thế hệ càng đậm nét hơn trong thời đại Trump. Những luận điệu và chính sách của tổng thống Cộng hòa này giành được sự tín nhiệm cao nơi nhiều người Việt thế hệ thứ nhất nhưng khơi lên sự phẫn nộ từ những người trẻ thế hệ thứ hai. Và điều này có phần chắc sẽ là động lực thúc đẩy nhiều người Việt trẻ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử.
“Đôi khi thế hệ trẻ hơn, thậm chí các học sinh của tôi, không tham gia vào chính trị nhưng vì luận điệu chống người nhập cư và chống di dân của chính quyền này, họ nhìn thấy chính họ,” giáo sư Linda Trinh Vo nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn gần đây qua điện thoại. “Thế hệ trẻ hơn nói chung và kể cả người trẻ gốc Việt đang tham gia vào chính trị bầu cử nhiều hơn so với trước đây. Họ nhìn thấy những chính sách có tác động tiêu cực đối với nhóm dân của họ và cộng đồng của họ.”
Trong vòng bỏ phiếu sơ bộ vào tháng 6, Quận Cam chứng kiến tỉ lệ cử tri bỏ phiếu bầu cử giữa kì cao nhất trong ít nhất hai thập niên qua, báo The Orange County Register đưa tin, với số lượng phiếu bầu tăng 78 phần trăm so với vòng bầu cử giữa kì sơ bộ năm 2014 và gần bằng mức tổng tuyển cử năm đó.
Cử tri trong nhóm tuổi 18-29, vốn có khuynh hướng ngả về Đảng Dân chủ nhưng có tỉ lệ bỏ phiếu thấp nhất so với tất cả các nhóm tuổi trong các cuộc bầu cử giữa kì, có thể sẽ bỏ phiếu đông đảo trong năm nay, theo một phân tích các cuộc khảo sát khác nhau trên toàn quốc.
Đó là điều mà ứng cử viên Dân chủ Nguyễn Thu Hà nói bà nhận thấy trên thực địa. Hiện đang tái tranh cử ghế nghị viên thành phố Garden Grove nơi nhiều người Việt sinh sống, bà cho biết những người dưới 30 tuổi trả lời điện thoại vận động cử tri của bà trong mấy tuần qua nói rằng năm nay họ “nhất định” sẽ bỏ phiếu.
“Con số những người trẻ trên danh sách rất là đông,” bà nói với VOA qua điện thoại, và nói thêm rằng bà cũng tham dự một số sự kiện vận động cử tri trẻ tuổi mà số lượng người tham dự “rất lạc quan.”
Trong các cuộc phỏng vấn của VOA với các cử tri thuộc cả hai thế hệ, tất cả đều cho biết họ sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 nhưng sự tương phản hiện rõ khi họ được hỏi những vấn đề quan tâm hàng đầu của họ là gì khi cân nhắc các ứng cử viên trên lá phiếu.
Tất cả những người Việt thế hệ thứ nhất trả lời bằng tiếng Việt và nêu ra nền kinh tế, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam và lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc. Họ hài lòng với thành tích của tổng thống và nói sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng hòa. Trong khi đó tất cả những người Việt thế hệ thứ hai trả lời bằng tiếng Anh và nói họ quan tâm đến vấn đề di trú, y tế và kiểm soát giá thuê nhà ở. Đa số bất mãn với hiện tình đất nước và nói sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Dân chủ.
Phan Việt Thái, 37 tuổi, nói cô hiểu và chia sẻ một số mối quan tâm của những người Việt thế hệ trước nhưng không phải tất cả. Đó là vì cô “xem mình là người Mỹ trước tiên hơn là người Việt Nam.”
“Những vấn đề nhân quyền rất quan trọng nhưng đồng thời thế hệ trước thiếu hiểu biết khi nói rằng ‘chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho Cộng hòa vì họ mạnh tay với cộng sản,’” cô nói với VOA qua điện thoại. “Họ không nhận ra rằng Đảng Cộng hòa không cổ xúy nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới và ở Mỹ.”
“Việt Nam sẽ không bao giờ quay trở lại thời không cộng sản, hoặc ít nhất là trong tương lai gần,” cô nhấn mạnh.
Nữ luật sư sinh sống ở Santa Ana cho biết cô đăng kí theo Đảng Dân chủ vào năm 2016 và trước đó không theo đảng nào. Cô nói cô sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 này “không hẳn vì hào hứng mà là vì tức giận.”
Sự tức giận này đã góp phần tạo nên một cơn sóng thần Dân chủ đang đe dọa quét qua khắp nước Mỹ. Trong một chỉ dấu mới nhất cho thấy cường độ của nó, những báo cáo trình lên Ủy ban Bầu cử Liên bang cho thấy các ứng cử viên Dân chủ vào Hạ viện áp đảo các nghị sĩ Cộng hòa tại chức đang tái tranh cử trong cuộc đua gây quỹ trong quý 3, điều mà giới phân tích độc lập nhận định là chưa từng có tiền lệ và giúp nâng xác suất phe Dân chủ giành lại Hạ viện lên cao hơn một chút.
