Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg sẽ yêu cầu các đồng minh cam kết tối thiểu 40 tỷ euro (43,37 tỷ đô la) hàng năm để tài trợ viện trợ quân sự cho Ukraine, một nguồn tin cho Reuters biết ngày 30/5, khi các ngoại trưởng NATO họp mặt để đàm phán ở Praha.
Ông chưa công khai con số nào nhưng các quan chức NATO trước đó đã nói về con số 100 tỷ euro trong 5 năm, tương đương 20 tỷ euro mỗi năm.
Khi sự không chắc chắn trong hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine vẫn còn kéo dài do khả năng ông Donald Trump có thể trở lại Tòa Bạch Ốc, các bộ trưởng ngoại giao NATO hôm 31/5 sẽ thảo luận về các cách để đưa viện trợ quân sự cho Ukraine vào một nền tảng dài hạn vững chắc hơn.
Các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào việc đưa ra các chi tiết về gói hỗ trợ Ukraine, dự kiến sẽ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào ngày 9-11/7, gói này cũng sẽ bao gồm những thay đổi trong cách sắp xếp cung cấp vũ khí và đạn dược.
Nguồn tin từ NATO cho biết: “Chúng tôi cần duy trì mức hỗ trợ hiện tại ở mức tối thiểu để mang lại khả năng dự đoán mà Ukraine cần, cho tới cùng”, đồng thời cho biết thêm rằng các đồng minh đã cung cấp khoảng 40 tỷ euro mỗi năm kể từ khi Nga xâm chiếm toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Tờ Handelsblatt của Đức cho biết vào sáng ngày 30/5 rằng ông Stoltenberg đang tìm kiếm khoản cam kết 40 tỷ đô la mỗi năm.
Ông Stoltenberg đã đề nghị NATO đảm nhận việc điều phối viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, trao cho liên minh này vai trò trực tiếp hơn trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga, đồng thời không nói đến việc triển khai lực lượng của chính mình.
Điện Kremlin ngày 30/5 nói Hoa Kỳ, NATO và một số nước châu Âu đang khuyến khích Ukraine tiếp tục cái mà Nga gọi là “cuộc chiến vô nghĩa” của Kyiv với Nga và cáo buộc họ làm leo thang căng thẳng trong những tuần gần đây.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhiều lần nói rằng các đồng minh phương Tây đang mất quá nhiều thời gian để đưa ra những quyết định quan trọng về hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Vũ khí trao tặng
NATO sẽ đảm nhận việc điều phối quyên góp vũ khí và cung cấp vũ khí từ nhóm Ramstein do Hoa Kỳ lãnh đạo, một liên minh đặc biệt gồm khoảng 50 quốc gia được đặt tên theo căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Đức, nơi nhóm này triệu tập lần đầu tiên vào năm 2022.
NATO cũng sẽ phải vượt qua sự phản kháng từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người đã nói rõ rằng đất nước của ông sẽ không tham gia vào nỗ lực mới, cho rằng nó sẽ đưa liên minh NATO đến gần hơn với một cuộc chiến thảm khốc với Nga.
Các bộ trưởng NATO cũng dự kiến sẽ giải quyết những gì được coi là sự thay đổi mới nhất trong việc phương Tây ủng hộ Ukraine, với việc một số đồng minh dỡ bỏ các hạn chế cấm Kyiv sử dụng vũ khí được tài trợ để tấn công các mục tiêu bên trong Nga - một động thái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh cáo phương Tây chớ có làm.
Khi chính quyền Hoa Kỳ đang cân nhắc quan điểm của mình, Ngoại trưởng Antony Blinken chắc chắn sẽ bị những người đồng cấp ở Praha chất vấn về việc liệu Washington có làm theo gương của họ hay không.
Hôm 29/5, ông trở thành quan chức chính quyền đầu tiên ra tín hiệu rằng Hoa Kỳ có thể đang tìm cách thay đổi lập trường của mình.
“Tôi nghĩ những gì bạn đã thấy trong hơn hai năm qua là – khi bản chất của chiến trường đã thay đổi, khi địa điểm, phương tiện mà Nga đang sử dụng đã thay đổi – chúng tôi đã thích nghi và điều chỉnh theo điều đó”, ông Blinken nói tại Moldova.
“Đó chính xác là những gì chúng tôi sẽ làm trong tương lai,” ông nói thêm.
Washington cho đến nay là nước hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Kyiv kể từ khi Nga bắt đầu xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, nhưng họ đã nhiều lần nói rằng họ không khuyến khích cũng như không cho phép tấn công bên ngoài Ukraine.