Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hối thúc dân chúng Hy Lạp đang tức giận và hoang mang hãy đoàn kết với nhau và bỏ phiếu chống lại các điều kiện để được cứu nguy thêm một lần nữa trong cuộc trưng cầu dân ý ngày chủ nhật tới.
Nếu họ nghe theo lời khuyên của ông, thì Hy Lạp có thể bị đẩy ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung, là điều mà nhiều người lo ngại.
Một cuộc thăm dò ý kiến của những người Hy Lạp sẽ đi bầu trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật này, cho thấy cử tri Hy Lạp bất đồng ý kiến theo tỷ lệ phân nửa thuận, phân nửa chống.
Cuộc thăm dò ý kiến của 1000 người hôm 30 tháng 6 và 1 tháng 7 cho thấy 44,8% các đối tượng nói họ sẽ biểu quyết “thuận”, chấp nhận các điều kiện để được cứu nguy tài chính, trong khi 43,4% sẽ biểu quyết “chống” và 11,8% chưa dứt khoát sẽ biểu quyết ra sao.
Thủ tướng Tsipras hôm qua đã hô hào tinh thần tự hào dân tộc của người Hy Lạp khi ông kêu gọi cử tri bác bỏ các điều kiện để được quốc tế cứu nguy.
Ông nói: “Bất kể sự kiện chúng ta là đang lâm vào một tình trạng khó khăn kinh tế chưa từng có từ trước đến nay, chúng ta phải duy trì cốt lõi tự chủ của chúng ta. Chúng ta sẽ quyết định cách thức phân phối ngân quỹ, chúng ta sẽ quyết định phải cắt giảm chỗ nào, chúng ta sẽ quyết định liệu có duy trì hay làm cách nào để duy trì tính hữu hiệu trong chiến đấu của quân lực chúng ta.”
Nhiều người Hy Lạp chỉ trích thỏa thuận cứu nguy được đề nghị, nhưng không đủ để muốn rời khỏi khối sử dụng đồng euro. Chính phủ đã đề nghị một số nhượng bộ vào phút chót, nhưng các trưởng ngành tài chính của châu Âu đã từ chối mọi cuộc thương thảo thêm trước cuộc biểu quyết ngày chủ nhật. Sự căm phẫn đối với chính phủ tả khuynh Hy Lạp đang sôi sục.
Một nữ luật sư, bà Nicole Papathanasopoulo nói họ yêu cầu dân chúng nói lên ý kiến của họ về đề nghị không còn hiện hữu nữa. Bà cho điều ấy thực là điên rồ, và không biết phải làm gì nữa.
Nếu người dân Hy Lạp bác bỏ các điều kiện để được nhận khoản nợ cứu nguy mới, đất nước họ có thể buộc phải rời khỏi khối euro. Các chủ nợ quốc tế nói họ đã sẵn sàng cho tình huống này.
Một số kinh tế gia cho rằng việc Hy Lạp rời khỏi khối euro có thể châm ngòi cho sự phát triển kinh tế ở quốc gia vùng Balkan này, nhưng chỉ với điều kiến chính phủ thiết lập được các điều kiện thuận lợi cho việc ấy.
'Tệ hại'
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho hay vấn nạn tài chính của Hy Lạp còn tệ hại hơn so với suy nghĩ ban đầu. Các nước chủ nợ đòi Hy Lạp phải tiến hành thêm các biện pháp kiệm ước để đổi lấy những khoản cho vay cứu nguy.
Đánh giá mới của IMF về tình trạng tài chính của Hy Lạp được đưa ra vào lúc Thủ tướng Hy Lạp Alexia Tsipras một lần nữa kêu gọi đồng bào bỏ phiếu ‘chống’ trong cuộc trưng cầu dân ý.
Ông nói: “Nếu ý kiến chống thắng thế, và câu trả lời ‘Không’ là mạnh nhất, tôi xin bảo đảm với quý vị là ngày hôm sau tôi sẽ có mặt ở Brussels và một thỏa thuận sẽ được ký.”
IMF nói Hy Lạp sẽ cần được cho hoãn trả nợ và vay thêm một khoản tiền là 56 tỷ đôla cứu nguy cho đến năm 2018.
Cả đời tôi luôn luôn chú ý đến tiền bạc, tôi đã sáng tạo, cần cù và hôm nay, tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Tôi muốn kết thúc bằng cách cảm ơn các chủ nợ bởi vì họ là những người đã chăm sóc cho chúng tôi nhiều năm nay.Một người về hưu nói.
Một phần trong tình trạng khó khăn của Hy Lạp là đất nước nợ nần chồng chất này không được nhận thêm một khoản trợ cấp nào của châu Âu sau khi không trả được gần 2 tỷ đôla còn thiếu của IMF hôm thứ ba.
Tình trạng rối loạn tài chính của Hy Lạp khiến cử tri bất mãn và lo lắng về tương lai của mình. Một người đã về hưu bày tỏ ý kiến: “Cả đời tôi luôn luôn chú ý đến tiền bạc, tôi đã sáng tạo, cần cù và hôm nay, tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Tôi muốn kết thúc bằng cách cảm ơn các chủ nợ bởi vì họ là những người đã chăm sóc cho chúng tôi nhiều năm nay.”
Người đứng đầu đảng Syriza, ông Dimistris Kodelas nói: “Không thể chấp nhận được. Câu hỏi mà chính phủ đặt ra rất rõ ràng. Nếu chúng ta chấp nhận thỏa thuận của khối Euro và Chủ tịch Ủy hội Âu châu Juncker, là chúng ta chấp nhận một thỏa thuận sẽ đẩy đất nước vào tai họa còn tệ hại hơn so với những gì chúng ta đã chứng kiến trong 5 năm vừa qua.”
Trong khi cử tri vẫn còn hoang mang chưa biết sẽ bỏ phiếu chống hay thuận vào ngày chủ nhật này, nhiều người dường như đồng ý rằng câu trả lời “Không” có thể đưa Hy Lạp tiến gần hơn đến việc trở thành nước đầu tiên rời khỏi khối sử dụng đồng euro ở châu Âu.