Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sắp công du Châu Á

  • Scott Stearns

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ du hành tới Á Châu vào tuần sau để thảo luận về những cách thức để ứng phó với một nước Bắc Triều Tiên ngày càng hung hãn. Theo tường thuật của thông tín viên Scott Stearn của đài VOA ở trụ sở Bộ Ngoại giao, Trung Quốc lại một lần nữa đóng một vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tình trạng căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Kerry nói rằng Bắc Triều Tiên vẫn có thể thông qua thương thuyết để thoát khỏi tình trạng bị cộng đồng quốc tế cô lập vì chương trình hạt nhân, tuy Bình Nhưỡng đã đưa ra những lời đe dọa mà ông mô tả là “nguy hiểm và ngang ngược.”

Ông Kerry nói: "Họ có thể trở lại bàn thương thuyết và tham gia đàm phán với tất cả các nước khác, kể cả nước láng giềng gần nhất và nước đối tác hợp tác của họ là Trung Quốc. Đương nhiên là Trung Quốc chia sẻ vị thế “nước láng giềng gần nhất” với Nam Triều Tiên, nhưng họ nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng và là nước lúc nào cũng duy trì một mối quan hệ gần gũi với Bắc Triều Tiên hơn bất kỳ một nước nào khác."

Các nhà phân tích cho rằng cũng vì mối quan hệ gần gũi đó mà Trung Quốc là một yếu tố then chốt trong các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm chấm dứt mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ông Doug Paal, Giám đốc chương trình Á Châu của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington, nói rằng Bắc Triều Tiên lại một lần nữa nằm cao trong nghị trình thảo luận của ngoại trưởng Kerry ở Bắc Kinh.

Ông Paal nói: "Hoa Kỳ hy vọng Trung Quốc sẽ làm nhiều việc để buộc Bắc Triều Tiên phải chú ý, như giảm bớt việc cung ứng năng lượng và lương thực, như khoan thực hiện những dự án đầu tư mới vào Bắc Triều Tiên. Tất cả những việc đó đi ngược với quyền lợi chính yếu của Trung Quốc ở Bắc Triều Tiên là duy trì sự ổn định ở đó. Vì vậy chúng ta có một sự bất đồng rất cơ bản."

Đây là sự bất đồng, mà theo ông Paal, đang được tranh luận một cách sôi nổi hơn bao giờ hết bởi các giới chức và học giả Trung Quốc, kể cả các tướng lãnh trong quân đội và một số giới chức trong chính phủ mới. Trong số các giới chức này có Ngoại trưởng Vương Nghị, người đứng đầu các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại cuộc đàm phán 6 bên với Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga. Ông Paal nói thêm như sau về vị ngoại trưởng mới của Trung Quốc.

Ông Paal cho biết: "Vì vậy ở đây chúng ta có một người có nhiều năng lực, có nhiều hiểu biết và là một người mà ở chốn riêng tư đã sẵn sàng nói tới những chuyện rất cứng rắn về Bắc Triều Tiên, những chuyện mà những người khác trong chính phủ Trung Quốc không muốn nói."

Ông Justin Logan của Viện Cato nói Trung Quốc rất lo ngại về triển vọng một nước Triều Tiên thống nhất và Hoa Kỳ trú đóng binh lính trong khu vực biên giới của họ.

Ông Justin Logan, một nhà phân tích của Viện Cato ở Washington, cho rằng sự ngần ngại của Bắc Kinh một phần là phát xuất từ mối lo ngại của Trung Quốc về những lợi ích mà Hoa Kỳ sẽ có được khi bán đảo Triều Tiên được thống nhất.

Ông Logan nói: "Trung Quốc không công khai nói nhiều về việc này, nhưng họ rất lo ngại về triển vọng một nước Triều Tiên thống nhất và Hoa Kỳ trú đóng binh lính trong khu vực biên giới của họ. Đây là một vấn đề quân sự mà Trung Quốc nghĩ là rất quan trọng."

Cho đến nay, Trung Quốc dường như chia sẻ với Hoa Kỳ sự quan tâm về thái độ hiếu chiến của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Liên hiệp quốc. Họ đã ủng hộ những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn của Liên hiệp quốc và kêu gọi thực hiện lại cuộc đàm phán để giải quyết tranh chấp.

Ông Jim Schoff, cựu chuyên gia Á Châu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, là một nhà phân tích của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie. Ông nói rằng Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nam Triều Tiên có thể đề nghị tiến hành cuộc đàm phán của sĩ quan cấp tướng để thiết lập lại lệnh đình chiến mà Bắc Triều Tiên đã đơn phương rút ra để chứng tỏ là họ sẵn sàng làm cho vụ khủng hoảng leo thang.

Ông Schoff cho biết: "Seoul cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Một số người trong khu vực đã tỏ ý lo ngại là Nam Triều Tiên đang xa lánh Hoa Kỳ và Nhật Bản để xích lại gần hơn với Trung Quốc. Thật ra, đó không phải là một xấu lắm nếu nó giúp cho mối quan hệ với Trung Quốc được cải thiện."

Trung Quốc là nước lúc nào cũng duy trì một mối quan hệ gần gũi với Bắc Triều Tiên.

Ông Schoff cho biết Trung Quốc sẽ nhận được những lợi ích to lớn về kinh tế nếu Bắc Triều Tiên trở thành một nước giàu có.

Ông Schoff nhận xét: "Quả thật là Bắc Triều Tiên hiện nay là một khu ổ chuột hay một ghetto nằm giữa một khu vực vô cùng giàu có và có sức sản xuất cao. Nếu chúng ta tạo ra một cây cầu trên lục địa giữa Hoa Lục với một nước Nam Triều Tiên năng động và nối kết với Nhật Bản và các nước khác, thì khu vực đó sẽ có một tiềm năng kinh tế cực kỳ to lớn đối với vùng đông bắc của Trung Quốc và đối với vùng viễn đông của Nga."

Ông Schoff cho rằng đó là một cơ hội cho Hoa Kỳ trên trường ngoại giao.

Ông nói" "Sự suy nghĩ khác đi về địa chính trị của khu vực đó sẽ có một tiềm năng rất lớn trong tương lai. Đây là một vấn đề rất khó khăn cho Trung Quốc vào lúc này, nhưng có lẽ nó sẽ trở nên dễ dàng hơn trong những năm tháng sắp tới."

Ngoài Bắc Kinh, ngoại trưởng Kerry cũng sẽ đến thăm Seoul và Tokyo trong chuyến du hành vào tuần sau. Trước khi đến Á Châu, ông sẽ đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, phần đất của người Palestine và London.