Mấy tuần nay tôi ở Á Châu. Chủ yếu là ở Thái Lan, Cambodia và Philippines. Tôi xin nghỉ làm hai tháng để có thể chú tâm làm hồ sơ cho một số người Việt tỵ nạn hiện vẫn còn bị kẹt lại ở những nơi này. Nhưng như mọi người tôi chỉ phải đi làm vào những ngày thường thôi. Còn cuối tuần hoặc nghỉ lễ thì một là tôi nằm nhà đọc sách, đi tập gym, chơi thể thao. Hoặc hai là kiếm một chỗ nào đó để ngao du với thiên hạ. Tôi có cái chân đi mà. Đặc biệt là những nơi mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến.
Như Miến Điện chẳng hạn. Nằm ngay sát bên cạnh Bangkok không đến một giờ bay. Giá vé khứ hồi Bangkok – Yangon trên hãng máy bay AirAsia không đến $150/vé kể cả tiền thuế và lệ phí phụ trội. Tôi lại nghe nói khách sạn và đồ ăn ở bên đó rẻ lắm. Nếu đi kiểu backpacking Tây ba lô như tôi thì chỉ tốn khoảng 5, 10 đô mỗi ngày là cùng. Vì vậy tiền bạc không phải là một vấn đề.
Nhưng vấn đề mà làm cho tôi mãi phải suy nghĩ là mình có nên đi hay không vì Miến Điện là một trong những nước đang bị chính phủ quân phiệt đàn áp, người dân đang bị kềm kẹp nhất thế giới. Chắc có lẽ một số bạn đọc vẫn còn nhớ là vào đầu thập niên 1990 sau khi đảng National League for Democracy (NLD) của Bà Aung San Suu Kyi thắng cử, họ đã không được chính phủ quân phiệt cho thành lập quốc hội, nội các mà thay vào đó là tất cả những gương mặt chủ chốt kể cả bà Aung San Suu Kyi đều bị tống vào nhà giam không biết ngày ra.
Kể từ đó đến nay các tướng lãnh trong quân đội thi nhau điều hành, tự biên, tự diễn và luôn tiện tự phong cho mình chức tước bất kể ý kiến của người dân hay của các nước khác. Điển hình là sự cấm vận của Mỹ và Cộng Đồng Châu Âu (EU) ngày càng được siết chặt hơn sau khi hàng ngàn sư sãi, người dân bị đàn áp, bắt bớ cách đây gần 3 năm về trước lúc họ đồng loạt xuống đường biểu tình đòi cải cách, thay đổi chế độ.
Rất tiếc là họ đã không thành công. Và vì vậy cho đến nay đâu vẫn hoàn đấy. Tuy Bà Aung San Suu Kyi vừa được thả ra cách đây vài tháng, nhìn chung Miến Điện vẫn còn bị cho là một đất nước khắt khe, độc tài, chậm tiến và không phải là một nơi được nhiều khách du lịch yêu chuộng. Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam. Mặc dù xét trên một phương diện nào đó, ở một góc độ nhất định nào đó, tôi thấy Miến Điện còn dân chủ hơn Việt Nam. Và người dân họ dám nói, dám làm hơn là người Việt.
Vì ít nhất ra chính phủ quân phiệt họ cũng đã từng dám cho tổ chức bầu cử tự do (mặc dù kết quả sau đó không được công nhận!) và hàng vạn người dân đã dám xuống đường một vài lần (mặc dù sau đó họ đã bị trừng trị thẳng tay và một số người đã bị bắn chết ngay tại chỗ).
Đấy là chưa để đến việc Miến Điện cho đến nay vẫn công nhận sự hiện hữu của đảng đối lập NLD và sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi. Không như ở Việt Nam có tiếng mà không có miếng. Văn bản luật pháp tối cao là Hiến Pháp thì công nhận sự hiện hữu của các tổ chức, đảng phái đối lập. Nhưng trên thực tế thì…xin lỗi, đừng hòng.
Biết vậy nhưng du khách, Việt kiều, trong đó có tôi (trước khi bị trục xuất dĩ nhiên) vẫn không màng và tiếp tục ra vào Việt Nam nườm nượp.
Nghịch lý là thế. Tại sao vậy?
Cũng có thể vì đối với chúng ta đất nước Việt Nam nó gần quá, tình cảm sâu đậm quá nên đôi khi cái lý nó đã đuối trước cái ý. Bà con, hàng xóm, bạn bè, kỷ niệm… tất cả, không ít thì nhiều, nó đã làm cho chúng ta lung lạc. Có ai dám tuyên bố trong đời họ chưa bao giờ để tình cảm chi phối lý trí?
Nhưng Miến Điện thì khác. Nó không phải là một quốc gia tôi biết rõ ngọn ngành, lại càng không phải là mảnh đất chôn nhau cắt rốn như quê hương. Vì vậy một mặt tôi không muốn đến rong chơi ở một nơi mà tôi hoàn toàn không thích kẻ cầm quyền. Mặt khác tôi lại muốn tự đến để tìm hiểu xem những gì tôi biết có thật vậy không? Người dân họ có thật đang sống trong khổ đau hay không? Thủ đô Yangon có thật êm đềm, yên ả như Sài Gòn của 20 mươi năm trước?
Các bạn nghĩ sao? Tôi nên đi hay không?
Nếu đa số các bạn bảo là nên, tôi sẽ đi. Để sau đó tôi sẽ viết một loạt bài phóng sự chỉ dành riêng cho các bạn.
Thế đã nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở…Yangon?
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.