Tại một diễn đàn dành cho giới trẻ gần khu vực Moscow vào tuần trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng truyền thông phương Tây nhận mệnh lệnh và “những tin tức sai lệch được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp” từ các cơ quan tình báo.
Phát biểu của ông Peskov không chỉ sai sự thật mà còn là một ví dụ về chuyện “làm rồi đổ thừa cho người khác”, nghĩa là kẻ gây hấn buộc tội người khác thực hiện hành động mà kẻ đó đang làm.
Ông Peskov nói rằng phương Tây có “rất nhiều nhà báo tài năng”, nhưng “kể từ khi họ phát động cuộc chiến này chống lại chúng ta, họ hoàn toàn sống trong tình trạng bị quân đội kiểm duyệt.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích truyền thông đã ghi lại cách mà chính Nga, chứ không phải các chính phủ phương Tây, đã áp đặt các luật và hạn chế, cùng với một chiến dịch thông tin sai lệch rộng rãi, trong khuôn khổ nỗ lực chiến tranh của họ.
Và không giống như phương Tây - nơi các phương tiện truyền thông độc lập và có các cấu trúc và chính sách phù hợp để ngăn chặn ảnh hưởng chính trị hoặc ảnh hưởng thương mại trái luật - báo chí độc lập ở Nga phần lớn đã bị dập tắt, dữ liệu từ các cơ quan giám sát truyền thông cho thấy.
Đất nước này hiện xếp hạng 164 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
Phóng viên Không Biên giới, hay RSF, cơ quan tổng hợp Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới, nói rằng kể từ chiến tranh “hầu hết các phương tiện truyền thông độc lập [ở Nga] đã bị cấm, chặn và/hoặc bị tuyên bố là ‘đặc vụ nước ngoài’ hoặc ‘tổ chức ngoài mong muốn’. Tất cả phương tiện khác phải chịu sự kiểm duyệt của quân đội.”
Trong khi đó, Ukraine xếp thứ 79 trong số 180 quốc gia trong bảng xếp hạng. RSF nói rằng cuộc chiến của Nga ở đó “đe dọa sự sống còn của truyền thông Ukraine” và rằng nước này “ở tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống lại sự mở rộng hệ thống tuyên truyền của Điện Kremlin.”
Nhiều năm đàn áp
Ngay cả trước chiến tranh, các phương tiện truyền thông độc lập ở Nga đã phải đối mặt với sự quấy rối, tấn công và thách thức pháp lý từ nhà nước.
Hàng chục cơ quan truyền thông và nhà báo trong những năm gần đây đã bị buộc phải đăng ký là “đặc vụ nước ngoài.”
Ông Daniel Salaru, một cộng tác viên của Viện Báo chí Quốc tế có trụ sở tại Vienna, đã mô tả luật đặc vụ nước ngoài là “công cụ chính để đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập” tại Nga.
Và Tòa án Nhân quyền Châu Âu vào năm 2022 đã phán quyết rằng luật này đã vi phạm quyền của các nhóm bị chỉ định như vậy.
Các ký giả điều tra ở Nga, những người tường trình các vấn đề nhạy cảm hoặc điều tra tham nhũng của quan chức, từ lâu đã trở thành mục tiêu của các mối đe dọa, tấn công hoặc thậm chí giết hại.
Chiến tranh tăng cao sự khốc liệt
Môi trường thù địch chỉ tăng lên khi Nga xâm lược Ukraine. Giờ đây, đưa tin về bất cứ điều gì mà Điện Kremlin cho là thông tin sai lệch về chiến tranh hoặc sai lệch về lực lượng vũ trang có thể bị trừng phạt tới 15 năm tù.
Cơ quan quản lý truyền thông của Nga đã ra lệnh cho các cơ quan báo chí chỉ sử dụng “thông tin và dữ liệu” từ “các nguồn chính thức của Nga”. Và quyền truy cập vào hàng chục trang web, bao gồm cả VOA cùng các nền tảng truyền thông xã hội Facebook và Twitter, đã bị chặn.
Sự vội vàng ban hành các luật mới đã có tác dụng ngay lập tức, một số cơ quan truyền thông độc lập nổi tiếng phải đóng cửa hoặc chuyển hoạt động sang lưu vong.
Ước tính từ nhóm hỗ trợ pháp lý Setevye Svobody, hay Dự án Net Freedoms, vào đầu năm nay cho thấy trong năm đầu tiên sau cuộc xâm lược, ít nhất 1.000 nhà báo đã rời Nga “vì mối đe dọa bị truy tố hình sự và lệnh cấm hành nghề”.
Quấy rối từ xa
Nhưng cuộc sống lưu vong không phải lúc nào cũng tránh được sự quấy rối, như trường hợp của Dozhd TV hiện đã chuyển đến Hà Lan.
Vào tháng 7, nhà chức trách đã chỉ định đài này là một tổ chức “ngoài mong muốn”, nghĩa là bất kỳ ai bị coi là thành viên của đài đều có nguy cơ bị bỏ tù.
Hiện tại, các nhà báo, người dùng mạng xã hội và những người khác từ chối tuân theo đường lối của Điện Kremlin đã phải đối mặt với việc truy tố.
Vào tháng 4, hai nhà báo Nga từ các nước cộng hòa ở Siberia đã bị bắt với cáo buộc “cố ý công bố thông tin sai lệch” về lực lượng vũ trang. Cả hai có thể phải đối mặt với án tù 10 năm.
Vào tháng 2, một tòa án đã tuyên bản án 6 năm tù đối với bà Maria Ponomarenko, một nhà báo khác đến từ vùng Siberia, vì một bài đăng trên mạng xã hội về cuộc không kích chết người của Nga vào một nhà hát ở thành phố Mariupol của Ukraine, nơi thường dân đang trú ẩn.
Bà và bốn người khác đã được vinh danh với Giải thưởng Boris Nemtsov vì đã “dũng cảm bảo vệ các quyền dân chủ và tự do” bằng cách lên tiếng phản đối chiến tranh.
Giải thưởng được đặt tên Boris Nemtsov, một nhà lãnh đạo đối lập bị ám sát gần Điện Kremlin ở Moscow vào tháng 2 năm 2015. Lúc đó ông Nemtsov đang viết bài tường thuật, được xuất bản sau khi ông qua đời, nói về những người lính Nga bí mật chiến đấu ở Ukraine vào thời điểm đó.
Những người khác đã phải đối mặt với bản án nặng hơn. Một tòa án vào tháng 4 đã kết án ông Vladimir Kara-Murza, một chính trị gia đối lập và cũng là một nhà báo, 25 năm tù, một phần vì đã lan truyền cái mà chính quyền gọi là thông tin “sai sự thật” về quân đội.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết các cáo buộc chống lại ông Kara-Murza xuất phát “từ quyền tự do ngôn luận của ông.”
Và vào ngày 2/8, một người đàn ông 67 tuổi tên là Takhir Arslanov đã bị kết án 3 năm tù vì nói rằng “bọn phát xít Kremlin” đang tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine, và đồng thời kêu gọi đốt cháy các văn phòng quân dịch.