Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã khép lại hai ngày đàm phán tại Bắc Kinh bao gồm các cuộc thảo luận về an ninh mạng, kiểm soát tiền tệ, và tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Thông tín viên VOA Scott Stearns tường thuật
Vào lúc các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất nhiều hàng hóa hơn để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, Trung Quốc đồng ý bớt can thiệp vào thị trường tiền tệ của mình.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên phát biểu:
"Chúng tôi sẽ để liên hệ cung-cầu của thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc ấn định tỷ giá hối đoái, mở rộng biên độ thả nổi và tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái."
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói rằng đây là một thắng lợi cho cả hai nước. Ông nhận định:
"Điều này cơ bản là về sự công bằng của hệ thống mậu dịch và cơ hội để người lao động và các công ty Mỹ cạnh tranh công bằng, và sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc được phản ánh trong đồng nội tệ được định giá công bằng."
Tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế này, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng thảo luận về vấn đề an ninh mạng sau khi Mỹ khởi tố 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc về tội hoạt động gián điệp trong không gian mạng. Ngoại trưởng John Kerry nói:
"Mất mát tài sản trí tuệ thông qua mạng có ảnh hưởng tiêu cực đến cải tiến và đầu tư. Những vụ đánh cắp trên mạng đã gây hại cho doanh nghiệp của chúng tôi và đe dọa khả năng cạnh tranh của quốc gia chúng tôi."
Gián điệp mạng là chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc khi sức mạnh sản xuất của nước này vượt quá tốc độ cải tiến, theo lời giáo sư Đại học American Hillary Mann Leverett:
"Trung Quốc ngày nay chưa phải là nước có thể đưa ra sáng kiến. Mặc dù họ đang cố gắng nhưng vẫn chưa đạt tới trình độ đó. Và do đó, Trung Quốc phần nào xem Mỹ là nước chỉ biết thúc đẩy lợi thế của mình và không cho phép Trung Quốc sao chép, rồi hoàn thiện, cải tiến, và học cải tiến theo cách đó."
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng thảo luận về những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh ở Biển Đông, nơi mà Việt Nam nói tàu tuần tra của mình bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Giải quyết những tranh chấp này một cách hòa bình phải là một phần trong việc định hình mối quan hệ đối tác mới giữa Washington và Bắc Kinh, theo lời Ngoại trưởng Kerry:
"Mối quan hệ đó sẽ không được định hình bằng việc chúng ta phân chia khu vực và phạm vi ảnh hưởng. Mối quan hệ đó sẽ được định hình bằng việc cả hai nước ủng hộ những tiêu chuẩn hành xử và hoạt động toàn cầu, đã bảo vệ những giá trị và lợi ích mà chúng ta dựa vào đó làm việc từ nhiều năm qua, và những chuẩn mực hành xử quốc tế."
Việt Nam đang làm việc với Philippines về thách thức pháp lý đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh nói kế hoạch khoan khí đốt thiên nhiên của Philippines là "bất hợp pháp." Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói:
"Bất kỳ công ty nước ngoài, nếu không được Trung Quốc cho phép, thăm dò dầu khí ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc đều là bất hợp pháp và vô giá trị."
Trong khi Mỹ đang giúp nâng cấp hải quân Philippines, Washington cho biết họ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông.