Hơn một chục người Việt mới đây đã cùng hàng trăm người Philippines biểu tình phản đối bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila.
Các hình ảnh đăng tải trên mạng cho thấy những người Việt trẻ tuổi, đa phần là sinh viên và các nhà hoạt động xã hội, hôm 24/7, đã giơ cao các biểu ngữ như “Việt Nam và Philippines cùng đứng lên chống lại sự xâm lược của Trung Quốc” hay “Trung Quốc hãy chấm dứt xây đảo nhân tạo trong lãnh hải Việt Nam và Philippines”.
Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết lý do vì sao lại xuống đường cùng người Philippines:
“Đó là nhu cầu của cả hai bên. Chúng tôi cũng muốn đi biểu tình để thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề biển, đảo. Một phần nữa là bên phía Philippines họ cũng muốn có sự tham dự của một số nước khác để cuộc biểu tình mang nhiều màu sắc hơn và thể hiện sự đoàn kết của nhiều nước hơn trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Thái độ hung hăng của Trung Quốc tất yếu dẫn tới việc các nước nhỏ phải liên kết lại với nhau để chống lại, thay vì là mạnh nước nào, nước ấy làm. Người Philippines có bày tỏ với đoàn Việt Nam rằng họ rất ngưỡng mộ Việt Nam, vì Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trước hàng nghìn năm qua. Họ cũng bày tỏ mong muốn rằng người dân Việt Nam và Philippines có thể hợp sức với nhau để đưa vấn đề với Trung Quốc trở thành một vấn đề khu vực, một vấn đề quốc tế."
Chúng tôi cũng muốn đi biểu tình để thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề biển, đảo. Một phần nữa là bên phía Philippines họ cũng muốn có sự tham dự của một số nước khác để cuộc biểu tình mang nhiều màu sắc hơn và thể hiện sự đoàn kết của nhiều nước hơn trong việc chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông...Luật sư Trịnh Hữu Long.
Đây không phải là lần đầu tiên các công dân Việt Nam tuần hành với người dân nước bạn. Anh Long cho biết nhóm của anh tham gia Ngày biểu tình toàn cầu chống Trung Quốc từ 3 năm nay.
Ông Roilo Golez, cựu dân biểu đồng cố vấn an ninh quốc gia Philippines, nói với VOA Việt Ngữ rằng sự hợp lực của người Việt Nam cho thấy ‘Philippines không đơn độc’. Ông nói:
“Việt Nam hiện phải đối mặt với các vấn đề tương tự như chúng tôi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Những gì Việt Nam vấp phải có khi còn khó khăn hơn chúng tôi vì trong lịch sử của mình, Việt Nam phải nhiều lần chống chọi với sự hiếu chiến của Trung Quốc. Cuộc hải chiến giữa hai bên ở Hoàng Sa năm 1974 làm hơn 70 binh sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng là một ví dụ. Sẽ là điều tốt nhất nếu các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cùng hành động.”
Trên bình diện chính phủ, Hà Nội và Manila thời qua đã gia tăng hợp tác song phương, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trên biển Đông, gây lo ngại cho cả hai quốc gia Đông Nam Á.
Nhiều nhà quan cho rằng Việt Nam đang chủ động xích lại gần hơn nữa với Philippines để tạo lập liên minh nhằm đương đầu với Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Philippines năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng tình hình ở biển Đông hiện nay ‘đặc biệt nguy hiểm’ đồng thời khẳng định rằng hai nước sẽ củng cố hợp tác quốc phòng và sẽ ‘kiên quyết phản đối’ Trung Quốc.
Philippines hiện đã đưa tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế phân xử. Khi được hỏi rằng liệu Hà Nội có nên theo chân Manila, luật sư Nguyễn Hữu Long nói:
“Việc Việt Nam đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế sẽ không đơn giản là phân tích lợi hay hại, đúng hay sai. Nó sẽ có những hậu quả chính trị, nó sẽ có những hậu quả kinh tế. Sự phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị là rất lớn. Và Trung Quốc sẵn sàng có những đòn trừng phạt cả về kinh tế lẫn chính trị. Nó có thể có biện pháp cấm vận chẳng hạn, đối với kinh tế Việt Nam nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế. Vì thế cho nên trước khi kiện Trung Quốc cần phải cân nhắc rất kỹ thiệt hại sẽ là những gì và Trung Quốc có thể làm gì để ngăn Việt Nam kiện họ. Ai cũng biết rằng, về mặt pháp lý, Việt Nam rất nên kiện. Nó là con đường duy nhất để xác định tính đúng sai, tính hợp pháp của đường lưỡi bò và của những đòi hỏi của Trung Quốc ở biển Đông.”
Việc Việt Nam đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế sẽ không đơn giản là phân tích lợi hay hại, đúng hay sai. Nó sẽ có những hậu quả chính trị, nó sẽ có những hậu quả kinh tế. Sự phụ thuộc của Việt Nam đối với Trung Quốc về mặt kinh tế và chính trị là rất lớn.Luật sư Long nói.
Trả lời VOA Việt Ngữ tuần trước, ông Renato de Castro, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học De La Salle ở Philippines, cho biết ông “nghi ngờ” khả năng Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc vì “sợi dây ràng buộc giữa Đảng Cộng sản hai nước. Việt Nam biết giới hạn của mình nằm ở đâu”.
Năm ngoái, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là thềm lục địa của mình, quan chức Việt Nam có các động thái tưởng như sẽ sớm đưa Trung Quốc ra tòa. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa có hành động cụ thể nào.
Ngoài ra, sau những cuộc biểu tình rầm rộ ở Việt Nam, thậm chí dẫn tới bạo lực, để phản đối việc Trung Quốc, chưa thấy xuất hiện các cuộc xuống đường trong năm nay, dù Bắc Kinh cấp tập xây đảo trên biển Đông.
Luật sư Long cho biết thêm rằng các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam “cần phải gây sức ép để đòi chính phủ mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền”, và đó cũng là cách để “tham gia vào việc quản lý và giài quyết các vấn đề xã hội”.
Your browser doesn’t support HTML5