Tại Quận Cam, ba địa hạt Quốc hội vốn là thành trì truyền thống của Đảng Cộng hòa hiện đang lung lay nghiêm trọng. Môi trường chính trị ở đây, vốn đang biến chuyển vì thay đổi cơ cấu dân số theo hướng đa dạng hơn với khối cử tri trẻ hơn và ít bảo thủ hơn, giờ càng trở nên bất lợi cho các ứng cử viên Cộng hòa vì nền chính trị quốc gia phủ bóng đen xuống các cuộc chạy đua ở địa phương.
Tracy La không hài lòng về tình hình hiện thời của đất nước nhưng cô hi vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ mang tới sự thay đổi.
Cô gái 23 tuổi này là giám đốc điều hành của VietRISE, một tổ chức do cô sáng lập vào đầu năm nay để hỗ trợ và củng cố sự tham gia dân sự và các nỗ lực tổ chức với cộng đồng người Việt ở Quận Cam. Cô đang vận động một khối cử tri người Việt mà cô nói là bị bỏ quên trong cộng đồng: những người thuộc thế hệ thứ nhất lo lắng về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của họ.
“Tôi nghĩ nhóm người không được chú ý nhiều là những người muốn bỏ phiếu thường xuyên hơn, muốn thể hiện lập trường cấp tiến về những vấn đề chúng tôi đang bàn luận,” cô nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Cô kể rằng cô và các tình nguyện viên khác đã dành mấy tháng kể từ đầu tháng 8 để đi gõ cửa các hộ dân ở hai thành phố Westminster và Garden Grove và nói chuyện với nhiều người Việt thế hệ trước về chuyện thuê nhà ở. Cô nói các cuộc nói chuyện cho thấy rất nhiều người thu nhập thấp chật vật xoay sở với giá thuê nhà tăng cao trong khi trợ cấp thuê nhà của chính phủ liên bang không đủ chi trả vì nguồn ngân quỹ eo hẹp. Biện pháp kiểm soát giá thuê nhà được nhiều người ủng hộ, cô nói.
“Mọi người đã sẵn sàng (bỏ phiếu) và muốn thấy sự thay đổi,” nhà hoạt động cộng đồng này chia sẻ. “Thật ra có rất nhiều sự tương đồng ở những vấn đề mà họ quan tâm và ở mức độ mà chúng tôi muốn đi bầu, dù là người già hay trẻ.”
Jim Nguyen, một luật sư 27 tuổi ở Santa Ana, là một trong những người Việt trẻ có lập trường bảo thủ hơn những người trẻ khác mà VOA tiếp xúc. Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 10, anh nói anh chưa tìm hiểu kĩ các ứng cử viên và chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai, nhưng anh từng bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016 và hài lòng với luật cải tổ thuế mà phe Cộng hòa thông qua vào cuối năm ngoái.
Anh than phiền về sự chống đối của phe Dân chủ đối với mọi chính sách và chủ trương của tổng thống, điều mà anh gợi ý là đang làm suy yếu truyền thống hợp tác lưỡng đảng của chính quyền Mỹ.
“Tôi cảm thấy tình hình bây giờ giống như là ‘bọn mình chống lại bọn chúng’ vậy,” anh nói trong một cuộc gặp gỡ ở Santa Ana vào một buổi chiều đầu tháng này. “Dù bạn có đồng ý với tổng thống hay không thì cũng nên ủng hộ ông ấy, đó là người mà người dân đã bầu chọn.”
Nhưng đối với những nhà hoạt động cấp tiến như Timothy Phan, chiến tuyến đã phân định rạch ròi. Nói chuyện với VOA sau đó trong cùng ngày, anh khước từ tìm kiếm những điểm chung với những người mà anh đã xác định là đứng bên kia chiến tuyến và nói anh không bận tâm về một đất nước bị phân cực trầm trọng dưới thời ông Trump.
“Tôi sẽ chiến đấu hết mình vì chủ trương cấp tiến,” anh nói. “Tôi sẽ không khởi đầu từ một vị trí thỏa hiệp.”
Anh rời quán cà phê và nhanh chóng di chuyển sang một nhà hàng gần đó. Một buổi giao lưu với các nhà hoạt động khác do hội Dân chủ của anh đồng tổ chức sắp sửa diễn ra. Một vài người lác đác xuất hiện. Tìm một chỗ ngồi, anh gọi một li trà nóng để giải cảm và bật điện thoại xem lịch trình.
Một sự kiện đợi anh ngày mai trên đường phố.