Thân như chớp sáng, có rồi không, câu thơ anh dịch của Vạn Hạnh trong Hương Thiền (1) tự nhiên trở lại trong hồn tôi, chiều nay. Chiều mùa xuân Virginia bỗng trở lạnh, mưa lâm râm, có anh chắc anh sẽ nói …buồn thúi ruột. Làm sao quên được giọng ngâm thơ trầm ấm, đặc Huế của anh, nhất là sau khi có bữa ăn gọi là đạm bạc mà anh thích, rau dền đỏ chấm nưóc tôm kho đánh, cá bống thệ kho khô …đuôi ngó lui. Như khi đi xa nửa vòng trái đất về, mệ (thân mẫu anh) hỏi ưng ăn chi, anh chỉ thèm …ăn canh mít non có bỏ lá sân lá lốt.
Kỷ niệm đầu tiên với anh là Tết Giáp Dần, 1974 anh về nước sau trên hai mươi năm xa cách. Ôn (thân sinh anh) đưa anh ra thăm chúng tôi ở ngôi nhà phía sau trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, tôi đang dạy ở đó, và vì nhà tôi dạy cùng trường Nữ trung học Thành Nội với chị Võ thị Nga, em gái anh …Sau đó nhân mấy ngày Tết tôi rủ Trịnh công Sơn cùng ghé thăm anh, uống cùng nhau ly rượu mừng xuân, tình anh em văn nghệ thân thiết nhau rất đỗi tự nhiên. Anh có kể lại trong Trời Đất (2): “Năm 1974, sau trên hai thập niên lưu lạc, từ Huế sang Paris, từ New York sang San Francisco, tôi lại quay về Huế. Chỉ hai hôm sau Tết Giáp Dần, hai chàng trẻ đến thăm: Đinh Cường và Trịnh công Sơn. ĐC hỏi tôi có đem tranh về không. Tôi nói không. ĐC đề nghị tôi vẽ ngay một số tranh: Anh sắp có triển lãm, nếu tôi cùng trưng bày với anh càng vui. Tôi vẽ 14 bức tranh mực xạ trên giấy, đặt tên từ Huế I đến Huế XIV. Cuộc triển lãm diễn ra ở một phòng lớn của đại học Văn Khoa Huế. Sau đó chúng tôi “họp mặt” ở nhà Trịnh công Sơn. Và lần đầu tiên tôi gặp Lê thành Nhơn …Trước đó tôi từng gặp Lê thành Nhơn. Gặp tác phẩm, không gặp người. Sau buổi nói chuyện ở trường Mỹ Thuật, tôi cùng nhiều người bước ra sân. Không nhớ ai đã chỉ cho tôi xem tượng Phan bội Châu. Ở Huế, người ta gọi là cụ Phan, hay cụ Phan sào Nam. Cả bức tượng là một cái đầu người. Một cái đầu vĩ đại …Tôi sinh ở Huế, lớn lên ở Huế, từng nghe không biết bao nhiêu chuyện khí khái về “ông già Bến Ngự”.
Đêm ấy tôi đã được gặp tác giả chân dung cụ Phan. Và nhớ mãi.”(3) Tôi cũng nhớ mãi anh đã vẽ tặng tôi bức “Tổ Chim Trên Bờ Biển” với lời ghi Tưởng niệm Phan sào Nam tiên sinh.
Đêm ở nhà Sơn, tôi thấy anh uống rượu rất chì, râu mép đen dày, mắt lim dim, hút pipe, áo khoác kaki bốn túi, đúng là Parisien, và khi rượu đã thấm … anh bỗng ngâm thuộc lòng bài Hành Phương Nam dài của Nguyễn Bính:
Hai ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Riêng ta với người buồn vậy thay
…
rồi ngâm Tràng Giang của Huy Cận:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Giọng anh trầm buồn, ngân vang, đứt quảng, như muốn khóc. Khuya tôi về cùng anh qua mấy con đường âm u trong Thành Nội, anh chỉ mấy chiếc am bên hàng chè tàu nhà ai còn đốm nhang chưa tàn. Sáng hôm sau đó tôi đi mua giấy vẽ và màu nước, mực xạ đem đến, anh hứng thú vô cùng, trải ngay trên bộ ngựa gõ cạnh phòng khách …ngồi xếp bàng, vung bút. Hình ảnh chiếc am và cội mai già trước sân nhà là hình ảnh đậm nét nhất trong những bức tranh mực xạ của anh.
Chúng tôi đã có cuộc bày tranh chung đầy kỷ niệm: Triển lãm tranh mực xạ và tranh màu nưóc Võ Đình – Đinh Cường tại Đại Học Văn Khoa Huế từ 28.2 đến 2.3.74 Catalogue ghi 14 bức Huế I đến Huế XIV và bức 15: Mảnh giấy này. Phần tôi 22 bức tranh cỡ nhỏ màu nước, đúng hơn, là sơn dầu trên giấy.
Buổi khai mạc do Trung tướng Lâm quang Thi, tư lệnh vùng I chiến thuật cắt băng, ông Dương đình Khôi, khoa trưởng Đại học Văn Khoa lúc ấy đã giới thiệu chúng tôi cùng phòng tranh thật trang trọng đến quan khách.
Sau đó, theo ý kiến anh Doãn quốc Sỹ, chúng tôi tiếp tục đem tranh vào bày tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn từ 29.3 đến 4.4.74. Bà Nguyễn văn Bông, giám đốc Hội Việt Mỹ Sài Gòn đã ưu ái cho bày tranh trước vì anh Võ Đình phải trở lại Mỹ sớm hơm thời hạn, phải dời lại những phòng bày tranh kế tiếp, đã lên chương trình cả năm …Bà Bông với áo dài lụa gấm màu mở gà, thêu mấy lá trúc xanh, đã cắt băng khai mạc …Phòng tranh đông kín người xem. Lần này anh Võ Đình được gặp lại những người bạn thân, nhất là anh Trương Bính, người bạn ở Pháp về Việt Nam sinh sống sớm nhất, tôi biết anh rất quý người bạn này, khi anh Bính mất, anh có vẽ bức tranh, chụp lại gởi cho tôi xem, một màu nâu của đất, đầy hương khói… Anh đã ở lại nhà anh chị Doãn quốc Sỹ, đã vẽ trang trí cái tủ thờ với mầu đỏ son nồng ấm và tặng anh chị Sỹ mấy bức tranh mộc bản thật đẹp, tôi nhớ mãi hai bức: Công cha như núi thái sơn và Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Anh thích trang trí những vật dụng trong nhà…Tôi còn giữ chiếc đèn để bàn và cái bàn gỗ thấp, hình lục giác, tự tay anh cưa gỗ, đóng lấy, trang trí những vuông màu đen đỏ, mặt dưới anh ký tên và ghi VI. 65. anh tặng đem về làm kỷ niệm, lần anh lái xe đón tôi và cháu trai đầu lên thăm anh ở Thạch Lũng - Stonevale, Burkittsville, Tây Bắc Maryland - dừng lại dọc đường anh chỉ nhà bưu điện nhỏ ở phố quận làm nhớ bưu điện ở phố núi vắng lặng Đơn Dương làm sao và nhà thờ nhỏ lâu đời bên kia đường… Chiếc bàn này nay là nơi hai cháu nội chúng tôi Như Thơ, Như Tranh thích nhất, mỗi lần về thăm là đòi xuống basement, ngồi vào hai chiếc gối thấp hai bên để vẽ. Chiếc bàn đã 45 năm, sau cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên cuả anh tại New York năm 1961. Chao ơi, thời gian…
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, cho đến ngày xuất ngoại khi chưa tới tuổi hai mươi. Nhà cha mẹ tôi trong Thành Nội, ở một xóm sau lưng hoàng thành. Tôi sống qua những năm niên thiếu trong một không khí vừa cổ kính vừa tàn tạ. Cha tôi làm công chức, tính cương nghị, thích yên tĩnh. Mẹ tôi không buôn bán chi, chỉ ở nhà trông nom việc nhà, trồng hoa, trồng rau. Cha tôi vóc dáng lực lưỡng, siêng làm việc chân tay, ăn uống điều độ, giản dị. Còn mẹ tôi vốn đã cần mẫn việc dâng hương tụng kinh …” (Một món Tết mặn mà .Văn Học, Tết Mậu Thìn, 1988). Về tiểu sử của anh, chỉ có chị Lai Hồng mới ghi được đầy đủ.
Lai Hồng, có phải là định mệnh anh, anh nói không vẽ chim hạc, chim hồng nữa. Nhưng khi về thăm anh ở căn nhà mới xây tại West Palm Beach, Florida, lần đầu còn để nguyên những tấm ván lớn đóng các cánh cửa nhà để che bão không thấy gì. Nhưng lần thứ hai về thăm khi anh đau nặng, gõ cửa. Cửa kính chính là bức tranh chim Hồng đã trở về: Chim về tổ, không gian tranh như có tùng bách,dải mây như vệt lụa quấn qua hồn đây đó... Cho thấy cái hạnh phúc của sự sum họp, an cư, tình yêu thắm nồng nơi chốn vắng lặng này. Anh và chị Lai Hồng về ở đó cũng khá lâu rồi, căn nhà có vườn rộng, gần như có đủ thứ cây trái như bên nhà. Trước ngõ vào là cây phượng vỹ và mấy cây hoa giấy tím thơ mộng. Trong sân có nhiều loại mai, kể cả mai Thanh Tuệ, để nhớ Thanh Tuệ, nhà xuất bản An Tiêm. Có cả hoàng lan, ngọc lan, làm nhớ Huế...
Thế mà anh anh đã bỏ đi, hay đúng hơn, đã về, đã tới ...Những ngày bệnh, yếu, anh cứ luôn gọi Hồng ơi để đến dìu anh. Một năm qua mà tôi như còn nghe tiếng gọi ấy vang nhẹ đâu đây. Mới biết những ngày cuối đời, nằm bệnh, cần có một tình thương bao dung, chở che, chia xẻ bao điều. Và lo toan, chăm sóc ngày, đêm. Chị Lai Hồng đã đầy nghị lực, lo toan cho anh tất cả. Chúng tôi đều thầm phục chị về sự tận tuỵ, hy sinh này.
Nhận được thư mời Lễ Giỗ Đầu Tiểu tường nhà văn, họa sĩ Võ Đình (1933-2009) Võ Đình Mai, pháp danh Nguyên Chân. Thứ Bảy ngày 29 tháng 5 năm 1010 tại Chùa Hoa Nghiêm, Virginia…Bà quả phụ Võ Đình Mai, nhũ danh Trần thị Lai Hồng, Pháp danh Tâm Chân Nguyên. Hai con gái Katherine Phượng Nam Võ Đình, Hannah Linh Giang Võ Đình …Tôi nhớ lại như mới buổi trưa nào gần đây lắm, đứng quanh chiếc giường anh, tụng kinh cùng những người thân và bạn thân, chứng kiến từng hơi thở anh cho đến phút cuối, lúc đó là 6 giờ 20 chiều 31 tháng 5.2009 tại căn nhà có bức tranh chim hồng vẽ trên cửa kính và bức sơn dầu lớn ở phòng khách có tên Vu Lan: một con gà trống hùng dũng, đầy sinh lực, chị Lai Hồng nói anh rất thích bức ấy. Đối diện là bàn thờ Ôn Mệ với tranh hoa sen mang đường nét và màu sắc sâu lắng, đặc biệt riêng anh, và chiếc mõ, tượng Quan Âm nhỏ, bát chuông đồng, tiếng ngân vang, khi chị gõ nhẹ vào…
Anh Võ Đình,
Viết về anh rất khó, nhất là phần chuyên môn về văn chương lẫn hội hoạ, bỡi vì anh đã là một người sâu sắc, tinh tế, thẫm mỹ nghệ thuật cao qua rất nhiều bài viết, sau này in lại trong Sao có Tiếng Sóng, nhà xuất bản Văn Nghệ, California 1991, và bao nhiêu sách khác của anh. Đặc biệt có cả sách luyện về Yoga. Những thế ngồi Yoga của anh...
Về chuyên môn, hội họa, đã có Thuỵ Khuê thực hiện cuộc phỏng vấn anh khá kỹ, phổ biến trên đài RFI, 7.1991, in lại trên tạp chí Hợp Lưu số 5, 6.1992
Về Văn, đã có Nguyễn Hưng Quốc viết công phu, các bài của Trương Vũ, Trần Vũ cùng những nhận xét của Nhất Hạnh, Võ Phiến, Doãn quốc Sỹ ...
Sau ngày anh mất, nhiều bài viết trên mạng của Trương Vũ, Nguyễn thị Hoàng Bắc, Nguyễn Quỳnh, Hoàng xuân Sơn, Hoàng quốc Bảo, Hồ đình Nghiêm, Du tử Lê …và bao nhiêu người mến mộ anh, cả ở trong nước ...Riêng tôi xin ghi chút kỷ niệm này.
Những cây hoa ngoài vườn nhà chúng tôi do Tuyết Nhung trồng, có những bụi hoa mẫu đơn - peonies - anh rất thích, năm nào trời vào Xuân, anh cũng hỏi lên mầm chưa, đã nở chưa. Những đoá hoa ấy nở rực cả tháng nay sau một mùa đông dài tuyết phủ. Ngồi vẽ ngoài garage, nhìn vồng hoa với nhiều cánh nở lớn, hai màu trắng mướt, hồng sậm mà anh thích, tôi lại ngậm ngùi nhớ anh …mới đó mà đã đến ngày giỗ đầu. Tuổi già hạt lệ như suơng …
(1) Hương Thiền,18 bài thơ thiền cổ Việt Nam bản dịch Việt văn và Anh văn cùng minh họa của Võ Đình Trung tâm Văn Hoá Phật Giáo, Los Angeles, CA xuất bản 1981
(2) Trời Đất, Võ Đình, 10 truyện - 10 chuyện Tổ hợp xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ 2008
(3) Lê thành Nhơn, sinh năm 1940 tại Thủ Dầu Một, mất tại Úc ngày 4.11.2002.
Ra dạy điêu khắc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1972,là một điêu khắc gia nổi tiếng, có tác phẩm trong Bảo tàng quốc gia Úc tại Canberra: tượng Phật A Di Đà.
Tại Việt Nam đưọc biết đến nhiều qua bức tưọng bán thân của cụ Phan bội Châu ở Huế. Bức tượng bằng đồng nặng 5 tấn, cao 2.5 m đươc chạm khắc bằng những nét mạnh mẽ, khối lớn, rất vĩ đại, rất mới. Sau bao năm để truớc sân nơi nhà thờ cụ Phan ở Nam Giao, nay vừa có tin tượng sẽ được chính quyền Huế đem ra dựng tại công viên nơi Đài phát thanh Huế vừa đập bỏ, cạnh cầu Tràng Tiền.
VÕ ĐÌNH
1933-2009
1933, 14 tháng 11: Tên thật là Võ-Đình Mai, sinh năm Quí Dậu, 1933, Huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Những năm 50 đi du học ở Lyon và Paris, Pháp quốc. Năm 1961, triển lãm hoạ phẩm đầu đời ở New York City. Hơn 40 triển lãm cá nhân và vô số triển lãm tập thể ở Âu châu, Á châu, Gia-nã-đại và Hoa Kỳ.
2009, 31 tháng 5, 6:20 chiều, qua đời tại West Palm Beach, Florida.
SÁNG TÁC
Thiệp Wind Play, United Nation, New York, 1963- 1976
Thiệp The Kite, United Nations, New York, 1969
The Crimson Silk Folio, VDM Editions, Pennsylvania, 1968
The Jade Song, Chelsea House, New York, 1970
The Toad is the Emperor’s Uncle, Doubleday, New York, 1970
Aspect of Vietnamese Culture (with other authors), Southern Illinois University, Center for Vietnamese Studies, 1972
Vo Dinh, Recent Works, Suzuki Gallery & Margo Feiden Galleries, New York, 1972
The Woodcuts of Vo Dinh, HB Press. New York, 1974
Xứ Sấm Sét, Lá Bối Paris 1980; Văn nghệ California, 1987
Yoga Căn bản, Văn Nghệ, California, 1989
Đóa Sen và Nụ Cười, Văn Nghệ, California, 1990
Sao Có Tiếng Sóng, Văn Nghệ, California, 1991
Lầu Xép, Văn Nghệ, California, 1997
Rừng Mắm Văn Nghệ, Văn Nghệ, California, 2000
Huyệt Tuyết, Văn Nghệ, California, 2002
Mây Chó, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, Virginia, 2004
Tuyển tập, Văn Mới, California, 2007
Trời Đất, Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2008
Tuyển tập II, dự định xuất bản 2010
DỊCH THUẬT
The Return Path of Thoughts, Unicorn Journal #3, 1969
The Stranged Fish, Sáng Tạo, Saigon, 1971; Làng Văn, Toronto, 1988
Zen Poems of Thich Nhat Hanh, Unicorn Press, North Carolina, 1976
Hương Thiền, Trung tâm Văn hóa Phật giáo, Los Angeles, 1981
Tuyết Đầu Mùa, Lá Bối, Paris, 1981
A Flower for You, cùng Helen Coutant Webb, Nam Tuyền Temple, Virginia, 1983
Landscape and Exile, cùng nhiều dịch giả khác, Rowan Tree Press, Boston, Massachusetts, 1985
The Moon Bamboo, Thích Nhất Hạnh, Parallax Press, Berkeley, California, 1989
The Pine Gate, Thích Nhất Hạnh, White Pine Press, New York, 1989
War and Exile, cùng nhiều dịch giả khác, Vietnamese PEN, East Coast, USA, 1989
Literature of South Vietnam, 1954-1975, Vietnamese Language and Culture Publications, Melbourne, Australia, 1992
The Stone Boy, Thích Nhất Hạnh, Parallax Press, Berkeley, California, 1995
A Branch of Plum Blossom, An Tiêm Paris, California, 2005
Theo Trần Thị Lai Hồng