Ngày tàn của sách

Ngày tàn của sách

Đối với những người mê sách, thích lân la ở các tiệm sách và thích ngắm các cuốn sách bày trên kệ sách nhà mình, tin tức họ nhận được trên báo chí trong mấy năm vừa qua hầu như đều là tin xấu. Hết tiệm sách này đóng cửa đến tiệm sách khác bị đóng cửa. Có khi đóng cửa hàng loạt. Nhiều hiệu sách vốn có truyền thống hoạt động rất mạnh, với hàng ngàn chi nhánh rải rác khắp nơi trên thế giới, cũng bắt đầu thu hẹp lại kèm theo những lời than thở về lỗ lã hoặc những lời cảnh báo về nguy cơ bị phá sản.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Buôn bán lẻ Liên bang Úc, Nick Sherry, còn tiên đoán là các hiệu sách vốn quen thuộc với nhân loại từ cả mấy trăm năm nay sẽ lần lượt biến mất trong vòng năm năm tới. Lúc ấy, mỗi thành phố lớn có lẽ chỉ còn rơi rớt lại vài ba tiệm, chủ yếu dành cho các chuyên gia hoặc những người già lão và hoài cổ muốn đến đó để ngửi mùi giấy và mực.

Lời cảnh báo ấy dĩ nhiên bị nhiều người phản đối, hoặc, ít nhất, hoài nghi. Một người bạn của tôi, dạy ngành Á châu học, khăng khăng không tin chuyện ấy và khăng khăng muốn làm người cuối cùng trung thành với các tiệm sách. Anh kể tuần nào anh cũng đến các tiệm sách. Và anh kể, anh chỉ có thể chọn sách sau khi đã cầm cuốn sách trên tay, nhìn ngắm không những mục lục ở đầu cũng như tài liệu tham khảo ở cuối mà còn cả cách trình bày, loại giấy in và kiểu chữ nữa. Với anh, chọn mua một cuốn sách là chọn một người bạn, cần có sự đồng điệu toàn diện.

Tôi hiểu tâm trạng của anh. Nhưng thành thực mà nói, tôi không tin. Tôi cho tất cả chỉ là thói quen. Mà thói quen thì có thể thay đổi được. Chỉ có vấn đề là thời gian mà thôi.

Bản thân tôi đã từng có kinh nghiệm về việc ấy. Nhớ, năm 1991, từ Pháp sang Úc, bước vào thư viện ở các trường đại học, tôi khựng lại khá lâu trước các bảng thư mục trên computer. Ở Pháp dạo ấy phần lớn các thư viện vẫn còn sử dụng loại thư mục bằng thẻ được sắp nghẹt cứng trong các hộc tủ. Để lựa sách, mân mê các tấm thẻ cũ kỹ ấy là một cái thú. Sang Úc, nhìn thư mục trên màn ảnh computer, thấy nó vô hồn và xa lạ thế nào. Một thời gian, tôi cảm thấy ghét cay ghét đắng các thư mục trên màn ảnh ấy. Thay vì tìm sách trên thư mục, tôi bỏ thì giờ la cà trước các kệ sách. Hết dòm cuốn này đến dòm cuốn khác. Lật cuốn này xem mục lục rồi lại lật cuốn khác xem tài liệu tham khảo. Tôi biến cái công việc rất mất thì giờ ấy thành một cái thú. Hễ có thì giờ rảnh là tôi lại lên thư viện. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được như thế. Khi cần gấp một tài liệu mới và lạ thì cũng phải chịu khó lục ở thư mục trên computer. Riết, thành quen. Tôi quen, rồi sau đó, quên dần cái vẻ vô hồn đáng ghét của màn ảnh. Chỉ thấy nó tiện. Sau đó, tôi chỉ tìm sách trên thư mục online.

Việc mua sách cũng thế. Lúc đầu cũng lân la ở các tiệm sách. Sau, làm quen với kho sách trên Amazon. Dần dần mới phát hiện là không có tiệm sách nào lớn và rẻ bằng “tiệm” Amazon cả. Từ mấy năm nay, hầu như lúc nào tôi cũng mua sách trên Amazon. Bởi vậy, ít nhất với riêng tôi, việc đóng cửa của các tiệm sách trong thành phố không hề ảnh hưởng gì cả. Và cũng không hề khuấy động một cảm giác gì.
Mà, có lẽ không phải chỉ với tôi. Các con số thống kê thuộc nhiều lãnh vực khác nhau cho thấy việc mua bán online càng ngày càng phổ biến. Có người còn cho nó đang đe dọa trước tiên đến mọi ngành buôn bán lẻ ở các quốc gia giàu có.

Riêng trong kỹ nghệ sách, điều đó lại càng rõ. Sách bán trên internet không những phong phú, đa dạng mà còn rẻ nữa. Mới đây, nhiều tiệm sách lớn ở Mỹ chủ trương bán vé trong các dịp tổ chức ra mắt sách hoặc gặp gỡ giới cầm bút ở các tiệm sách của họ. Trước, đó là các cơ hội để quảng cáo và bán sách. Người ta đến mua sách, nghe tác giả nói chuyện và xin chữ ký tác giả để làm kỷ niệm. Sau, nhân viên bán sách phát hiện một hiện tượng càng ngày càng phổ biến: rất nhiều người đến gặp tác giả rồi dùng điện thoại di động chụp hình bìa sách rồi về nhà, mở computer để mua sách online, chủ yếu trên Amazon!

“Nhà sách” online Amazon ra đời từ năm 1995. Lúc đầu chỉ bán sách in. Từ tháng 11 năm 2007, họ bắt đầu bán sách điện tử. Đến nay, họ đã có khoảng một triệu đầu sách điện tử như thế, trong đó có cả những cuốn được xếp vào loại ăn khách nhất ở Mỹ. Số sách điện tử càng ngày càng được ưa chuộng. Đầu năm 2011, lần đầu tiên số lượng sách điện tử được bán nhiều hơn hẳn loại sách in. Ví dụ, vào tháng 4, 2011, cứ mỗi 100 cuốn sách in thì người ta bán được đến 105 cuốn sách điện tử.

Nhìn một cách tổng quát, thị trường sách bán qua internet hiện nay mới chỉ chiếm khoảng vài phần trăm thị trường sách nói chung. Nhưng các chuyên gia tiên đoán, với tốc độ phát triển của hệ thống phát hành online mấy năm vừa qua, tình hình này sẽ khác hẳn trong vài năm tới.

Đó là chuyện trên thế giới. Còn Việt Nam thì sao?

Ở Việt Nam, theo chỗ tôi được biết, các nhà sách vẫn còn hoạt động khá mạnh. Đó là điều đáng mừng. Nhưng tin mừng ấy lại không bảo đảm được gì cho tương lai cả. Khi nào ở Việt Nam kinh tế phát triển hơn, internet phổ biến hơn, tình hình sẽ khác. Như ở mọi nơi khác mà thôi. Riêng ở hải ngoại thì chúng ta đã và đang chứng kiến cảnh tàn lụi nhanh chóng của các tiệm sách tiếng Việt. Hết tiệm này đến tiệm khác lần lượt đóng cửa. Ở đâu cũng thế. Mỹ. Úc. Pháp. Canada. Ở bất cứ đâu có người Việt định cư.

Với độc giả Tây phương, việc đóng cửa các hiệu sách được thay thế bằng Amazon và các dịch vụ bán sách online khác. Còn với độc giả Việt Nam thì sao?
Cho đến nay, rất tiếc, chỉ là một khoảng trống.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.