5 thành viên của một tổ chức hoạt động đã tổ chức cuộc mít-tinh chính trị rầm rộ ở Hong Kong hồi đầu tuần rồi đã bị buộc tội với các vi phạm nhỏ.
Một lãnh đạo của Mặt trận Nhân quyền Dân sự cho biết thủ quỹ và một nhân viên khác của nhóm nằm trong số những người bị câu lưu cùng với một người tài xế và hai tình nguyện viên.
Những người tổ chức cho biết nửa triệu người đã biểu tình trên các đường phố Hong Kong vào ngày 1/7 để phản đối sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các giới chức được bầu cử ở địa phương.
Nhóm này đưa lên tài khoản Facebook vào hôm thứ Sáu rằng các thành viên, những người bị cáo buộc cản trở giao thông, cản trở cảnh sát và vi phạm an toàn giao thông, đã được tự do nhưng cảnh sát đã tịch thu điện thoại của họ.
Có khoảng 500 người đã bị bắt phần lớn trong buổi biểu tình ôn hòa vào ngày lễ công cộng. Ða số đã được thả ra vào ngày hôm sau.
Những người tổ chức cho biết 510.000 người đã tham gia biểu tình vào ngày kỷ niệm lần thứ 17 cựu thuộc địa Anh được trả lại cho chính quyền Trung Quốc.
Cảnh sát chỉ đưa ra con số dưới 100.000 người.
Cuộc biểu tình hằng năm càng thêm ý nghĩa trong năm nay trong bối cảnh một chiến dịch tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải cho phép cư dân Hong Kong bầu cử lãnh đạo của họ.
Nhiều người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc và mang các bảng hiệu đòi “dân chủ thực sự” khi họ tuần hành từ công viên Victoria đến khu vực trung tâm tài chính.
Cuộc biểu bình diễn ra sau một cuộc trưng cầu không chính thức, trong đó gần 800.000 cư dân Hong Kong bầu chọn được trao quyền kiểm soát nhiều hơn trên các ứng cử viên của cuộc bầu cử năm 2017.
Bắc Kinh cho biết sẽ thực hiện cam kết cho phép khu vực bán tự trị này được bầu cử lãnh đạo của mình vào năm 2017, nhưng khẳng định chỉ có những ứng cử viên được đại lục phê chuẩn mới được ra tranh cử.
Trước đây, các cuộc biểu tình lớn đã buộc Bắc Kinh phải thay đổi chính sách đối với Hong Kong. Năm 2003, nửa triệu người đã có mặt trong một cuộc biểu bình ủng hộ dân chủ, khiến Trung Quốc phải bỏ luật đề xuất về chống lật đổ.
Nhưng lần này, các lãnh đạo Ðảng Cộng Sản có vẻ như đang rất cương quyết.
Tháng rồi, Ðảng Cộng Sản công bố một bạch thư nhấn mạnh đến “quyền tài phán toàn diện” đối với Hong Kong, trong đó nhấn mạnh đến việc không được thụ hưởng “tự trị hoàn toàn” của khu vực này.
Các cư dân Hong Kong được hưởng quyền dân sự và chính trị nhiều hơn những người dân ở đại lục nhờ hiệp định năm 1997 của Bắc Kinh với Anh.
Nhưng sự bất mãn trước điều được coi là sự can thiệp của Trung Quốc vào Hong Kong đang gia tăng và một phản ứng mạnh tay của đại lục có thể châm ngòi thêm cho các cuộc biểu tình khác.
Occupy Central, một liên minh của các nhóm biểu tình, đe dọa sẽ đóng cửa khu vực tài chính của thành phố vào cuối năm nay nếu những yêu cầu về cải cách bầu cử không được đáp ứng.