Cộng đồng người Việt tại thủ đô Hoa Kỳ và các vùng phụ cận cùng tham gia với các cộng đồng bạn trong cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu chống Chủ tịch Trung Quốc trong lúc ông Tập Cận Bình hội kiến Tổng thống Barack Obama.
Ban tổ chức cho biết cuộc biểu tình diễn ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 25/9 (giờ địa phương) tại công viên Lafayette trước khuôn viên Tòa Bạch Ốc khi cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung bắt đầu.
Your browser doesn’t support HTML5
Sự kiện này dự kiến quy tụ sự tham gia của cộng đồng người Việt sinh sống tại thủ đô Washington DC, Virginia, Maryland, Philadelphia, New Jersey cùng với các cộng đồng của người Hoa theo Pháp Luân Công, cộng đồng người Philippines và Tây Tạng tại Mỹ.
Một thành viên trong ban tổ chức, ông Tạ Cự Hải, Chủ tịch Liên hội Cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa khu vực Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, nói với VOA Việt ngữ:
"Cuộc biểu tình được tổ chức từ sáng tới 11 giờ tối. Sáng bắt đầu từ 10 giờ tới 1, 2 giờ trưa trong khoảng thời gian ông Tập Cận Bình tới Tòa Bạch Ốc. Tới tối, ông Tập có buổi dạ tiệc với Tổng thống Obama cho nên tối chúng tôi có sự kiện canh thức thắp nến. Tất cả đều diễn ra tại Lafayette phía trước Tòa Bạch Ốc".
Về mục đích của cộng đồng người Việt khi tham gia cuộc biểu tình này, ông Hải cho biết:
"Phản đối ông Tập Cận Bình vì muốn bành trướng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam; chống lại chính sách thân thiện giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; lưu ý cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng Tập Cận Bình có tham vọng Hán hóa vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam".
Những người biểu tình kêu gọi Tổng thống Obama cần có thái độ cương quyết với Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích và an ninh của Hoa Kỳ cũng như bảo vệ nền dân chủ cho các nước trên thế giới.
Cùng chia sẻ với thông điệp của cộng đồng Việt Nam, các cộng đồng bạn tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Sáu cũng muốn bày tỏ sự phản đối trước các động thái giương oai diễu võ của Bắc Kinh tại khu vực cùng điều mà họ gọi là sự cai trị độc đoán và chính sách bách hại tôn giáo, đàn áp nhân quyền của nhà nước Trung Quốc.
Trong số các đề tài gai góc trong cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Sáu của lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung có vấn đề Biển Đông, một trong những yếu tố gây bất đồng giữa Washington với Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, Trung Quốc ồ ạt tiến hành xây đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở dân sự và quân sự trên các hòn đảo chiếm cứ ở Trường Sa, nơi mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền.
Hoa Kỳ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động mà Washington cho là không phù hợp với các tiêu chuẩn hành xử quốc tế có thể khơi mào xung đột ở Biển Đông.
Phản đối ông Tập Cận Bình vì muốn bành trướng lãnh thổ bằng cách xâm chiếm Biển Đông của Việt Nam; chống lại chính sách thân thiện giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc; lưu ý cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng Tập Cận Bình có tham vọng Hán hóa vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.Ông Tạ Cự Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter, hôm 16/9 lên án Trung Quốc với các hoạt động trong vùng biển có tranh chấp đã bước ra ngoài các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế cũng như sự đồng thuận trong khu vực ủng hộ giải pháp ngoại giao và phản đối mọi sự uy hiếp.
Phát biểu trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ cũng khẳng định rằng Washington ‘sẽ luôn đứng bên các đồng minh và đối tác của mình. Khu vực này cần phải hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục can dự, tiếp tục đứng lên bênh vực luật quốc tế và các tiêu chí toàn cầu, và giúp cung cấp an ninh và sự ổn định cho Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều thập niên sắp tới’.
Lên tiếng với báo Wall Street Journal của Mỹ đầu tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Trong bài diễn văn hôm thứ Ba tại Hoa Kỳ, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc không muốn đối đầu với các nước và không có ý định hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Tại cuộc họp với Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm 5/8 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị của Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã ngưng công tác xây dựng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 8/9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ công bố cho thấy Trung Quốc đang xây thêm một đường băng thứ ba trên Đá Vành Khăn, một dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh thất hứa với cam kết ngưng các hoạt động xây đắp, cải tạo đất trong vùng biển có tranh chấp này.
Your browser doesn’t support HTML5