Hôm 18/7, một nghiên cứu cho thấy nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra khiến Đức thiệt hại ít nhất 6,6 tỷ euro (6,69 tỷ đôla) hàng năm trong hai thập kỷ qua, với một số đợt nghiêm trọng gây thiệt hại lên tới hàng chục tỷ euro, theo Reuters.
Nghiên cứu của công ty nghiên cứu kinh tế Prognos được đưa ra trong bối cảnh các nhà chức trách trên khắp châu Âu đang dốc sức để kiểm soát các trận cháy rừng khổng lồ, với hàng trăm người chết được cho là do nhiệt độ tăng cao mà các nhà khoa học cho rằng do biến đổi khí hậu.
Các bộ kinh tế và môi trường của Đức trích dẫn nghiên cứu cho thấy lũ lụt ở các bang Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia vào năm 2021 gây thiệt hại hơn 40 tỷ euro, và kết hợp với mùa hè nóng nực vào các năm 2018 và 2019 khiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu thiệt hại 80 tỷ euro.
Các tác giả nghiên cứu cho biết ước tính thiệt hại kể từ năm 2000 có thể còn cao hơn do các sự kiện riêng lẻ chưa được kiểm tra và các tác động không thể xác định được như ảnh hưởng đến sức khỏe và ảnh hưởng đối với sự đa dạng sinh học.
Trong năm 2018 và 2019, rừng và nông nghiệp của Đức phải chịu thiệt hại 25,6 tỷ euro do sóng nhiệt và hạn hán, bên cạnh 9 tỷ euro thiệt hại do năng suất lao động thấp hơn trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke cho biết những con số mà nghiên cứu đưa ra là đáng báo động.
Bà Lemke nói: “Chúng ta phải và chúng ta sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc bảo vệ khí hậu và thích ứng với khí hậu để bảo vệ dân cư của chúng ta tốt hơn”.
Với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2045, chính phủ Đức đã tăng cường các nỗ lực bảo vệ khí hậu với những cải cách sâu rộng cho lĩnh vực tiện ích và trên các ngành sản xuất, tòa nhà, giao thông và nông nghiệp.