Ngân hàng BRICS: Ðối thủ cạnh tranh của IMF?

Các nhà lãnh đạo khối BRICS gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, công bố thành lập một ngân hàng phát triển mới với số vốn 100 tỷ đôla.

Tháng trước, các quốc gia được biết tới như là khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, công bố thành lập một ngân hàng phát triển mới với số vốn 100 tỷ đô la. Dự án này nhằm cho các nước đang phát triển vay tiền để đầu tư, tương tự như cách Quỹ Tiền Tệ Thế Giới IMF do Mỹ và Châu Âu hậu thuẫn và Ngân Hàng Thế Giới hoạt động. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Vào tháng 7, các nhà lãnh đạo BRICS công bố thành lập “Ngân Hàng Phát Triển Mới” (có tên tiếng Anh gọi tắt là NDB) mà họ nói rằng sẽ giúp tăng cường tiếp cận vốn và cải thiện mức sống.

Giáo sư Lưu Hải Phương của Trung Tâm Nghiên Cứu Phi châu thuộc trường Đại Học Bắc Kinh nói ngân hàng này sẽ cung cấp cho các nước phát triển nhiều lựa chọn tài chính hơn.

Ông Lưu nói: “Cuối cùng thì họ cũng đã có các nguồn để lựa chọn cho việc cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng và các nguồn vay này không kèm thêm điều kiện. Do đó đối với tôi nó có tính tượng trưng ở khía cạnh ý nghĩa chính trị, nó có nghĩa rằng toàn bộ trật tự thế giới này không bị thâu tóm bởi một thế lực. Nó không phải là một thế giới mà trung tâm là phương Tây. Nó là một thế giới có nhiều cực. Các nước châu Phi tìm nguồn tài chính không nhất thiết phải tuân theo luật lệ của các nước phát triển.”

Các “luật lệ của thế giới phát triển” mà ông Lưu nói tới là các điều kiện mà IMF đặt ra để đổi lấy sự tiếp cận các nguồn vốn vay. Thay vì đưa ra các khoản thế chấp, các chính phủ phải theo các chính sách kinh tế do IMF để ra.

Trụ sở chính của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Washington, D.C.

Các quốc gia BRICS chiếm 40% dân số thế giới và 20% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, họ bị ngăn không được có các quyền bầu cử lớn hơn ở IMF, phần lớn là do sự phản đối của quốc hội Mỹ.

Một số nhà quan sát nhìn nhận ngân hàng mới như là một đối thủ cạnh tranh của IMF và Ngân Hàng Thế Giới vì nó sẽ cấp vốn cho các nước đang phát triển để xây dựng cơ sở hạ tầng và củng cố nền kinh tế để đối phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng.

Các nước trong khối BRICS cũng lên kế hoạch lập một quỹ dự trữ trong đó Trung Quốc đóng góp phần lớn – 41 tỷ đô la Mỹ. Ông Matt Ferchen của Trung Tâm Carnegie Thanh Hoa về Chính Sách Toàn Cầu nói quỹ này là một hình thái vững chắc cho hợp tác đa chiều và mặc dù thế lực kinh tế đang lên của Trung Quốc, họ muốn được coi là một người chơi công bằng trong việc thành lập ngân hàng và các quyết định tài chính.

Ông Ferchen cho biết: “Trung Quốc có những tuyên bố bề ngoài về phương diện chính sách ngoại giao và đặc biệt là khi nói đến sự hợp tác của Trung Quốc với các nước đang phát triển, rằng Trung Quốc không can dự vào chính trị nội bộ của các nước khác, rằng Trung Quốc tôn trọng hệ thống kinh tế và chính trị quốc nội của các quốc gia khác, theo cách họ muốn được nhìn nhận là khác với Ngân Hàng Thế Giới, IMF, hoặc các quốc gia khác như Hoa Kỳ.”

'Ngân Hàng Phát Triển Mới' sẽ có trụ sở chính ở Thượng Hải và có giám đốc kinh doanh đầu tiên là người Ấn Độ.

Ngân Hàng Phát Triển Mới sẽ có trụ sở chính ở Thượng Hải và có giám đốc kinh doanh đầu tiên là người Ấn Độ. Những người có thái độ hoài nghi nói ngân hàng đang đối mặt với các thách thức về việc liệu các nước cho vay có dùng ngân hàng để thúc đẩy cho các lợi ích riêng tư của họ hay không.

Nhưng với sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, nhiều người hy vọng nó có thể trở thành một thế lực quốc tế hùng mạnh. Nó có thể giúp đẩy mạnh các ngoại tệ khác, như đổng nhân dân tệ của Trung Quốc, như là một sự lựa chọn khác cho hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay đang bị đồng đô la Mỹ chi phối.

Ông Mathur nói: “Khi càng ngày càng có nhiều các sự kiện địa chính trị xảy ra, như Iran, Ukraine, và bạn biết đấy, càng nhiều đồng đô la được sử dụng thì Mỹ càng có nhiều quyền hành lên cơ chế tài chính. Nhưng trong một cơ chế đa tiền tệ, Mỹ sẽ mất sự kiểm soát đó và các nước khác sẽ vẫn kiểm soát được tiền tệ của họ để có thể tiếp tục tiến hành thương mại mà không bị trừng phạt.”

Một bộ phận khác ngân hàng vẫn cần phải có được sự phê chuẩn của các cơ quan lập pháp của các nước liên hệ. Các quan chức nói họ hy vọng sẽ bắt đầu cho vay vào năm 2016.