Nam Triều Tiên mở các cuộc tập trận với Hoa Kỳ và Nhật Bản

Binh sĩ Nam Triều Tiên và Mỹ trong một cuộc tập trận ở Pocheon, phía nam khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên

Nam Triều Tiên đang tham gia một loạt các cuộc tập trận, một số trùng lấp nhau và với nhiều nước khác nhau, kể cả Hoa Kỳ và Nhật Bản. Thông tín viên VOA Steve Herman ở Seoul gởi về bài tường thuật sau đây.

Các lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm nay đã cùng hải quân Nam Triều Tiên tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 ngày trên vùng biển quốc tế nằm về phía Nam đảo Jeju.

Tờ báo Rodong Sinmun của đảng cộng sản cầm quyền tại Bắc Triều Tiên nói rằng cuộc tập trận 3 nước có nguy cơ mang lại một “bóng mây chiến tranh” tới khu vực Đông-Bắc Á.

Lực lượng hải quân Mỹ và Nam Triều Tiên sẽ tiếp tục điều mà họ mô tả là một “hoạt động thường lệ của hàng không mẫu hạm” trong biển Hoàng Hải, nằm về hướng Tây bán đảo Triều Tiên. Hoạt động này sẽ khởi sự từ ngày thứ Bảy cho tới hết ngày thứ Hai. Lực lượng công kích do hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ có mặt trong cả hai cuộc tập trận đó.

Trên bộ, các binh sĩ Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ ngày mai sẽ thực hiện một trong các cuộc tập trận 1 ngày lớn nhất từ trước tới nay.

Cuộc tập trận có sự tham dự của 2.000 binh sĩ, các chiến đấu cơ và nhiều máy bay khác, kể cả máy bay trực thăng tác chiến, và xe tăng cùng súng phóng rocket có khả năng bắn đi hàng ngàn quả đạn.

Cuộc tập trận trên bộ sẽ diễn ra tại Pocheon, cách vùng phi quân sự giữa hai miền Nam Bắc khoảng 60 km về hướng Nam.

Bắc Triều Tiên đã lên tiếng đả kích bằng những ngôn từ tiêu biểu. Họ mô tả các cuộc tập trận đó là “những tiếng ồn ào chuẩn bị cho cuộc xâm lăng miền Bắc, chỉ làm cho tình hình xấu đi.”

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên hôm qua đã có phản ứng trước lời cáo buộc từ miền Bắc.

Nói chuyện với các nhà báo, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min-Seok nói rằng mặc dù Bắc Triều Tiên mô tả các cuộc tập trận là một hành động khiêu khích, nhưng không có một quân đội nào có thể cải thiện khả năng chiến đấu mà không tập trận. Oâng nói làm như thế chẳng khác nào là đi thi mà không học bài để trả lời những câu hỏi khác nhau. Ông Kim miêu tả những lời tố cáo của Bắc Triều Tiên cho rằng các cuộc tập trận có tính cách khiêu khích, là “hoàn toàn vô lý.”

Ông Baek Seung-joo, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Triều Tiên, nói rằng những lời đả kích của Bắc Triều Tiên chủ yếu là để cho người trong nước nghe.

Ông Baek nói, thay vì thực sự cảm thấy bị đe dọa, Bình nhưỡng nhận thức được rằng các cuộc tập trận ở miền Nam chỉ nhằm mục đích tự vệ, tuy nhiên lên tiếng chỉ trích miền Nam sẽ tạo tình đoàn kết trong người dân miền Bắc, bằng cách nêu bật nỗi lo về cuộc khủng hoảng.

Bên cạnh những cuộc tập trận vừa kể, vào đầu tháng tới, Nam Triều Tiên sẽ tham gia một cuộc thao dượt về các hoạt động nghênh cản, có sự tham dự của không quân Úc và Singapore.

Các giới chức nói cuộc thao dượt, đặt tại căn cứ không quân Chitose ở Hokkaido, sẽ tập đối phó với một tình huống giả định là một chiếc máy bay chở chất phóng xạ bay vào không phận Nhật Bản. Không lực của 4 nước sẽ hợp tác với nhau để buộc chiếc máy bay đó phải đáp xuống để kiểm tra hàng hóa trên máy bay.

Cuộc thao dượt này nằm trong khuôn khổ của Sáng Kiến An ninh Chống Phổ biến Vũ Khí, http://www.youtube.com/embed/wdJ70HBzjGgcó mục đích ngăn chận việc mua bán các loại vũ khí có sức sát thương hàng loạt.

Nhà phân tích Baek thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc Phòng Triều Tiên nói các cuộc tập trận đó đã được chuẩn bị từ lâu, và được tiến hành để đáp ứng trước những hành động khiêu khích từ miền Bắc, khởi sự từ năm 2010.

Ông Baek nói các cuộc thao dượt đã đánh đi một thông điệp, rằng cả Nam Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ quyết tâm sát cánh đáp ứng trước những hành động khiêu khích hơn nữa từ miền Bắc, và chứng minh cho Bình Nhưỡng thấy họ sẽ phải đối đầu với những gì.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng lý do để thực hiện các cuộc tập trận khác nhau vào lúc này là vì Tháng Sáu thường là tháng mà Bắc Triều Tiên có những hành động khiêu khích quân sự. Họ còn lưu ý về lời cảnh cáo mới đây từ Bình Nhưỡng rằng họ sẽ tung ra một “hành động đặc biệt” chống Seoul, và một số lời cảnh cáo rõ rệt hơn là sẽ tấn công các trụ sở chính của các tờ báo và đài phát thanh phát hình có lập trường bảo thủ, mà miền Bắc cho là đã xúc phạm họ qua những bài tường trình, hoặc bài viết chỉ trích Bình Nhưỡng.