Cương vị mới của Tô Đại tướng
Ba sự kiện không lường trước liền kề nhau khiến bang giao Mỹ – Việt có phần xáo động. Thứ nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bất ngờ hội đàm với Tổng thống Joe Biden (25/7) tại DC., buộc Ngoại trưởng Antony Blinken phải dự, dẫn đến chuyên cơ chở ông khởi hành sang Á châu chậm lại. Thứ hai, kế hoạch dự lễ tang chính thức cố Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng vào ngày 26/7 tại Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ, vì thế bị hủy bỏ [1]. Sự kiện thứ ba cũng không được tính trước: Thời hạn chót để Mỹ công bố quyết định có gỡ nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ (NME) cho Việt Nam hay không lại trùng với ngày quốc tang tại Hà Nội, cũng rơi vào 26/7. Trong lúc 'bối rối' như thế cả ở Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định hoãn việc công bố. Bộ Thương mại Mỹ thì đưa lý do trì hoãn là vì vấn đề trục trặc công nghệ thông tin từ vụ phần mềm CrowdStrike [2].
Sáng 25 và 26/7/2024 tại Hà Nội, ông Tô Lâm xuất hiện ở lễ tang cố Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng với ba cương vị hàng đầu: Trưởng ban Lễ tang, Trưởng đoàn Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Trưởng đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Tô Đại tướng trở thành nhà lãnh đạo nổi bật, chỉ trong vòng có hai tháng, từ 20/5/2024 đến nay, đã thâu tóm hầu hết quyền lực cả về mặt Đảng lẫn Nhà nước, chưa kể ông còn là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Theo dự đoán của dư luận, cương vị Tổng bí thư hoặc quyền Tổng bí thư sẽ phải được chuẩn thuận thông qua một cuộc bỏ phiếu kín tại cuộc họp bất thường tới đây của BCHTƯ.
Một người vốn gốc gác từ công an, vào ghế Tổng bí thư – nếu như từ nay đến lúc ĐCSVN tiến hành Đại hội 14, Tô Lâm tiếp tục khuynh loát được chính trường Ba Đình như ông đã từng thành công nhiều tháng qua – sẽ là câu chuyện vô tiền khoáng hậu. Và một cách khá ngẫu nhiên, cho đến lúc ấy, ở Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể diễn ra sự đổi ngôi ‘các ông chủ’ cả trong Nhà Trắng lẫn tại Nhà Đỏ. Trong bối cảnh ấy, cuộc hội kiến giữa giới lãnh đạo Hà Nội với Ngoại trưởng Hoa Kỳ cuối tuần qua có ý nghĩa quan trọng.
‘Ngoại giao tang chế’ kiểu Hoa Kỳ
Tối 27/7/2024, tại tư gia Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên con phố nhỏ Thiền Quang, Hà Nội, Ngoại trưởng Antony Blinken, cùng phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng thống Biden bổ nhiệm [3], đã đến thắp hương viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn với bà quả phụ Ngô Thị Mận cùng tang quyến của Tổng bí thư. Ngoại trưởng Blinken đã chuyển lời chia buồn của Tổng thống Joe Biden tới bà Ngô Thị Mận và gia đình trước sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo và quan chức Chính quyền Hoa Kỳ cũng như cá nhân Tổng thống Biden luôn coi Tổng bí thư Trọng là một người bạn, là một đối tác tin cậy.
Nội dung thư chia buồn của Tổng thống Biden gửi Chủ tịch Tô Lâm có đoạn: ‘… Kể từ lần gặp (ông Trọng) đầu tiên tại Washington DC, chúng tôi đã cùng hợp tác để vượt qua đau thương của quá khứ và nắm bắt sự hứa hẹn của tương lai, không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn của cả nhân dân khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tôi rất tự hào được đứng cùng Tổng bí thư trong chuyến thăm tới Hà Nội năm ngoái và cùng nhau mở ra kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai nước. Sự kiện đó minh chứng cho khát vọng chung của nhân dân hai nước chúng ta về hòa bình và thịnh vượng cho tất cả. Đó cũng là minh chứng cho sự quyết tâm của Tổng bí thư trong việc đưa quan hệ hai nước lên mức cao nhất – Đối tác chiến lược toàn diện (CSP). Hoa Kỳ sẽ không quên sự lãnh đạo này của Tổng bí thư. Hoa Kỳ hoàn toàn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, tự cường và độc lập…’ [4].
Các thành viên trong đoàn gồm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper; Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink. Đúng là một nền ‘ngoại giao tang chế’ - à la mode in USA. Bởi lẽ đây chính là ba con người có thể nói là những yếu nhân có vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” trong suốt thời gian qua. Theo Reuters, chuyến thăm ngắn ngủi của Ngoại trưởng Blinken diễn ra vào thời điểm khá nhạy cảm đối với quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam, vốn đã được nâng cấp do có những quan ngại chung về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự quan tâm từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng trung bình 5,8% hàng năm [5].
Trở ngại trong môi trường mới
Các cuộc hội kiến lần lượt giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính với Ngoại trưởng Blinken đã diễn ra tối muộn 27/7 tại Phủ Chủ tịch [6] và Trụ sở Chính phủ [7]. Truyền thông trong nước cập nhật tin tức ngay trong buổi tối muộn ấy. Các bản tường trình đều chứa đựng nhiều nội dung chi tiết về mỗi cuộc tiếp kiến, tập trung từ nội dung thư của ông Biden gửi ban lãnh đạo Việt Nam bàn về di sản của cố Tổng bí thư đến những khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Mỹ (CSP). Không biết vấn đề NME có được nêu ra trong các cuộc gặp này không.
Việc Tô Đại tướng có thể trở thành tân Tổng bí thư, trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa có thông tin kết luận về vấn đề NME sẽ ảnh hưởng chéo thế nào đối với mối bang giao giữa Việt Nam với Hoa Kỳ? Trong trường hợp kết luận của Bộ Thương mại Mỹ là không cấp quy chế kinh tế thị trường, thì liệu Việt Nam sẽ tiếp tục những đối phó tiêu cực đối với Mỹ và phương Tây như năm qua hay kiên nhẫn chờ đợi? Từ một năm nay, giới chuyên gia đã trao đi đổi lại rất nhiều về sự liên đới của hai vấn đề này. Giữa năm 2023, ĐCSVN đã bí mật ban hành Chỉ thị 24 (một bản sao từ Chỉ thị số 9 của ĐCSTQ) nhằm hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, và hạn chế hơn nữa không gian dân sự của mọi công dân Việt Nam [8]. Tháng 11/2023, Việt Nam ban hành tiếp Quyết định 1334 nhằm tận dụng nguồn lực của người Việt, đẩy mạnh sự thâm nhập sâu vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại, tăng cường sự giám sát những người bảo vệ nhân quyền lưu vong và trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến ở nước ngoài [9].
Gần đây hơn, nhiều chuyên gia nhân quyền bày tỏ quan ngại về một viễn cảnh nhân quyền đầy u tối ở trong nước, khi ông Tô Lâm sẽ là người nắm quyền lực cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam [10]. Trường hợp sự trì hoãn quyết định quy chế kinh tế thị trường còn bị kéo dài sau 2/8 và quyết định cuối cùng còn treo cho đến khi nước Mỹ có chính quyền mới, thì dịp này ông Blinken càng phải cố gắng để tìm hiểu chi tiết nhất có thể, về cấu trúc quyền lực chính trị mới, nói chung (nếu có) và về thẩm quyền vừa xác lập nói riêng của dàn lãnh đạo tập thể và cá nhân Chủ tịch nước Tô Lâm, sau sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng [12].
Ai sẽ là đồng minh của Tô Lâm?
David Hutt, nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á (CEIAS) từng tổng kết, hơn 13 năm qua, ông Trọng đã bắt được một số ‘con chuột cống’, nói theo cách ẩn dụ của người Việt. Một số con thực sự ấn tượng, bao gồm cả Ủy viên BCT và BCHTƯ cùng với các quan chức cao cấp khác. Nhưng ‘quốc nạn’ tham nhũng vẫn lan tràn và ông Trọng, trên thực tế, đã khiến cho ‘chiếc bình của Đảng’ trở nên mỏng manh, dễ vỡ hơn bao giờ hết. Trước đây, một số nhà bình luận cho rằng ông Trọng đang trở thành một ‘Tập Cận Bình của Việt Nam’ song ông ấy đã không làm như vậy. Tuy nhiên, việc ông ấy làm xói mòn các chuẩn mực của Đảng Cộng sản và tích tụ quyền lực thái quá để đấu tranh chống tham nhũng đã mở ra cơ hội cho sự xuất hiện một lãnh đạo tối cao, ‘cuộc đảo chính mềm’ của nhà độc tài và một Đảng Cộng sản sẽ ít đa nguyên và ít dựa trên sự đồng thuận hơn [13].
Cuộc chiến của ông Tô Lâm còn tiếp tục và hứa hẹn nhiều pha gay cấn. Con người được cho là có quyền lực lớn nhất hiện nay ở Việt Nam, cũng là con người mà dư luận cho là tác giả của nhiều vụ trấn áp đáng bị lên án, từ tham nhũng đến trấn áp các lực lượng đấu tranh cho dân chủ. Chuẩn bị để bước lên nấc thang cuối cùng trước cửu trùng, hẳn nhiên, Tô Lâm vẫn còn cần đồng minh, ngoài các thúc thủ, Tô Đại tướng đã tấn phong lên hầu hết các vị trí xung yếu nhất trong hệ thống độc đảng. Từ Nguyễn Duy Ngọc đến Lương Tam Quang, từ Đinh Văn Nơi đến Vũ Hồng Văn… Đấy là chưa kể nhiều ‘vị trí bí mật khác’ trong một ‘nhà nước ngầm’. Tuy nhiên, có thể cũng đến lúc Tô Lâm bắt đầu nhận ra rằng, đi tiếp con đường của cố Tổng bí thư chưa hẳn đã là một ‘lộ đồ tối ưu’ trong hoàn cảnh ông cũng đang đối mặt với ‘tứ bề thọ địch’, trong cả nội trị lẫn ngoại giao.
Hẳn Tô Đại tướng đã cho nghiên cứu rất kỹ nguyên nhân sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô và Đông Âu trước đây, đã bị ‘lũ quét và lũ ống’ cuốn phăng vào đêm tối lịch sử. Bản chất của độc tài vốn dị ứng với mọi thay đổi, nhưng Tô Lâm được phương Tây dán nhãn là ‘nhà độc tài thức thời’, ‘nhà toàn trị thực dụng’ [13]. Liệu đã đến lúc viễn kiến của ông cần ‘hạ cố’ đến mạng lưới ‘xã hội dân sự’ và ‘báo chí phản biện’? Ông có tính chuyển hóa mạng lưới ấy thành những tai mắt giúp ông cai trị hiệu quả cả trăm triệu dân Việt tộc theo cách mà đa phần thế giới văn minh đang cai quản xứ sở họ? Còng số tám thì ông có thể cho sản xuất thả dàn, nhưng nhà tù trên dải đất CHXHCN Việt Nam thì đã chật lắm rồi. Hơn nữa, ông nên lưu danh vào sử sách là nhà lãnh đạo các công dân, chứ không phải làm ông chủ tại các ‘trại súc vật’. Sự lựa chọn thật ngặt nghèo, nhưng Tô Đại tướng không thể lãnh đạo một đất nước có ngàn năm văn hiến, nhưng cuối đời lại mang danh là ‘người Môhican cuối cùng’. Chúc ông có được một viễn kiến khác cố Tổng bí thư của ông! Lịch sử sẽ rất công minh! ‘Trăm năm bia đá cũng mòn…’
Tham khảo:
[1] https://www.thejakartapost.com/world/2024/07/25/blinken-delays-asia-tour-for-netanyahu-visit.html
[10] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/to-lam-human-rights-violation-07242024140733.html
[13] https://asia.nikkei.com/Opinion/Why-To-Lam-s-pragmatic-authoritarianism-will-be-good-for-Vietnam