Ngoại trưởng Thái Lan: chính quyền quân sự Myanmar muốn tổ chức bầu cử vào năm tới.

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa

Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền quân sự Myanmar đã thông báo cho các nước láng giềng về kế hoạch tổ chức bầu cử vào năm tới trong bối cảnh cuộc nội chiến leo thang, bao gồm việc có thể mời các quan sát viên bầu cử nước ngoài, các quan chức Thái Lan cho biết hôm 19/12.

Thái Lan đang đăng cai hai cuộc họp riêng biệt về Myanmar ở khu vực trong tuần này, lần đầu tiên có sự tham gia của năm nước láng giềng với quốc gia bị chiến tranh tàn phá này, gồm cả Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ, sau đó là cuộc họp vào 20/12 của một số thành viên của khối ASEAN.

Trong cuộc họp hôm 19/12, ông Than Swe, ngoại trưởng của chính quyền quân sự, đã vạch ra một lộ trình chính trị và tiến triển trong quá trình chuẩn bị bầu cử, bao gồm điều tra dân số và đăng ký 53 đảng phái chính trị, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa cho biết.

“Ông ấy nói rằng Myanmar có ý định mời các quan sát viên (bầu cử) nước ngoài, chẳng hạn như từ các nước láng giềng,” bà Maris nói với các phóng viên, ý nói ông Than Swe và nói rõ về lời giải thích hiếm hoi của chính quyền quân sự Myanmar với cộng đồng quốc tế.

Myanmar đã rơi vào hỗn loạn kể từ đầu năm 2021 khi quân đội lật đổ chính phủ dân sự do dân bầu ra và đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ sau đó, khơi mào cho cuộc nổi dậy vũ trang trên toàn quốc vốn ngày càng lớn mạnh.

Mặc dù bị đánh tơi tả ở nhiều mặt trận, phải đối phó với nền kinh tế sụp đổ và hàng chục đảng chính trị bị cấm, tập đoàn quân sự nước này đang thúc đẩy tổ chức một cuộc bầu cử vào năm 2025 – động thái đã bị đông đảo những người chỉ trích mỉa mai là giả tạo.

Phản ứng của các nước láng giềng Myanmar đối với kế hoạch bầu cử của chính quyền quân sự ‘nhìn chung là tích cực’, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nói, nhấn mạnh rằng tất cả các nước đều muốn có giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng.

“Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar nói rằng họ mở rộng cánh cửa cho đối thoại chính trị toàn diện,” ông Nikorndej nói thêm.

Mặc dù các nước láng giềng của Myanmar nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục can dự với tập đoàn quân sự, các quan chức Thái Lan cho biết kế hoạch hòa bình ‘Đồng thuận 5 điểm’ của khối ASEAN sẽ vẫn là trọng tâm trong các nỗ lực của khu vực nhằm chấm dứt xung đột.

Một nhóm các thành viên ASEAN, bao gồm nước chủ tịch hiện tại là Lào, cùng với Thái Lan và Malaysia, nước sẽ tiếp quản chức chủ tịch khối vào năm 2025, sẽ gặp nhau tại Bangkok vào ngày 20/12.

“Cuộc thảo luận ngày mai sẽ là thảo luận ở cấp độ ASEAN,” bà Maris nói, “Lào là chủ tọa và tôi sẽ báo cáo kết quả của cuộc họp này.”

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người sẽ lãnh đạo khối vào năm tới, đã mời cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra làm cố vấn riêng của ông.

Là chính trị gia tỷ phú tên tuổi, ông Thaksin, thân phụ của đương kim Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, đã từng muốn có vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Myanmar, truyền thông Thái Lan cho biết.

Các cuộc họp này là nỗ lực của Thái Lan nhằm đóng vai trò nổi bật hơn trong ngoại giao khu vực về vấn đề Myanmar, ông Dulyapak Preecharush, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Thammasat cho biết.

“Thái Lan đã cố gắng lôi kéo các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Myanmar đàm phán với nhau,” ông nói, “Đây sẽ là một phép thử đối với Thái Lan với tư cách nước chủ nhà.”