Người dẫn chỗ ngồi

  • Nguyễn Hoàng

Người dẫn chỗ ngồi

2.

Quán nhỏ, nằm trong hẽm, có chừng bốn năm chiếc bàn thấp. Tất cả dựa lưng vào vách. Mặt vách bị nước mưa đóng rêu. Khách ngồi chật. Tâm đi thẳng vào bên trong, kéo ra hai chiếc ghế nhựa.

“Sao mày rành chỗ này quá vậy?”

“Thì ngày nào không tới đây mà không rành.”

“Thế mày bỏ quán Cái Chùa … Bà Đanh rồi à?”

Tâm không trả lời. Tôi nhìn bạn. Trước kia Tâm vốn đã xanh xao gầy nhom gầy nhách, giờ đây còn thê thảm hơn. Mặt sạm đen. Hai con mắt sâu. Mái tóc xơ xác. Những ngón tay gầy khẳng khiu. Quần áo nhớp nhúa tả tơi. Người chủ quán mang ra hai xị rượu, hai cái ly, một dĩa lòng và nước chấm.

“Ông uống với tụi này một ly!” Tâm mời người chủ quán.

“Tôi làm mấy trận rồi ông ơi. Cha nào tới đây cũng bắt tôi làm một ly. Sức đâu mà uống. Thôi cám ơn. Bữa nào tôi đóng cửa tiệm nhậu riêng với ông một bữa…”

“Rượu bất khả ép!” Tôi nói.

“Thằng này tên Thăng. Nó là bạn thân của tôi. Còn ông này là ông Cường, chủ quán.”

Tôi bắt tay người đàn ông.

“In hình tôi đã gặp ông ở đâu một lần rồi.” Người chủ quán nói.

“Tôi cũng vậy. Anh trông quen lắm. Chắc là mình có gặp nhau ở đâu rồi.”

“Ê, ông chủ, cho mấy xị nữa coi!”

Tiếng một người khách gọi. Người đàn ông cầm tay tôi lắc lắc.

“Xin lỗi! Xin lỗi!”

Và ông ta quay vào trong lấy rượu.

“Tay này uống dữ lắm!” Tâm giới thiệu.

“Bằng mày không?”

“Tao thì nhằm nhò gì. Cỡ Tạ Ký, Lê Tấn Lộc chớ không phải tay vừa đâu.”

“Mày nhắc tao mới nhớ. Ông Ký, ông Lộc bây giờ ở đâu?”

“Ở đâu? Cả hai ông bị đi cải tạo từ hồi nào tới giờ đã về đâu. Mày không biết à?”

“Sao không biết. Ông Ký và Lộc bị gọi đi trình diện từ đợt đầu mà. Nhưng tao tưởng thầy giáo thì ra sớm chớ!”

“Thì cũng tại hai chữ biệt phái. Mấy tay quân quản cho rằng biệt phái là ghê gớm lắm. Chắc là nhân viên đặc biệt phái tới để theo dõi cô giáo thầy giáo trong trường nên phải giam lâu.”

“Bộ mày với tao không phải là đám biệt phái sao?”

“Thì cũng biệt phái, nhưng tụi mình binh nhì. Học quân sự chín tuần ở Quang Trung thì đâu được sĩ quan. Lộc và ông Ký đi Thủ Đức, đều lên đại úy cả. Mà mày chưa nhận được giấy thăng cấp binh nhất à?”

“Hồi nào?”

“Tao nhận giấy đúng đầu năm bẩy lăm.”

“Trường tao không thấy đưa. Mà như vậy là sao?”

“Là sao? Binh nhì hay binh nhất thì ăn nhậu cái mẹ gì. Cho nên mấy chả lờ. Chớ sĩ quan như Lộc với Ký thì nó ghim. Mà sĩ quan gì kiểu Lộc và Ký chớ. Có bao giờ được bóp cò súng đâu. Ít nhất cũng đụng trận vài ba lần chớ, đằng này…”

“Mày có hiểu đạo đức mới là gì không?”

“Sao tự nhiên nói chuyện đạo đức?”

“Tao nhiều lúc ngẫm nghĩ trong khi bạn bè mình thằng nào cũng tù tội, biệt tích, mà mình lại nhởn nhơ như thế này, thiệt là vô đạo đức.”

“Tao cũng nghĩ vậy, nhưng có thiệt là mình đang nhởn nhơ không. Nhiều khi tìm cớ ngụy biện cho lương tâm yên ổn. Cứ cho là tụi nó ở trong một nhà tù nhỏ, còn bọn mình chẳng phải ở trong một nhà tù lớn sao? Cũng chỉ là tù, mà tù trong hay tù ngoài. Thế thôi!”

“Ờ, thì nói để mà nói vậy thôi. Bây giờ mày làm gì?”

“Tao lái xe ủi đất dưới Bạc Liêu. Còn mày?”

“Tao làm ở xưởng phim.”

“Trời ơi ! Mày biết mẹ gì phim ảnh mà làm.”

“Vợ con tao mày biết đã mất tích ngoài biển rồi. Ông già bà già tao cũng đã chết. Sách vở là tài sản của tao đã đem hết ra đường Bùi Quang Chiêu bán đổ bán tháo… Nếu tao có thể làm nghề chợ trời…”

“Nhưng mày biết mẹ gì phim ảnh mà làm.” Tôi lặp lại.

“Thì cũng nhờ người này người nọ quen biết giới thiệu. Không biết cầm máy quay phim thì cũng xách đèn chiếu cho thằng ca-mê-ra-men. Nó hỏi tao viết truyện phim được không. Tao nói được. Nhưng mày biết được là được thế nào?”

“Vậy mày được cái gì?”

“Tao được phiếu mua gạo và nhu yếu phẩm hàng tháng. Và cái được nhất là được yên thân.”

“Tụi nó nói là hồi này mày ‘cách mạng’ lắm. Phải không?”

“Cách mạng gì ? Cách cái mạng thì có. Mày nghĩ coi, tao phải làm gì bây giờ?”

Phải làm gì bây giờ? Phải làm sao bây giờ? Nhìn đám người trước mặt, lơ lơ láo láo. Sống không biết ngày mai. Nhìn trước, nhìn sau, ngó lui, ngó tới, ai cũng thấy mình như một con chim trong lồng. Chợt Tâm nhắc:

“Mày kể cái chuyện gì của mày coi.”

“Chuyện gì?”

“Thằng này! Sao mày mau quên vậy?”

“Ừ. Kể thì kể. Nhưng dzô cái đẹp mắt coi.”

Rượu thuốc đục ngầu. Mùi khó thở. Tôi nhắm mắt uống ực một hơi. Tâm cười.

“Mày nhất định không chịu bỏ nghề sao?”

“Bỏ nghề gì? Tao ‘mất dạy’ rồi mà!”

“Thì ai không biết mày ‘mất dạy’. Uống rượu phải uống từ từ chớ! Thôi cha. Kể chuyện nghe coi.”

“Ờ, chuyện thì chuyện. Theo mày thấy thì lúc này làm nghề gì dễ sống nhất?”

“Sao mày cứ nói lãng?”

“Thể thao và văn nghệ. Đúng không?”

“Đúng. Nhưng nói rõ thể thao là đá banh, còn văn nghệ là âm nhạc.”

“Ừ. Coi bộ lái xe ủi đất mà cũng rành sáu câu dữ. Thôi, đừng có giả mù sa mưa nữa. Kể đi cha.”

“Ừ, chuyện đại khái vầy: Có một thằng cha năm nay khoảng ba mươi mấy. Tóc đã bắt đầu muối tiêu. Thằng chả giàu nhờ mở một nhà hàng ăn bên bờ sông. Khách khứa ra vào nườm nượp. Đời chả chỉ biết tối tối đếm tiền. Càng giàu, càng đổ tật. Không biết mắc chứng gì mà chả mê âm nhạc. Chả thích chơi hồ cầm. Thích đứng giữa một dàn đại hợp xướng trên sân khấu. Chả suy đi tính lại, nhất quyết phải trở thành một tay hồ cầm có cỡ. Bạn bè nghe chả nói ai cũng can. Lớn rồi, học nhạc phải học từ nhỏ, chớ từng tuổi này, tay chân cứng đơ, âm nhạc gì. Chả không nghe, ghi danh đi học. Tiệm ăn thiếu người trông coi, mỗi ngày một mất khách, sa sút dần. Đến khi chả ra trường thì tiệm ăn coi như sụp. Không còn tiền bạc, chả bán nhà bán cửa, đi lang thang, cố xin một chân trong ban đại hòa tấu. Nhưng ở đâu người ta cũng từ chối. Nói là ngón đàn chưa ngọt, không đủ điêu luyện để hòa nhập vào ban đại hòa tấu. Cuộc sống chả ngày càng thê thảm. Chả rách rưới nghèo khổ, bẩn thỉu, lang thang, lếch thếch như một hành khất. Nhưng tấm lòng yêu âm nhạc của chả là thực. Chả cứ lui tới ở mấy nơi có các ban đại hòa tấu lớn chơi. Chả xin việc. Người ta nói ban nhạc đã đủ người. Sau cùng để thỏa lòng yêu âm nhạc, chả xin làm người dắt chỗ ngồi trong những đêm có trình diễn âm nhạc…”

“Nhân viên dẫn chỗ ngồi?”

“Ừ, đúng. Làm nhân viên dẫn chỗ ngồi. Nhưng mà đừng tưởng làm nhân viên dẫn chỗ ngồi là dễ đâu nghe!”

“Mày muốn nói cái gì vậy?”

“Mày thông minh có thừa mà. Mày dư biết tao muốn nói gì rồi. Tuổi bọn mình đâu phải là tuổi bắt đầu đi làm cách mạng. Phải không? Vả lại…”

«Có phải mày chửi xéo tao không?»

«Không. Đừng nghĩ vậy. Chỉ là nói chung chung thôi mà!»

Tôi cầm đũa gắp một miếng lòng. Mùi rượu thuốc vẫn làm tôi khó chịu.

Tâm tựa lưng vào vách. Khuôn mặt anh bỗng nhiên nguội lạnh bất ngờ, hai con mắt ướt như sắp khóc. Anh lặng thinh, bất động như một bức tượng.

Bụi Và Rác – Chương Mười - phần 2


* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.