Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên 'nhắm mục tiêu' vào các cơ quan truyền thông ở miền Nam


Cảnh sát Hàn Quốc đứng gác phía trước trụ sở của đài truyền hình KBS ở Seoul, ngày 4/6/2012
Cảnh sát Hàn Quốc đứng gác phía trước trụ sở của đài truyền hình KBS ở Seoul, ngày 4/6/2012
Chính phủ Nam Triều Tiên đang trách cứ miền Bắc về một lời đe dọa cụ thể của quân đội nhắm vào một số cơ quan truyền thông ở Seoul. Từ thủ đô Nam Triều Tiên, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Hôm nay, quân đội Bắc Triều Tiên đã đe dọa các cơ quan truyền thông bảo thủ lớn của Nam Triều Tiên, và nói rằng binh sĩ của họ đã xâm nhập các tọa độ kinh và vĩ tuyến ở trụ sở chính của các cơ quan này tại Seoul để có thể tấn công.

Các bản tin Nam Triều Tiên nói việc Bắc Triều Tiên công khai đề cập đến các tọa độ trên bản đồ nhắm vào các mục tiêu cụ thể là điều chưa từng xảy ra từ trước đến này.

Lời đe dọa được đưa ra trong một “tối hậu thư công khai” của bộ tổng tư lệnh quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên.

Thông điệp được một phát thanh viên đọc trên đài phát thanh Bình Nhưỡng và được cho là của bộ tổng tư lệnh quân đội Bắc Triều Tiên, nhắm mục tiêu vào các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên về các bản tin chỉ trích các lễ hội nhi đồng ca ngợi tân lãnh tụ Kim Jong Un.

Bài phát thanh nói rằng quân đội đã nhắm mục tiêu trừng phạt một số cơ quan truyền thông cụ thể của Nam Triều Tiên mà họ nêu danh. Phát thanh viên nói “những kẻ ngu xuẩn và đần độn” sẽ phải chịu sự trả thù vì đã chỉ trích những lễ lạc ở miền Bắc.

Một kênh truyền hình ở Seoul đã so sánh các buổi lễ đó với các buổi lễ của đoàn Thanh niên Hitler dưới thời Ðức quốc xã.

Phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên Kim Hyung-suk tuyên bố Bộ coi lời đe dọa này là nghiêm trọng và gọi phản ứng của Bắc Triều Tiên là quá lố.

Ông Kim nói lời đe dọa quân sự mới của Bình Nhưỡng là một thách thức và khiêu khích đáng kể đối với nền dân chủ và tự do.

Tuy nhiên, ông Yim Tae-hee - cựu chánh văn phòng đương kim Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak, cho rằng Seoul không nên có phản ứng quá mức.

Phát biểu với các thông tín viên, ông Yim, ứng cử viên đã được đảng đương quyền Tân Biên Cương tuyên bố ra tranh chức tổng thống, khẩn cầu tất cả mọi bên hãy lùi lại và suy xét mọi sự cho đúng với thực tế. Ông nói việc diễn dịch từng chữ những lời đe dọa đó có thể khiến cho Seoul có một động thái sai lầm về mặt quan hệ với miền Bắc.

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Hai bên đã sống cạnh nhau nhiều thập niên dưới một lệnh hưu chiến thiếu thoải mái kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 3 năm chấm dứt hồi đầu thập niên 1950.

Thủ đô Seoul của Nam Triều Tiên, với hơn 10 triệu dân, nằm trong tầm trọng pháo của Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Ryu Gil-jae tại trường Ðại học Nghiên cứu về Bắc Triều Tiên ở Seoul nói rằng một cuộc tấn công “không gian ảo” nhắm vào giới truyền thông Nam Triều Tiên có nhiều khả năng xảy ra hơn so với một hành động quân sự.

Giáo sư Ryu nói một cuộc tranh đua đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên giữa các thực thể khác nhau để chứng tỏ sự trung thành với ông Kim Jong Un và lập luận hiếu chiến như vậy nhắm vào miền Nam nằm trong khuôn khổ cuộc cạnh tranh này.

Hai hành vi khiêu khích mà miền Bắc đã bị quy trách vào năm 2010 - vụ đánh đắm một chiếc tầu hải quân Nam Triều Tiên và vụ pháo kích vào một hòn đảo nhỏ làm 50 người Nam Triều Tiên thiệt mạng, chủ yếu là nhân viên quân đội. Chính phủ Nam Triều Tiên đã cảnh báo sẽ có sự trả thù của lực lượng Nam Triều Tiên nếu có thêm các hành vi tấn công của miền Bắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG