Đường dẫn truy cập

LHQ: Thảm họa toàn cầu khiến khó đạt các mục tiêu phát triển bền vững


Thực thẩm cứu trợ ở Nam Sudan.
Thực thẩm cứu trợ ở Nam Sudan.

Báo cáo Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc năm 2022 cảnh báo các cuộc khủng hoảng và thảm họa toàn cầu đang khiến việc đạt được 17 mục tiêu được các quốc gia thành viên LHQ thông qua vào cuối 2015 vô cùng khó khăn, theo VOA News.

Thông tin trong báo cáo, được công bố trong tuần này, từ hơn 200 quốc gia cho thấy dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu và xung đột gia tăng đang có tác động nghiêm trọng đến các nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng như cải thiện sức khỏe và an ninh toàn cầu.

Trợ lý Giám đốc Bộ phận Thống kê LHQ Francesca Perucci cho biết dịch bệnh COVID-19 đã xóa sổ thành quả của hơn 4 năm trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bà cho biết đại dịch đã khiến thêm 93 triệu người lâm vào cảnh nghèo cùng cực, và nhiều người khác rơi vào cảnh đói khát cấp bách.

Bà cho biết sự gia tăng số lượng và sự lan rộng toàn cầu của các cuộc xung đột, lớn nhất kể từ năm 1946, đã buộc hơn 100 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt, tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, thị trường tài chính chao đảo, đồng thời đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu và các dòng viện trợ. Nhân loại cũng đang ở bên bờ vực của một thảm họa khí hậu với những tác động đã được chứng kiến và cảm nhận bởi hàng tỷ người trên thế giới”, bà Perucci nói.

Bà cho biết những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất sẽ cảm nhận rõ tác động của các cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

“Phụ nữ phải vật lộn với những ràng buộc của việc mất việc làm và sinh kế, việc học hành sa sút và gánh nặng gia tăng của công việc chăm sóc không được trả công tại nhà. Trong khi đó, các bằng chứng hiện có cho thấy bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch lao động trẻ em và tảo hôn đang gia tăng,” quan chức của LHQ nói.

Các quan chức LHQ cho biết giải pháp cho các vấn đề này là tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của sự gia tăng bất bình đẳng.

Họ nói rằng đầu tư vào năng lượng sạch có thể cải thiện cơ hội giảm bớt sự nóng lên toàn cầu và nhấn mạnh nhu cầu hành động tập thể và cam kết chính trị.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG