Đường dẫn truy cập

eBook tiếng Việt


eBook tiếng Việt
eBook tiếng Việt

Thật ra, sau “ngày tàn của sách” thì cũng chỉ là sách thôi. Chỉ có điều, sách, lúc ấy, thay đổi hẳn hình dạng. Nhưng dù sao, nó vẫn là sách. Do đó, không có gì đáng phải bi quan.

Sách điện tử (ebook), đặc biệt bằng tiếng Anh, hiện nay rất phổ biến trên thế giới. Với những người quen sử dụng Kindle hoặc Ipad, hai công cụ chính để đọc sách điện tử, hình thức sách mới này không khác bao nhiêu so với sách in theo lối truyền thống. Chỉ không có giấy thôi. Thay vào đó là màn ảnh. Nhưng trên màn ảnh ấy, sách vẫn là sách. Trên Ipad, người ta có thể thấy cả hình ảnh các cuốn sách được bày trên kệ gỗ; mỗi cuốn đều có gáy. Người ta vẫn có thể lấy tay lật từng trang, từng trang. Khi lật, người ta vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh trang giấy đang lăn từ trái sang phải. Màu giấy và sắc mực đều y như sách thật. Mà chúng còn tiện lợi hơn cả sách thật. Lợi, thứ nhất là không gian: trong một cái máy Kindle hay Ipad nhỏ xíu chỉ bằng một cuốn sách mỏng dưới một trăm trang, chúng ta có thể chứa cả một thư viện gia đình. Lợi nữa, vì chúng ta có thể đánh dấu và ghi chú bất cứ nơi nào mình muốn.

Tuy nhiên, vấn đề là, cho đến nay, hầu hết sách điện tử đều bằng các ngôn ngữ Tây phương, chủ yếu là bằng tiếng Anh.

Còn sách điện tử bằng tiếng Việt thì sao?

Sách tiếng Việt được số hóa (digitalized) kể cũng nhiều. Số hóa dưới hai hình thức: hoặc người ta chịu khó đánh máy lại hoặc người ta chỉ chụp (scan) rồi đưa lên mạng. Nhưng đó chỉ là dạng thô sơ của sách điện tử. Chúng chưa thực sự là sách điện tử theo nghĩa là ebook đang được sử dụng hiện nay: chúng có hình thức y như sách in. Chỉ khác ở môi trường hiện hữu: điện tử.

Nhớ, vào cuối năm ngoái, trong một bữa ăn tối với một số bạn bè văn nghệ nhân dịp Hoàng Ngọc-Tuấn và tôi qua California chơi, nhà văn Phùng Nguyễn say sưa nói về dự án làm sách điện tử. Anh xuất phát từ một thao thức chung rất dễ được mọi người chia sẻ: hiện nay người viết, nhất là người viết ở hải ngoại, xa cách với độc giả quá. Độc giả, hoặc sống ở Việt Nam, không những xa cách về địa lý mà còn bị ngăn cách bởi rào cản ý thức hệ và chính trị; hoặc sống tản mác ở nhiều quốc gia trên thế giới, ở mỗi quốc gia, sống ở nhiều địa phương khác nhau, ở mỗi địa phương, thường co cụm trong từng khu vực. Họ muốn mua sách cũng không phải dễ. Phùng Nguyễn đặt vấn đề: Tại sao người viết không tìm cách vượt qua các biên giới địa lý và chính trị để đến với độc giả?

Bằng cách nào?

Anh đáp: Bằng sách điện tử!

Đó là lần thứ hai tôi gặp Phùng Nguyễn. Lần nào cũng chỉ thoáng qua. Nhưng tôi biết anh từ lâu. Biết anh không phải với tư cách một nhà văn, tác giả của hai tập truyện ngắn Tháp ký ức (1998) và Đêm Oakland và những truyện khác (2001). Mà còn với tư cách một chuyên viên về computer. Tôi không biết trong giới cầm bút Việt Nam ở hải ngoại, Phùng Nguyễn có phải là người giỏi về computer nhất hay không. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: ít nhất ở hải ngoại, không có nhà văn hay nhà thơ này say sưa và nhiều nhiệt tình trong việc ứng dụng các kỹ thuật truyền thông hiện đại vào sinh hoạt văn học như anh. Còn nhớ, những năm 1998-2001, lúc tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn đang làm tạp chí Việt ở Úc, Phùng Nguyễn đã đề nghị lập một website để đưa Việt lên mạng giùm. Anh nói: Để nhiều người ở xa có thể đọc được. Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Trước đó, cũng như sau đó, tôi biết Phùng Nguyễn từng thiết kế giúp cho bạn bè nhiều trang web tương tự. Anh làm, nhiệt tình, cần mẫn và lặng lẽ. Trên các trang web do anh thực hiện, anh không ghi tên. Ai biết thì biết; không thì thôi. Anh chỉ muốn mang kiến thức trong nghề giúp đỡ anh em quảng bá tác phẩm.

Biết thế, cho nên tôi không có ngạc nhiên chút nào khi nghe Phùng Nguyễn say sưa nói về dự án làm sách điện tử của anh. Lúc đầu, thú thực, tôi không mặn mà lắm. Tôi nghĩ con đường đến với sách điện tử của độc giả Việt Nam còn lắm gập ghềnh. Thứ nhất, số người Việt Nam quen sử dụng internet để đọc văn chương chưa nhiều. Thứ hai, số người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sách điện tử lại càng không nhiều. Với người Việt Nam, internet chủ yếu vẫn là những cái để đọc chùa.

Nhưng Phùng Nguyễn thì vẫn không nản. Anh vẫn miệt mài nghiên cứu. Đầu năm 2011, trong thời gian ở Việt Nam để lo chuyện nhà, anh vẫn loay hoay suy nghĩ về chuyện sách điện tử và, khi hoàn tất bản thảo bài “Cách mạng ebook”, anh gửi cho tôi xem trước. http://damau.org/archives/19535 Anh lại tiếp tục đề cập đến dự án sách điện tử bằng tiếng Việt. Cuối cùng, vào giữa tháng 6 năm 2001, giấc mơ của anh đã biến thành hiện thực. Trên hai tờ báo mạng Da Màu và Tiền Vệ, người ta bắt gặp mẩu thông báo ngắn này:

“Trung tâm ấn hành eBook Kệ Sách với phương châm ‘mang tác phẩm đến tận tay người đọc’ đã chính thức mở cửa. Đợt ebook đầu tiên gồm 12 tác phẩm giá trị của các tác giả quen thuộc trong và ngoài nước. Các ebook này nằm trong chương trình “ebook miễn phí” dành cho bạn đọc cư ngụ tại Việt Nam và không có điều kiện mua ebook bằng thẻ tín dụng. Xin mời tác giả và bạn đọc ghé thăm để biết thêm chi tiết về các dịch vụ liên quan đến xuất bản và phát hành ebook nhằm phục vụ tác giả và độc giả Việt Nam trong và ngoài nước: http://kesach.org”

Vào trang hhp://kesach.org, người ta thấy lời giới thiệu “Trung tâm Ấn hành eBook Kệ sách” như sau:

Trung tâm Ấn hành eBook Kệ Sách là một tổ chức độc lập và phi lợi nhuận. Hoạt động chính của Kệ Sách là tuyển chọn và ấn hành các tác phẩm văn chương Việt Nam trong định dạng ebook.

Mục tiêu chính của Kệ Sách:

• Tạo điều kiện cho các tác phẩm văn học giá trị của tác giả Việt Nam đến tay bạn đọc mà không phải kinh qua bất cứ hệ thống kiểm duyệt nào xuyên qua việc ấn hành và phân phối các tác phẩm này trong dạng ebook

• Tạo điều kiện thuận tiện cho một nền văn hóa đọc Việt ngữ mới áp dụng các thiết bị và chương trình ứng dụng dành cho ebook, vốn là một yêu cầu tất yếu cho việc thưởng ngoạn nền văn chương số và số hóa ngày càng phổ biến trên khắp thế giới

• Tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả trong nước đọc các tác phẩm Việt ngữ với nội dung toàn vẹn và “trung thực” nhất của chúng, gởi đến trực tiếp bởi chính ngòi bút của tác giả

Tác phẩm do Kệ Sách xuất bản và phát hành sẽ không phải chịu sự kiểm duyệt dưới bất cứ hình thức nào. Tuy nhiên, để gìn giữ phẩm chất văn học, tác phẩm sẽ được thẩm định và chọn lựa bởi một ban tuyển đọc mà thành phần gồm các tác giả uy tín do Kệ Sách mời cộng tác.

Sinh hoạt của Trung tâm ấn/phát hành ebook Kệ Sách hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của nhóm Chủ trương và ban Tuyển Đọc và thân hữu, kể cả đóng góp tài chánh. Để xây dựng và phát triển, Kệ Sách nhất định sẽ cần đến cống hiến từ tác giả và bạn đọc.

Ban Điều Hành
Phùng Nguyễn
Lưu Diệu Vân
Vi Lãng
webmaster: Quỳnh Loan

Trước mắt, xin mời quý bạn đọc vào trang http://kesach.org xem cho biết tình hình.
Chuyện mua hay không mua sách điện tử, tính sau.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG