Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng tình hình tài chính của Hy Lạp thậm chí còn tệ hơn so với đánh giá ban đầu của họ trong khi nước này chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ nhật về việc có chấp nhận những đòi hỏi của những chủ nợ thực hiện thêm những biện pháp thắt lưng buộc bụng hay không để đổi lấy những khoản vay cứu nguy mới.
IMF hôm thứ Năm chủ yếu quy trách chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras, nói rằng chính phủ đã chậm chạp trong việc bán những tài sản của nhà nước và sẽ cần thêm những khoản vay cứu nguy tài chính mới trị giá 56 tỉ đôla cho đến năm 2018. IMF nói rằng bốn năm trước họ đã dự đoán Athens sẽ huy động 55 tỉ đôla và tư nhân hóa tài sản của chính phủ cho đến cuối năm nay, nhưng cho đến giờ chỉ mới thu được 3,5 tỉ đôla.
Cơ quan tài chính đặt trụ sở tại Washington cho biết tăng trưởng kinh tế Hy Lạp sẽ trì trệ trong năm nay, giảm đi so với mức tăng trưởng 2,5 phần trăm mà IMF dự báo chỉ ba tháng trước đây.
Hy Lạp bị cắt nguồn viện trợ thêm nữa của châu Âu sau khi không thanh toán đúng thời hạn khoản nợ 1,8 tỉ đôla cho IMF vào nửa đêm ngày thứ Ba. Vụ vỡ nợ đó là lần đầu tiên một nước phát triển không thanh toán đúng thời hạn một khoản vay của IMF.
Đánh giá mới của IMF về tình hình tài chính của Hy Lạp được đưa ra khi Thủ tướng Tsipras lại tiếp tục thúc giục người dân bỏ phiếu “không đồng ý” đối với những điều kiện cứu nguy tài chính mà các nhà cấp tín dụng quốc tế đặt ra trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai tài chính của đất nước. Hậu quả của cuộc bỏ phiếu này có thể xác định liệu Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro của châu Âu hay không.
“'Không' có nghĩa là một áp lực lớn để đạt được một thỏa thuận có thể thực hiện được một cách kinh tế mà có thể cung cấp một giải pháp cho món nợ của chúng ta, sẽ không làm nó tăng vọt và sẽ không liên tiếp làm suy yếu nỗ lực của chúng ta trong việc giúp nền kinh tế và xã hội Hy Lạp,” ông Tsipras phát biểu trên truyền hình toàn quốc hôm thứ Năm, một ngày sau khi ông dường như là đã đồng ý với một số điều kiện của các chủ nợ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu với kết quả "không đồng ý" có nghĩa là Hy Lạp sẽ trở thành quốc gia đầu tiên phải rời khỏi khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng euro trong lịch sử 16 năm của đồng tiền chung này.
Một nhà phân tích nói rằng lập trường của Hy Lạp là khó phán đoán.
“Rất khó biết được chính xác những động cơ mà chính phủ Hy Lạp muốn vào thời điểm này là gì,” ông Alex Nicholl, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế London, cho VOA biết.
“Đúng là ngay hiện giờ thì chúng ta thấy tình hình đang rất tương phản nhau mà trong đó Thủ tướng Tsipras đã xa lánh các bộ trưởng tài chính và các nhà lãnh đạo chính phủ, những người mà ông cần phải làm việc cùng nếu không muốn Hy Lạp phải thất bại,” ông Nicholl nói. “Không khí hiện tại đang rất tồi tệ. Tôi không nghĩ là việc bỏ phiếu ‘không’ sẽ thực sự giúp họ có được những điều kiện tốt hơn trong bầu không khí này.”
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu cử tri chấp nhận đề xuất cứu nguy tài chính của các chủ nợ EU thì chính phủ "rất có thể" sẽ từ nhiệm và ông "sẽ không" làm Bộ trưởng Tài chính vào ngày thứ Hai.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trong các cuộc thương thuyết với Athens đã cảnh báo rằng tình hình đang xấu đi và kết quả vẫn chưa rõ ràng.