Người lao động khắp thế giới tuần hành đòi quyền lợi, tăng lương

Một cuộc tuần hành của người lao động ở thành phố Madrid, Tây Ban Nha, ngày 1 tháng 5, 2016.

Vào ngày 1 tháng 5, Ngày Quốc tế Lao động, những người lao động và những nhà hoạt động đã tuần hành trên đường phố và tập trung ở những trung tâm thành phố để tôn vinh người lao động trên toàn thế giới.

Năm nay ngày này rơi vào Chủ nhật. Nhưng điều đó không làm giảm quyết tâm của những người tụ tập ủng hộ quyền của người lao động.

Từ Moscow đến Madrid, người lao động hô vang những đòi hỏi của họ cho mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn và an ninh nghề nghiệp lớn hơn trong khi nhiều nước đang chống chọi với tình trạng bất ổn về kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp cao.

Cảnh sát Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bắn hơi cay vào người biểu tình khi căng thẳng nổ ra ở cả hai nước.

Những đám khói cay dày bao phủ quảng trường Place de la Nation ở Paris, nơi mà thanh niên trùm đầu và đeo mặt nạ ném đá và chai lọ vào cảnh sát chống bạo động.

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Paris, Pháp, ngày 1 tháng 5, 2016.

Cảnh sát ước tính số 17.000 người biểu tình đã tuần hành khắp thủ đô nước Pháp trong một cuộc tập hợp nhân một làn sóng giận dữ nhắm vào những cải cách lao động đã được hoạch định mà sẽ được đưa ra trước quốc hội Pháp hôm thứ Ba. Mười người bị bắt giữ.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ và người biểu tình đụng độ ở thành phố Istanbul trong khi vài chục người tìm cách tới được Quảng trường Taksim của thành phố, nơi mà những hoạt động lễ hội đã bị cấm.

Người lao động khắp châu Á cũng kêu gọi tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn trong những cuộc tập hợp của mình.

Ở Hàn Quốc, hàng chục ngàn người phản đối kế hoạch cải cách lao động của chính phủ. Những nhà lãnh đạo lao động cho biết một dự luật đang được Tổng thống Park Geun-hye và Đảng Saenuri bảo thủ của bà thúc đẩy sẽ khiến người lao động dễ bị các công ty sa thải hơn.

Tại Malaysia, chủ tịch công đoàn Abdullah Sani chỉ trích thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nói rằng những công đoàn lo sợ ảnh hưởng của nó đối với công nhân. TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương do Mỹ dẫn đầu và đã được 12 quốc gia ký kết hồi tháng 2. Nó đang trải qua quá trình phê chuẩn hai năm.

Tại Indonesia, người lao động kêu gọi nâng mức lương cao hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Indonesia có gần 111 triệu người lao động, nhưng gần một nửa trong số họ là người lao động trình độ thấp.

Người lao động nước ngoài ở Đài Loan hô khẩu hiệu trong một cuộc tụ tập ở Đài Bắc, Đài Loan, ngày 1 tháng 5, 2016.

Tại Đài Bắc, hàng ngàn người biểu tình từ những tổ chức lao động khác nhau kêu gọi nâng mức lương tối thiểu và thời gian làm việc ngắn hơn.

Công nhân may mặc tụ tập ở Campuchia.

Và ở Mỹ, hàng ngàn người dự kiến sẽ tập hợp tại những sự kiện ở thành phố New York cho tới Los Angeles vì quyền của di dân và người lao động. Họ cũng định sẽ lên tiếng chống lại điều mà họ xem là những lời lẽ thù hằn từ chiến dịch tranh cử tổng thống.

Hàng ngàn người cũng đã xuống đường ở khắp các thành phố lớn ở Châu Mỹ Latin để mừng ngày Quốc tế Lao động và đòi hỏi những cải thiện xã hội ở nước họ.

Người lao động tuần hành ở thủ đô La Paz của Bolivia, ngày 1 tháng 5, 2016.