Đường dẫn truy cập

Triều Tiên gửi quân giúp Nga gây hại cho nỗ lực cân bằng của Trung Quốc


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, phải, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bình Nhưỡng. (Ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố ngày 21/6/2019.)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, phải, bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bình Nhưỡng. (Ảnh do hãng tin KCNA của Triều Tiên công bố ngày 21/6/2019.)

Một số đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh đang thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hành động nhiều hơn nữa để gây sức ép buộc Triều Tiên dừng hoặc đảo ngược việc triển khai quân đội tới Nga, nơi có hơn 10.000 binh lính Triều Tiên đã ra tiền tuyến trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Những lời kêu gọi tại hai hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần trước ở Brazil và Peru phản ánh tình thế khó xử mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt khi ông cố gắng cân bằng một cách tinh tế giữa Nga và phương Tây.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Brazil Luis Inacio Lula da Silva tại Brasilia vào ngày 21/11, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi tập hợp “nhiều tiếng nói hòa bình hơn” ở Ukraine. Ông thúc đẩy một sự đồng thuận sáu điểm về Ukraine do Trung Quốc và Brazil đưa ra lần đầu tiên vào tháng 5 năm nay, trong đó nhấn mạnh đến đối thoại và đàm phán dẫn đến một giải pháp chính trị.

Trước cuộc gặp song phương tại thủ đô Brazil, các nhà lãnh đạo thế giới bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro và hội nghị thượng đỉnh APEC ở Lima, Peru, nói với ông Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh cần thuyết phục Triều Tiên ngừng gửi thêm quân sang chiến đấu cho Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholtz đã cảnh báo ông Tập Cận Bình vào ngày 19/11 tại G20 rằng việc triển khai quân đội Triều Tiên để chiến đấu chống lại Ukraine đồng nghĩa với việc leo thang chiến tranh.

Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã yêu cầu ông Tập Cận Bình tại APEC đóng vai trò “xây dựng” trong việc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga. Ông Yoon đã tận dụng các cuộc họp toàn cầu như một cơ hội để củng cố sự lên án của phương Tây đối với mối quan hệ quân sự Bình Nhưỡng-Moscow.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng nói với ông Tập tại APEC rằng Bắc Kinh có ảnh hưởng và năng lực ngăn chặn xung đột Ukraine mở rộng thông qua sự hiện diện của nhiều binh lính Triều Tiên hơn, cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 17/11.

Ông Biden chỉ ra lập trường của Trung Quốc kêu gọi hạ nhiệt xung đột và cho biết sự hiện diện của quân đội Triều Tiên đi ngược lại lập trường đó.

Hành động cân bằng

Trung Quốc đã miễn cưỡng chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì đã cung cấp quân đội và đạn dược để hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã cảnh báo vào ngày 19/11 rằng Triều Tiên có thể triển khai tới 100.000 quân và Hoa Kỳ ước tính rằng khoảng 11.000 quân Triều Tiên đã được huy động ở khu vực biên giới Kursk của Nga.

“Bắc Kinh hiện đang thấy mình trong một tình huống khó khăn”, bà Patricia Kim, một thành viên của Viện Brookings, nơi bà lãnh đạo Dự án Trung Quốc Toàn cầu, nói.

“Thật khó chịu khi Triều Tiên ngày càng hợp tác quân sự với Nga, mở rộng sang cả chiến trường Ukraine. Ông Putin hiện đang mang ơn ông Kim, và điều này có thể khiến Bình Nhưỡng mạnh dạn có các hành vi mạo hiểm trong nước vốn có thể gây ra tác động tiêu cực đến Trung Quốc”, bà nói với VOA.

“Đồng thời, Bắc Kinh tin rằng họ không thể để Bình Nhưỡng hoặc Moscow xa lánh, đặc biệt là khi khả năng xảy ra đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng khi [Tổng thống đắc cử Donald Trump] trở lại nắm quyền”, bà nói.

Mặc dù có sự khó chịu, nhưng không có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ đối đầu với Moscow hay Bình Nhưỡng về việc gửi thêm quân đội Triều Tiên, bà Bonnie Glaser, giám đốc điều hành chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ cho biết.

Bà Glaser cho rằng Trung Quốc ít quan tâm đến quân đội Triều Tiên ở Nga hơn là về phản ứng của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể “ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Trung Quốc”.

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với VOA hôm 20/11 rằng lập trường của Trung Quốc đối với cả Ukraine và Bán đảo Triều Tiên vẫn “kiên định” và Bắc Kinh đã “nỗ lực hướng tới việc hạ nhiệt tình hình” ở Ukraine.

Trong khi im lặng về quân đội Triều Tiên, Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp hàng hóa sử dụng kép mà Nga cần để sản xuất vũ khí. Liên hiệp châu Âu cũng đã cảnh báo Bắc Kinh rằng máy bay không người lái tấn công mà Nga đang sản xuất tại tỉnh Tân Cương của Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả.

Trung Quốc đã cố gắng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine mà không làm phương Tây tức giận vì lo ngại về bất kỳ phản ứng kinh tế nào có thể gây ra — bao gồm các hạn chế thương mại và các chế tài có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này, các nhà phân tích nói.

“Trung Quốc rất giỏi trong việc đóng vai trò” mơ hồ này, “với lịch sử không liên kết của mình, trong khi biết rằng nền kinh tế của mình phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại tốt với Hoa Kỳ và EU”, ông Joseph DeTrani, người từng là đặc phái viên cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sáu bên bao gồm cả Triều Tiên và Trung Quốc, từ năm 2003 đến năm 2006, cho biết.

“Trung Quốc dường như lưỡng lự không muốn sử dụng đòn bẩy hạn chế của mình với Triều Tiên một phần là do căng thẳng trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc”, ông nói.

Đồng thời, ông DeTrani cho biết, chủ tịch Trung Quốc sẽ không công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga vì sợ rằng điều đó sẽ làm suy yếu uy tín của chính phủ ông với Nam Bán cầu, nơi ông Tập Cận Bình đang cố gắng “chứng minh rằng hệ thống quản lý của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều so với nền dân chủ tự do ở Hoa Kỳ”.

Vào tháng 10, Hoa Kỳ đã trừng phạt các công ty Trung Quốc vì trực tiếp giúp Nga chế tạo máy bay không người lái tấn công tầm xa. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thúc giục Hoa Kỳ ngừng sử dụng vấn đề Ukraine để “bôi nhọ hoặc gây áp lực” lên Trung Quốc.

Liên kết chống lại Hoa Kỳ

Ông Richard Weitz, nghiên cứu viên cao cấp và giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị-Quân sự tại Viện Hudson, cho biết Trung Quốc coi quan hệ đối tác với Nga quan trọng hơn bất kỳ bất đồng nào mà họ có về Triều Tiên.

Trung Quốc không “muốn gây hấn với Nga” về vấn đề Triều Tiên, ông nói.

“Bất chấp những bất đồng của họ về các vấn đề cụ thể”, bao gồm cả Triều Tiên, “về cơ bản họ liên kết trên toàn cầu chống lại Hoa Kỳ và trật tự phương Tây. Vì vậy, họ sẽ không để những bất đồng cụ thể này về các vấn đề hẹp hơn cản trở sự liên kết toàn cầu đó”, ông Weitz nói.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết tại một cuộc họp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào ngày 18/11 rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, theo hãng thông tấn Nga TASS.

Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại giữa Moscow và Bắc Kinh tại các tổ chức quốc tế, bao gồm Liên hiệp quốc, BRICS và G20, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm 19/11.

“Bằng cách không lên án hành động xâm lược của Nga, Trung Quốc đã vứt bỏ mọi tuyên bố trung lập”, ông John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói.

“Tuy nhiên, không có khả năng Bắc Kinh tin rằng hợp tác quân sự Nga-Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên [Triều Tiên] là có lợi cho mình. Nếu như Trung Quốc đã phản đối mối quan hệ đối tác này, thì chuyện đó dường như không gây nhiều ảnh hưởng đến ông Putin hoặc ông Kim.”

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG