Những đám đông ồ ạt người biểu tình đã tuần hành qua các đường phố Hong Kong ngày hôm nay để đòi Trung Quốc để cho cựu thuộc địa Anh này được bầu những nhà lãnh đạo của họ.
Ban tổ chức hy vọng đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong một thập niên của cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7 hàng năm, đánh dấu ngày lãnh thổ này được trả về cho Trung Quốc vào năm 1997.
Một biển người biểu tình ôn hòa, hầu hết là giới trẻ, cầm những biểu ngữ đòi “dân chủ thực sự” và hô những khẩu hiệu chống lại các nhà lãnh đạo Hong Kong thân Bắc Kinh khi họ tuần hành từ Công viên Victoria đến khu thương mại trung tâm của thành phố.
Hàng trăm ngàn người biểu tình dự kiến sẽ đổ ra đường phố. Một số người có kế hoạch ở lại đêm trong khuôn khổ của một chiến dịch đóng cửa khu tài chánh của thành phố, một thách thức mạnh bạo đối với Bắc Kinh.
Ông Chu Vĩnh Khang, Tổng Thư Ký của Tổng hội Sinh viên Hong Kong, thuộc số các tổ chức dự trù biểu tình ngồi lì. Ông nói với ban tiếng Quan Thoại Đài VOA là tổ chức của ông nhằm làm áp lực một cách ôn hòa đối với Bắc Kinh.
Ông Chu nói cuộc biểu tình này là cách cho xã hội thấy đây chính là Phong trào Chiếm cứ. Phong trào này có thể ôn hòa, không bạo động và trật tự để thực hiện tiến trình này. Đây sẽ là một ảnh hưởng từ từ, để thúc đẩy chính phủ, để chính phủ hiểu rằng đây thực sự là một cuộc khủng hoảng của việc cai trị tại đây.”
Những cuộc biểu tình diễn ra sau khi gần 800.000 người Hong Kong bỏ phiếu về một cuộc trưng cầu dân ý không chính thức nhằm làm áp lực để Trung Quốc cho phép lãnh thổ này tự chọn các ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2017.
Bắc Kinh hứa cho phép người dân Hoa Kỳ bỏ phiếu bầu các viên chức vào năm 2017, nhưng vẫn cho rằng chỉ cho phép những ứng cử viên được Bắc Kinh chấp thuận trước.
Những cuộc biểu tình đông đảo như thế trong quá khứ đã thuyết phục Bắc Kinh thay đổi chính sách đối với Hong Kong. Vào năm 2003, nửa triệu người đã tham dự những cuộc biểu tình đòi dân chủ khiến cho Trung Quốc phải bãi bỏ luật chống lật đổ được đề nghị.
Nhưng lần này những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản dường như cương quyết không lay chuyển.
Tháng trước đảng công bố một Bạch Thư nhấn mạnh đến “thẩm quyền pháp lý hoàn toàn” đối với Hong Kong và nhấn mạnh thành phố này không hưởng “quyền tự trị hoàn toàn.” Bạch thư gây nên phẫn nộ và giúp củng cố việc ủng hộ cuộc biểu tình tuần này.
Ông Scott Harold, một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc làm việc cho Rand Corporation, nói với Đài VOA là khuynh hướng mạnh tay của Bắc Kinh không giúp cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng.
“Trung Quốc khám phá ra rằng các biện pháp để đối phó với Hong Kong-dù là dưới hình thức đe dọa bằng Bạch Thư, hay việc bổ nhiệm các chính trị gia thân Bắc Kinh, hay ngay cả điều được nghi ngờ là chiến dịch dùng mánh khóe qua việc thay thế những tiếng nói chỉ trích trong ngành truyền thông và tạo ra những tiếng nói để đưa ra thông điệp cho những người không đứng trong hàng ngũ - đã không thành công trong việc làm cho người dân Hong Kong sợ hãi.”
Cư dân Hong Kong được hưởng nhiều quyền dân sự và chính trị hơn người dân Hoa lục nhờ một thỏa thuận với Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Tờ Hoàn cầu Thời báo do nhà nước điều hành ngày hôm qua gọi cuộc bỏ phiếu là “vô lý” và gây chia rẽ. Tờ báo cảnh cáo rằng đối đầu chính trị “sẽ không mang lại dân chủ, nhưng chỉ làm rúng động nền tảng của việc thực thi dân chủ.”