Khối BRICS vừa loan báo thành lập một ngân hàng mới để hỗ trợ cho công cuộc giảm thiểu nghèo túng trên thế giới. Tổ chức có tên Ngân hàng Phát triển Mới được xem là một nỗ lực của năm nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nhằm thay thế Ngân hàng Thế giới và phát huy ảnh hưởng của khối này trong hệ thống tài chánh toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo của năm nền kinh tế lớn thuộc thế giới đang phát triển, thường được gọi là khối BRICS, hôm thứ Ba đã loan báo việc thành lập một ngân hàng mới tại hội nghị thượng đỉnh hai ngày ở thành phố Fortaleza của Brazil.
Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) có vốn ban đầu là 50 tỉ đô la, với khoản góp vốn của mỗi nước đồng đều nhau. Theo dự liệu, khoản cho vay đầu tiên của ngân hàng sẽ được thực hiện vào năm 2016.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã phát biểu như sau khi loan báo việc thành lập ngân hàng.
"Tính chất lịch sử của hội nghị thượng đỉnh này của chúng ta có thể được chứng tỏ bởi những thỏa thuận mà chúng ta đã ký kết. Khối BRICS đã có được vị thế chính trị quan trọng và thể hiện vai trò của mình trên trường quốc tế."
Khối BRICS cũng loan báo thành lập một quỹ dự phòng khẩn cấp 100 tỉ đô la như một quỹ thay thế cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Không giống như tỉ lệ góp vốn đồng đều cho Ngân hàng Phát triển Mới, Trung Quốc sẽ góp 41 tỉ, Nam Phi góp 5 tỉ và Brazil, Ấn Độ và Nga mỗi nước góp 18 tỉ cho Quỹ dự phòng khẩn cấp.
Các nền kinh tế đang phát triển này lâu nay vẫn cho rằng Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế do Tây phương nắm quyền kiểm soát cần phải được cải cách.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế bị chỉ trích là thường đưa ra những đòi hỏi quá đáng cho những nước muốn nhận sự trợ giúp của họ. Một số người cũng tố cáo là Quốc hội Mỹ không muốn cung cấp những ngân khoản phụ trội cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giúp đỡ các nước nghèo trên thế giới.
Trụ sở chính của ngân hàng của khối BRICS sẽ được đặt tại Thượng Hải. Thống đốc đầu tiên của ngân hàng sẽ là người Ấn Độ trong khi người giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị sẽ là người Brazil.