Phần lớn giới sử gia và giới bình luận chính trị đồng loạt gọi năm 2011 là năm cách mạng. Đó là một trong những năm hiếm hoi đánh dấu những thay đổi lớn lao và ngoạn mục trên thế giới. Nhiều người ví nó với hai khúc ngoặt trong lịch sử: năm 1848 với cuộc nổi dậy của dân chúng đòi giải phóng nông nô, đòi bình đẳng và dân chủ, thoạt đầu xuất phát từ Pháp, sau lan rộng sang khoảng 50 quốc gia khác, từ châu Âu đến châu Mỹ La Tinh, được mệnh danh là “Mùa xuân của các quốc gia và mùa xuân của các dân tộc”; và năm 1968 với cuộc xuống đường liên tục và rầm rộ của hàng triệu học sinh, sinh viên và công nhân Pháp nhằm đòi tăng lương, cải thiện điều kiện lao động cũng như quyền tự do và tự trị trong lãnh vực giáo dục và trí thức. Cả ba thời điểm 1848, 1968 và 2011 đều có một đặc điểm giống nhau: những người dân bình thường đồng loạt đứng dậy chống lại chính quyền và thiểu số thống trị họ.
“Năm cách mạng” 2011 bắt đầu từ ngày 17 tháng 12 năm 2010 lúc anh thanh niên bán rau quả Mohamed Bouazizi tự thiêu sau khi bị cảnh sát áp bức ở Tunisia. Cái chết của người thanh niên bị đẩy vào đường cùng này khiến dân chúng phẫn nộ và từ ngày 24 tháng 12, họ xuống đường đòi hỏi công lý. Số người tham gia các cuộc biểu tình càng ngày càng đông. Cảnh sát cũng đành bó tay. Cuối cùng, ngày 14 tháng 1, Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, nhà độc tài từng cai trị Tunisia suốt 24 năm với bàn tay sắt phải trốn sang Saudi Arabia. Cuộc cách mạng mùa xuân hay còn được gọi là “Mùa xuân Ả Rập” (Arab Spring) khởi sự.
Ngọn lửa cách mạng từ Tunisia lan sang Ai Cập. Từ ngày 25 tháng 1, dân chúng bắt đầu xuống đường biểu tình ở Cairo, Alexandria và Suez. Cảnh sát đàn áp dữ dội. Người dân vẫn không khiếp sợ. Họ tiếp tục tràn xuống đường. Càng lúc càng đông. Cả hàng triệu người. Đầy nghẹt trên các đường phố. Cảnh sát, sau đó, đành nhượng bộ. Cuối cùng, Tổng thống Hosni Mubarak từ chức vào ngày 11 tháng 2, chấm dứt 30 năm cai trị Ai Cập một cách hà khắc. Cuộc cách mạng ở Ai Cập thành công sau 18 ngày tranh đấu.
Ngày 15 tháng 2, dân chúng Libya bắt đầu đổ xuống đường phố ở Bengazi chống lại Gaddafi và đã bị trấn áp một cách dã man. Hàng trăm người bị giết chết. Giữa tháng 3, Mỹ và khối NATO quyết định can thiệp. Mấy tháng sau, ngày 20 tháng 10, Gaddafi bị bắn chết, chấm dứt 42 năm cai trị Libya như một bạo chúa.
Cuộc cách mạng khởi đầu từ Tunisia và Ai Cập tiếp tục lan rộng sang nhiều nước khác ở Trung Đông và Bắc Phi với các cuộc nổi dậy rầm rộ của dân chúng ở Bahrain, Yemen, Algeria, Jordan, Morocco, Oman và Syria, và, với mức độ nhỏ hơn, ở Lebanon, Saudi Arabia, Sudan và Western Sahara. Kết quả của các cuộc nổi dậy này thay đổi theo từng nước. Ở Yemen, Tổng thống Ali Abdullah Saleh bị thương trong cuộc tấn công bằng bom của quân nổi dậy, phải sang Saudi Arabia điều trị, sau đó, tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho người khác, chấm dứt 33 năm cai trị. Tổng thống Omar al-Bashir của Sudan tuyên bố sẽ không tìm cách tái tranh cử sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2015. Vua Abdullah ở Jordan phải giải tán nội các đến hai lần để xoa dịu lòng dân. Ở Bahrain, chính phủ phải thả các tù nhân chính trị và cam kết thay đổi nhiều chính sách quan trọng. Ở Morocco, chính phủ hứa hẹn thay đổi hiến pháp, tôn trọng nhân quyền và đẩy mạnh các cuộc vận động chống tham nhũng. Ở Kuwait, nội các sụp đổ, chính phủ cũng hứa hẹn dân chủ hóa. Ở Western Sahara, nhiều tù nhân chính trị cũng được thả và thiết quân luật cũng bị bãi bỏ. Ở Algeria, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika cũng tuyên bố bãi bỏ thiết quân luật (vốn kéo dài đến 19 năm!) và hứa thay đổi hiến pháp để mở rộng dân chủ hơn.
Cho đến nay, chỉ có cuộc nổi dậy ở Syria là vẫn còn kéo dài và có vẻ đẫm máu nhất. Dân chúng bắt đầu đổ xuống đường biểu tình vào ngày 26 tháng 1. Họ bị chính quyền Bashar al-Assad trấn áp khốc liệt. Hàng ngàn người bị giết chết. Hàng ngàn người khác bị bắt giam. Dân chúng vẫn không sợ. Vẫn ào ào xuống đường phản đối. Chính phủ tuyên bố nhượng bộ: bãi bỏ thiết quân luật kéo dài cả 40 năm, theo đó, chính phủ có thể nhân danh an ninh và trật tự để sử dụng quyền lực bất cứ lúc nào cần, bất chấp những quy định chung của hiến pháp và luật pháp về nhân quyền. Họ cũng cho phép thành lập các đảng đối lập. Tuy nhiên, dân chúng vẫn không hài lòng với những biện pháp nửa vời như thế. Họ vẫn tiếp tục xuống đường tranh đấu. Tổng thống Assad vẫn không chịu rút lui. Cho đến nay, súng vẫn nổ và người vẫn chết. Chính phủ nhiều nơi trên thế giới, kể cả Liên hiệp các nước Ả Rập, Liên hiệp Âu châu và Mỹ kịch liệt lên án Tổng thống Assad và kêu gọi ông từ chức. Chưa ai biết các biến động ở Syria sẽ dẫn đến đâu.
Gọi năm 2011 là năm cách mạng, chúng ta không dừng lại ở các nước độc tài ở Trung Đông và châu Phi. Các cuộc xuống đường của quần chúng xuất hiện ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia dân chủ hoặc tương đối dân chủ. Đáng kể đầu tiên là các cuộc xuống đường của người dân Hy Lạp. Thật ra, ở Hy Lạp, các cuộc xuống đường lớn đã hình thành từ năm 2008, tái xuất hiện vào năm 2010 và bùng nổ dữ dội vào tháng 5 năm 2011 ở hầu hết các thành phố lớn, từ Athens đến Thessaloniki, Larissa, Patras, Volos, Rethymno, Tripoli và Kalamata. Cuộc biểu tình nào cũng quy tụ cả hàng ngàn, có khi đến hàng chục ngàn người. Nội dung các yêu sách của dân chúng bao gồm từ các vấn đề kinh tế đến xã hội và chính trị, trong đó có vấn đề dân chủ.
Cũng cần kể đến các cuộc xuống đường của thanh niên ở Mỹ cũng như ở các quốc gia phát triển cao trong phong trào gọi là “Chiếm Wall Street” (Occupy Wall Street). Phong trào bắt đầu từ ngày 17 tháng 9 khi một số các nhà hoạt động xã hội biểu tình ở trung tâm tài chính New York nhằm lên án những bất bình đẳng trong xã hội cũng như những ảnh hưởng của tầng lớp giàu có trên các chính sách quốc gia. Họ tự xưng là đại diện cho 99% dân số thầm lặng và thiệt thòi để đối lập với thiểu số 1% bao gồm giới thượng lưu vừa có tiền vừa có thế lực. Cuộc biểu tình ở New York nhanh chóng lan rộng sang gần 1000 thành phố thuộc 82 quốc gia trên thế giới, kể cả London, Frankfurt, Rome và Hong Kong. Ở Úc, phần lớn các thành phố lớn, từ Sydney đến Melbourne, Brisbane và Perth đều có phong trào Chiếm Wall Street.
Cuối cùng, vào đầu tháng 12, nổi bật lên trên các bản tin quốc tế là các cuộc biểu tình đông đảo của dân Nga chống lại Thủ tướng Putin và cuộc bầu cử mà họ cho là gian lận mới được tổ chức. Có cuộc biểu tình quy tụ cả 50.000 người. Hơn nữa, biểu tình không những nổ ra ở Moscow mà còn ở khá nhiều thành phố khác. Đó là những cuộc biểu tình lớn nhất ở Nga kể từ ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Có nơi, như thành phố Novosibirsk, có hơn 4.000 người xuống đường, bất chấp cái lạnh thấu xương (trừ 20 độ C!). Chính vì vậy, nhiều người gọi đó là cuộc cách mạng tuyết (snow revolution).
Năm 2011, như vậy, mở đầu bằng cuộc cách mạng mùa xuân ở Trung Đông và Bắc Phi, và kết thúc bằng cuộc cách mạng tuyết ở Nga. Cuộc cách mạng đầu lật đổ ba nhà độc tài (ở Tunisia, Ai Cập và Yemen), giết chết một nhà độc tài khác (Gaddafi ở Libya) và khiến một số nhà độc tài phải nhượng bộ, cam kết không tham dự các cuộc bầu cử trá hình lần tới. Cuộc cách mạng sau thì chỉ mới khởi phát. Phải chờ đến năm 2012 mới biết kết quả.
Nhưng như vậy cũng đủ làm cho năm 2011 trở thành một năm nổi bật trong lịch sử nhân loại.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.