Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm 29/7 nói rằng quá trình đàm phán với Iran nhằm khôi phục một thỏa thuận hạt nhân năm 2015 “không thể diễn ra vô thời hạn” và quyết định đang nằm ở phía Tehran, Reuters đưa tin.
Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận vào năm 2018. Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington nhằm khôi phục bản thỏa thuận đã bị hoãn lại vào ngày 20/6, hai ngày sau khi giáo sĩ Ebrahim Raisi theo đường lối cứng rắn được bầu làm tổng thống của nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông Raisi nhậm chức vào ngày 5/8.
Tên chính thức của bản thỏa thuận là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung, được viết tắt là JCPOA.
Các bên tham gia đàm phán bao gồm cả Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức và Liên hiệp châu Âu vẫn chưa cho biết khi nào có thể nối lại đàm phán.
Tại một cuộc họp báo ở Kuwait, Ngoại trưởng Blinken nói: “Chúng tôi cam kết về ngoại giao, nhưng quá trình này không thể diễn ra vô thời hạn”.
Ông nói: “Sẽ có lúc mà những thành quả đã đạt được nhờ JCPOA không thể khôi phục hoàn toàn được bằng việc quay trở lại JCPOA nếu Iran vẫn cứ tiếp tục các hoạt động mà họ thực hiện liên quan đến chương trình hạt nhân của mình”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói tiếp: “Chúng tôi đã thể hiện rõ ràng thiện chí của mình và mong muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân... Quyết định hiện giờ vẫn nằm ở phía Iran, và chúng tôi sẽ xem xét liệu họ có chuẩn bị đưa ra các quyết định cần thiết để quay trở lại thoả thuận hay không”.
Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề nhà nước của Iran, hôm 28/7 tuyên bố rằng Tehran sẽ không chấp nhận các đòi hỏi “cứng đầu” của Washington trong các cuộc đàm phán hạt nhân và một lần nữa thẳng thừng bác bỏ việc thêm bất kỳ vấn đề nào khác vào thỏa thuận.
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh đã yêu cầu được tham gia vào các cuộc đàm phán và trong bất kỳ thỏa thuận nào nhằm giải quyết “chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và hành vi gây bất ổn trong khu vực”.
Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết trong chuyến thăm Kuwait, ông đã thảo luận về việc tái định cư của các thông dịch viên người Afghanistan.
Nhiều người Afghanistan từng làm việc với lực lượng NATO hiện đang lo ngại bị lực lượng nổi dậy Hồi giáo Taliban trả đũa khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.