Cảnh sát Hong Kong cho biết họ đã thả phần lớn những người biểu tình trong số 500 người bị bắt giữ qua đêm, sau cuộc biểu tình quy mô lớn để đòi quyền dân chủ tại thành phố đã thu hút đám đông khoảng nửa triệu người.
Trích lời một phát ngôn viên cảnh sát, AFP đưa tin rằng cuối ngày thứ Tư, khoảng 100 người vẫn còn bị giam giữ và 18 người đã được thả nhờ bảo lãnh tại ngoại, trong khi những người còn lại được trả tự do không bị cáo buộc hình sự.
Những người biểu tình bị cáo buộc tụ tập trái phép và cản trở cảnh sát sau khi nhất định ở lại khu trung tâm tài chính của Hong Kong tới 8 giờ sáng.
Hầu hết những người biểu tình không chống cự khi bị bắt. Những người khác thì bị kéo đi, giãy giụa và la hét tại một điểm biểu tình trên đường Chater.
Một nhà hoạt động, bị bắt giữ và được thả không bị cáo buộc hình sự, cảnh báo rằng phong trào bất tuân dân sự ở Hong Kong sẽ không biến mất.
Một viên chức của Hội Ân xá Quốc tế, bà Mabel Au, gọi những vụ bắt bớ hàng loạt này là “đáng lo ngại.” Trả lời phỏng vấn của VOA, bà nói rằng đó là một cuộc tụ tập ôn hòa và người biểu tình không hề làm gì trái pháp luật.
Bà cũng nói việc nhiều người biểu tình bị giam giữ không được phép gặp luật sư là điều “không thể chấp nhận được.”
Các vụ bắt giữ khép lại một ngày biểu tình phản đối sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với những ứng cử viên chính trị ở vùng lãnh thổ này.
Những người tổ chức cho biết 510.000 người tham gia cuộc mít-tinh nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày cựu thuộc Anh được trao trả cho Trung Quốc. Cảnh sát nói rằng số người biểu tình chưa tới 100.000.
Cuộc biểu tình hàng năm này đã trở nên quan trọng hơn trong năm nay vì dân chúng Hồng Kông đang tiến hành một cuộc vận động để gây sức ép đòi Bắc Kinh cho phép cử tri Hồng Kông được tự do lựa chọn người lãnh đạo thông qua phổ thông đầu phiếu.
Cuộc biểu tình diễn ra tiếp theo sau một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức trong đó gần 800.000 người Hồng Kông bỏ phiếu để được phép có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với việc đề cử các ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào năm 2017.
Bắc Kinh nói rằng họ sẽ thực hiện cam kết để cho thành phố bán tự trị này được chọn người lãnh đạo vào năm 2017, nhưng họ nhất mực cho rằng chỉ có những người được Hoa Lục chấp thuận mới có thể ra tranh cử.
Truyền thông Trung Quốc hôm nay trích lời các giới chức Bắc Kinh nói rằng cuộc biểu tình hôm qua chứng tỏ là các quyền dân sự và chính trị của cư dân Hồng Kông được tôn trọng.
Nhưng ông Trương Hiểu Minh, viên chức hàng đầu của Bắc Kinh ở Hồng Kông, nói rằng cuộc trưng cầu dân ý và quy mô cuộc biểu tình không ảnh hưởng gì tới các quyết định liên quan tới cuộc bầu cử năm 2017.