Người dân Hàn Quốc phản đối cấp vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Hàn Quốc đối mặt sự phản đối của công chúng về việc cấp vũ khí sát thương cho Ukraine

Người dân Hàn Quốc vẫn phản đối áp đảo việc cấp vũ khí trực tiếp cho Ukraine, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, bất chấp các yêu cầu mới từ Kyiv và các nước đồng minh sau khi Triều Tiên được cho là đang đưa quân sang giúp Nga.

Ukraine đã yêu cầu Seoul cấp một loạt vũ khí và Seoul cho biết họ có thể xem xét yêu cầu này, tùy thuộc vào các bước đi trong tương lai của Nga và Triều Tiên.

Một phái đoàn Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 26/11, văn phòng của ông Yoon cho biết, trong lúc có tin tức trên truyền thông rằng chuyến thăm nhằm tìm kiếm hỗ trợ vũ khí.

“Không chấp nhận chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch cấp vũ khí cho Ukraine,” biểu ngữ do một nhóm nhỏ người biểu tình tụ tập bên ngoài văn phòng của ông Yoon ở thủ đô, ghi.

Cả hai bên đã đồng ý tiếp tục chia sẻ thông tin về việc Triều Tiên điều quân đến Nga cũng như trao đổi công nghệ và vũ khí giữa hai bên, văn phòng của ông Yoon cho biết trong một thông báo.

Phái đoàn cũng đã gặp cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Shin Won-sik và Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và thảo luận về hợp tác giữa Seoul và Kyiv.

Ukraine dự tính gửi cho Seoul yêu cầu chi tiết về hỗ trợ vũ khí bao gồm pháo binh và hệ thống phòng không, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 với đài truyền hình KBS của Hàn Quốc.

Một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng các cuộc thảo luận trong hậu trường tập trung vào các hệ thống phòng không nhằm để bắn hạ máy bay và tên lửa, nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ của ông Donald Trump đã dẫn đến sự bất định về các cuộc đàm phán.

Ông Yoon, vốn đang chật vật với tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục vì các vụ bê bối trong nước, đối mặt với sự phản đối rộng rãi từ công chúng Hàn Quốc đối với ý tưởng trang bị vũ khí cho Ukraine, các cuộc khảo sát cho thấy.

Hầu hết người dân Hàn Quốc coi mối quan hệ quân sự ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Moscow là một mối đe dọa, một cuộc thăm dò của Gallup Korea cho thấy hồi tháng 10, nhưng 82% trong số họ phản đối gửi viện trợ quân sự, bao gồm cả vũ khí.

“Đối với chính phủ Hàn Quốc, có ít lợi ích nếu tiếp tục viện trợ quân sự trong khi trong nước sự ủng hộ không nhiều và mối quan hệ với chính quyền tiếp theo của Mỹ có thể xấu đi,” ông Yang Uk, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho biết.

Công chúng Hàn Quốc, đa số không nhạy cảm với mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến ở Ukraine, có khả năng chú ý hơn vào mặt trái trong trường hợp Hàn Quốc can dự trực tiếp, ông Yang nói.

Hàn Quốc đã cung cấp xe rà phá bom mìn, áo giáp và các viện trợ phi sát thương khác cho Ukraine và không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho Kyiv, nhất là sau khi Seoul và Washington cho biết hàng ngàn binh lính Triều Tiên đã được điều đến Nga.

Ở trong nước, Đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ đã chỉ trích chính phủ vì không loại trừ việc cung cấp vũ khí và kêu gọi họ tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội cho các quyết định như vậy.

Đảng DP chiếm đa số trong Quốc hội sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng Tư, nhưng các chuyên gia nói rằng tổng thống có thể qua mặt Quốc hội để cấp vũ khí sát thương cho một quốc gia khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS của Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết mối quan hệ giữa Seoul và Moscow sẽ ‘bị phá hủy hoàn toàn’ nếu Hàn Quốc cấp vũ khí cho Ukraine.