Đường dẫn truy cập

Tổng thống tân cử Iran ‘sẽ không gặp Tổng thống Biden’


Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.
Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Tổng thống tân cử Iran ngày 21/6 nói sẽ không gặp Tổng thống Joe Biden hay thương thuyết về chương trình phi đạn đạn đạo của Tehran và việc ủng hộ các dân quân trong vùng, gắn bó với lập trường cứng rắn sau khi chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tuần qua.

Chánh án Tòa án Tối cao Ebrahim Raisi cũng tự mô tả là một “người bênh vực nhân quyền” khi được hỏi về sự dính líu của ông trong vụ xử tử khoảng 5.000 người vào năm 1988. Việc này đánh dấu lần đầu tiên ông xuất hiện trên truyền hình về thời điểm đen tối trong lịch sử Iran vào cuối cuộc chiến Iran-Iraq.

“Mỹ có nghĩa vụ gỡ bỏ tất cả chế tài áp bức chống lại Iran,” ông Raisi nói tại cuộc họp báo đầu tiên sau cuộc bầu cử ngày 18/6.

Ông Raisi, 60 tuổi, ngồi trước một biển micro, hầu hết từ Iran và những nước có dân quân được Tehran ủng hộ.

Trong bình luận lúc đầu, ông có vẻ như căng thẳng nhưng dần dần trở lại bình thường sau một giờ họp báo.

Được hỏi về chương trình phi đạn đạn đạo của Iran và việc ủng hộ dân quân trong vùng, ông Raisi mô tả những vấn đề này là “bất khả thương thuyết.”

Đội máy bay tấn công của Tehran phần lớn có trước cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, buộc Iran phải đầu tư vào phi đạn như một hàng rào chống lại các nước láng giềng Ả Rập, là những nước đã mua hàng tỉ đô la khí tài quân sự của Mỹ trong những năm qua. Những phi đạn này, với tầm bắn giới hạn khoảng 2.000 km, có thể bắn tới Trung Đông và các căn cứ Mỹ trong vùng.

Iran cũng trông cậy vào các dân quân như phiến quân Houthi ở Yemen và nhóm chủ chiến Hezbollah để làm đối trọng chống lại các kẻ thù như Ả Rập Xê-út và Israel.

Về khả năng gặp ông Biden, ông Raisi trả lời dứt khoát: “không”. Đối thủ ôn hòa của ông trong cuộc bầu cử, ông Abdolnasser Hemmati, cho biết trong chiến dịch tranh cử là ông có thể muốn gặp ông Biden.

Tòa Bạch Ốc không đáp ứng ngay với tuyên bố của ông Raisi. Ông Raisi sẽ trở thành Tổng thống tại chức đầu tiên bị chính phủ Mỹ chế tài ngay cả trước khi nhậm chức, một phần vì là người đứng đầu ngành tư pháp bị quốc tế chỉ trích.

Chiến thắng của ông Raisi, được Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei bảo trợ diễn ra giữa lúc cử tri đi bầu thấp nhất trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo. Hàng triệu người Iran ở nhà dể tẩy chay cuộc bỏ phiếu mà họ xem như có lợi cho ông Raisi sau khi một ủy ban dưới quyền ông Khameini bác bỏ các ứng viên cải cách nổi tiếng.

Trong số những người đi bỏ phiếu, có 3,7 triệu người vô tình hay cố ý làm cho phiếu của họ bất hợp lệ, cách xa số lượng chứng kiến trong những cuộc bầu cử trước và cho thấy một số không muốn người nào trong số bốn ứng cử viên cả. Ông Raisi thắng 17,9 triệu phiếu, gần 62% trong tổng số 28,9 triệu cử tri đi bầu. Tehran có 34% cử tri đi bỏ phiếu, thấp hơn nhiều so với những năm trước, với nhiều phòng phiếu tại thủ đô hầu như vắng tanh.

Cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018, gây nên nhiều tháng căng thẳng trong vùng. Để đáp trả, Iran bỏ hạn chế trong thỏa thuận và hiện tinh chế uranium đến 60%, mức cao nhất chưa từng có trước đây, dù vẫn chưa đến mức sản xuất vũ khí. Đại diện các cường quốc thế giới trở về thủ đô nước mình để tham khảo sau vòng đàm phán cuối cùng vào ngày 20/6.

Chiến thắng của ông Raisi nêu lên những quan ngại là có thể làm phức tạp khả năng trở lại thỏa thuận hạt nhân. Trong nhận xét ngày 21/6, ông Raisi gọi việc gỡ bỏ chế tài là “trọng tâm chính sách ngoại giao của chúng tôi” và mạnh mẽ thúc đẩy Mỹ “trở lại và thi hành những cam kết” trong thỏa thuận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG