Đường dẫn truy cập

Nguồn tin: Tổng thống Putin muốn ngừng bắn với Ukraine ở tiền tuyến hiện tại


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước các thành viên của Bộ Quốc phòng, Lực lượng Vệ binh Quốc gia, Bộ Nội vụ, Cơ quan An ninh Liên bang và Cơ quan Vệ binh Liên bang tại Điện Kremlin, Moscow hôm 27/6/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước các thành viên của Bộ Quốc phòng, Lực lượng Vệ binh Quốc gia, Bộ Nội vụ, Cơ quan An ninh Liên bang và Cơ quan Vệ binh Liên bang tại Điện Kremlin, Moscow hôm 27/6/2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tạm dừng cuộc chiến ở Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn được đàm phán để công nhận các chiến tuyến hiện tại, bốn nguồn tin từ Nga nói với Reuters, đồng thời cho biết ông Putin sẵn sàng chiến đấu nếu Kyiv và quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu và phương Tây không hồi đáp.

Ba nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận trong đoàn tùy tùng của ông Putin cho biết nhà lãnh đạo kỳ cựu của Nga đã bày tỏ sự thất vọng với một nhóm nhỏ cố vấn về những gì ông coi là những nỗ lực được phương Tây hậu thuẫn nhằm cản trở các cuộc đàm phán và quyết định của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong việc loại trừ các cuộc đàm phán.

“Ông Putin có thể chiến đấu bao lâu cũng được, nhưng ông Putin cũng sẵn sàng ngừng bắn – để ngừng chiến tranh”, một nguồn tin cấp cao khác của Nga từng làm việc với ông Putin và có hiểu biết về các cuộc đối thoại cấp cao ở Kremlin cho biết.

Nguồn tin, giống như những người khác được trích lời trong bản tin này, đã nói với điều kiện giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Reuters đã phỏng vấn tổng cộng năm người làm việc cùng hoặc đã từng làm việc với ông Putin ở cấp cao trong giới chính trị và kinh doanh cho bản tin này. Nguồn thứ năm không bình luận về việc ngừng chiến tranh ở tiền tuyến hiện tại.

Người phát ngôn của Tổng thống Putin, Dmitry Peskov, khi trả lời yêu cầu bình luận, cho biết người đứng đầu Điện Kremlin đã nhiều lần nói rõ rằng Nga sẵn sàng đối thoại để đạt được các mục tiêu của mình, đồng thời nói rằng nước này không muốn “chiến tranh vĩnh cửu”.

Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Ukraine không trả lời các câu hỏi của Reuters.

Việc bổ nhiệm nhà kinh tế Andrei Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng Nga vào tuần trước được một số nhà phân tích chính trị và quân sự phương Tây coi là đặt nền kinh tế Nga vào tình thế chiến tranh lâu dài nhằm giành chiến thắng trong một cuộc xung đột kéo dài.

Động thái này diễn ra sau những áp lực liên tục từ chiến trường nhưng trong những tuần gần đây Nga đã tiến lên chiếm được thêm lãnh thổ của Ukraine.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, ông Putin, người tái đắc cử tổng thống hồi tháng 3 với nhiệm kỳ 6 năm mới, muốn sử dụng động lực hiện tại của Nga để đẩy cuộc chiến ra sau lưng mình. Các nguồn tin không bình luận trực tiếp về tân bộ trưởng quốc phòng.

Dựa trên hiểu biết của họ về các cuộc trò chuyện trong giới lãnh đạo cấp cao của Điện Kremlin, hai nguồn tin cho biết ông Putin có quan điểm rằng những gì đạt được trong cuộc chiến cho đến nay là đủ để đem về chiến thắng cho người dân Nga.

Cuộc xung đột trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai này đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người ở cả hai bên và dẫn đến các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây đối với nền kinh tế Nga.

Ba nguồn tin cho biết ông Putin hiểu rằng bất kỳ tiến bộ mới đáng kể nào cũng sẽ đòi hỏi một lệnh tổng động viên nữa, điều mà ông không muốn. Một nguồn tin biết rõ về tổng thống Nga nói rằng mức độ được yêu chuộng của ông Putin đã giảm sau lệnh động viên đầu tiên hồi tháng 9 năm 2022.

Lệnh tổng động viên đã khiến một bộ phận dân chúng Nga hoảng sợ, khiến hàng trăm nghìn nam giới trong độ tuổi quân dịch phải rời bỏ đất nước. Các cuộc thăm dò cho thấy mức độ tín nhiệm của ông Putin đã giảm vài điểm.

Ông Peskov cho biết Nga không có nhu cầu huy động quân mà thay vào đó đang tuyển mộ tình nguyện viên đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang.

Viễn cảnh về một lệnh ngừng bắn, hay thậm chí là các cuộc đàm phán hòa bình, hiện có vẻ xa vời.

Ông Zelenskyy đã nhiều lần nói rằng hòa bình theo các điều kiện của ông Putin là điều không thể thực hiện được. Ông thề sẽ chiếm lại các vùng lãnh thổ đã mất, bao gồm Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Tổng thống Ukraine đã ký một sắc lệnh vào năm 2022 chính thức tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào với ông Putin là "không thể".

Một trong những nguồn tin dự đoán sẽ không có thỏa thuận nào có thể xảy ra khi ông Zelenskyy còn nắm quyền, trừ khi Nga qua mặt ông để thỏa thuận với Washington. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, khi phát biểu tại Kyiv vào tuần trước nói với các phóng viên rằng ông không tin ông Putin quan tâm đến các cuộc đàm phán nghiêm túc.

Đàm phán ở Thuỵ Sĩ

Ukraine đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán do Thụy Sĩ tổ chức vào tháng tới nhằm thống nhất quan điểm quốc tế về cách chấm dứt chiến tranh. Các cuộc đàm phán được tổ chức theo sáng kiến của ông Zelenskyy, người đã nói rằng ông Putin không nên tham dự. Thụy Sĩ chưa mời Nga tham gia.

Moscow cho biết các cuộc đàm phán sẽ không đáng tin cậy nếu không có sự tham dự của Nga. Ukraine và Thụy Sĩ muốn các đồng minh của Nga, trong đó có Trung Quốc, tham gia.

Phát biểu tại Trung Quốc ngày 17/5, ông Putin cho biết Ukraine có thể sử dụng các cuộc đàm phán với Thụy Sĩ để thuyết phục một nhóm quốc gia rộng lớn hơn ủng hộ yêu cầu của ông Zelenskyy về việc Nga rút quân toàn bộ, điều mà ông Putin cho rằng sẽ là một điều kiện áp đặt thay vì một cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận.

“Chúng tôi sẵn sàng thảo luận. Chúng tôi không bao giờ từ chối,” ông Putin nói tại Trung Quốc.

Điện Kremlin cho biết họ không bình luận về tiến triển của cái mà họ gọi là hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhưng đã nhiều lần nói rằng Moscow sẵn sàng đàm phán dựa trên "thực tế mới trên thực địa."

Trả lời các câu hỏi cho bản tin này, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bất kỳ sáng kiến hòa bình nào cũng phải tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong các biên giới được quốc tế công nhận” và mô tả Nga là trở ngại duy nhất cho hòa bình ở Ukraine.

“Điện Kremlin vẫn chưa thể hiện bất kỳ sự quan tâm có ý nghĩa nào đến việc chấm dứt chiến tranh của mình, mà hoàn toàn ngược lại,” người phát ngôn cho biết.

Trước đây, Kyiv đã bác bỏ ý định sẵn sàng đàm phán của Nga như một nỗ lực nhằm đổ lỗi cho nước này về cuộc chiến.

Kyiv nói rằng ông Putin, người mà nhóm của ông liên tục phủ nhận rằng ông đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến trước khi xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, không đáng để tin trong việc tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào.

Cả Nga và Ukraine cũng cho biết họ lo ngại phía bên kia sẽ sử dụng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào để tái vũ trang.

Kyiv và những nước phương Tây ủng hộ họ đang kỳ vọng vào gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD của Mỹ và viện trợ quân sự bổ sung của châu Âu để đảo ngược những gì mà ông Zelenskyy mô tả với Reuters trong tuần này là “một trong những thời điểm khó khăn nhất” của cuộc chiến toàn diện.

Cùng với tình trạng thiếu đạn dược sau khi Mỹ trì hoãn phê duyệt gói viện trợ, Ukraine thừa nhận họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển đủ quân và tháng trước đã hạ độ tuổi của nam giới có thể nhập ngũ từ 27 xuống 25.

Lãnh thổ

Tất cả các nguồn tin đều cho rằng việc ông Putin nhất quyết nắm giữ bất kỳ những gì đã đạt được trên chiến trường trong một thỏa thuận là không thể thương lượng được.

Tuy nhiên, 4 nguồn tin cho biết ông Putin sẽ sẵn sàng đồng ý với vùng lãnh thổ mà ông hiện đã chiếm giữ và ngưng cuộc xung đột ở tiền tuyến hiện tại.

“Ông Putin sẽ nói rằng chúng tôi đã thắng, rằng NATO đã tấn công chúng tôi và chúng tôi giữ được chủ quyền của mình, rằng chúng tôi có hành lang đất liền tới Crimea, mà đúng như vậy”, một trong số các nguồn tin nói khi đưa ra phân tích của riêng mình.

Việc ngưng xung đột theo các chiến tuyến hiện tại sẽ cho phép Nga sở hữu phần lớn ở bốn khu vực của Ukraine mà ông Putin chính thức sáp nhập vào Nga hồi tháng 9 năm 2022, nhưng không có toàn quyền kiểm soát bất kỳ khu vực nào trong số đó.

Ông Peskov nói rằng không thể thắc mắc về việc trao trả lại bốn khu vực hiện là một phần vĩnh viễn của Nga theo hiến pháp riêng của nước này.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến quan điểm của người đứng đầu Điện Kremlin, rằng chiến tranh nên kết thúc, là nó càng kéo dài thì càng có nhiều cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm chiến đấu quay trở về Nga mà không hài lòng với triển vọng thu nhập cũng như việc làm sau chiến tranh, có khả năng tạo ra căng thẳng trong xã hội, theo một trong những nguồn tin từng làm việc với ông Putin cho biết.

'Nga sẽ tăng áp lực'

Vào tháng 2, ba nguồn tin Nga nói với Reuters rằng Mỹ đã bác bỏ đề nghị trước đó của ông Putin về lệnh ngừng bắn để ngưng chiến tranh.

Ba nguồn tin cho biết, trong trường hợp không có lệnh ngừng bắn, ông Putin muốn chiếm càng nhiều lãnh thổ càng tốt để tăng áp lực lên Ukraine, đồng thời tìm cách khai thác những cơ hội bất ngờ để chiếm thêm lãnh thổ.

Lực lượng Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine và trong tháng này đã tiến vào khu vực phía đông bắc Kharkiv.

Ông Putin đang dựa vào dân số lớn của Nga so với Ukraine để duy trì quân số vượt trội ngay cả khi không động viên, và khuyến khích những người tình nguyện đăng ký bằng những khoản tiền lớn.

“Nga sẽ tiến chiếm thêm lãnh thổ”, nguồn tin từng làm việc với ông Putin cho biết.

Ông Putin sẽ từ từ chinh phục các vùng lãnh thổ cho đến khi ông Zelenskyy đưa ra đề nghị dừng lại, người này nói và cho biết nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ quan điểm với các trợ lý rằng phương Tây sẽ không cung cấp đủ vũ khí, làm Ukraine mất tinh thần.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cho biết họ sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến khi chủ quyền an ninh của nước này được đảm bảo. Các nước NATO và đồng minh cho biết họ đang cố gắng đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí.

Trả lời câu hỏi về nguồn cung cấp vũ khí, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Nga có thể kết thúc chiến tranh bất cứ lúc nào bằng cách rút lực lượng khỏi Ukraine, thay vì tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào các thành phố, bến cảng và người dân Ukraine mỗi ngày”.

Cả 5 nguồn tin đều cho biết ông Putin đã nói với các cố vấn rằng ông không có mong muốn gì trên lãnh thổ NATO. Hai trong số các nguồn tin cho biết những lo ngại của Nga về nguy cơ leo thang ngày càng tăng với phương Tây, bao gồm cả leo thang hạt nhân, xung quanh vấn đề Ukraine.

Bộ Ngoại giao ở Washington cho biết Mỹ chưa điều chỉnh tư thế hạt nhân và cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi môi trường chiến lược và luôn ở tư thế sẵn sàng,” người phát ngôn nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG