Mỹ-Úc tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á tại Phnom Penh

  • Ngọc Hân

Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Campuchia Hun Sen (bên phải), và Thủ tướng Úc Julia Gillard nâng ly tại bữa tối Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á,Phnom Penh, 19/11/2012.

Hôm nay Thứ Hai 19 tháng 11 năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard đến Phnom Penh, thủ đô Campuchia, để tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia Summit), gồm trưởng nhiệm hành pháp của 10 nước Asean và 8 quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên Bang Nga và Ấn Độ. Phần chính của Hội Nghị Thượng Đỉnh diễn ra vào ngày mai, thứ Ba 20 tháng 11.

Đây là một hội nghị thượng đỉnh được coi là quan trọng không kém Hội Nghị Thượng Đỉnh Diễn Đàn Châu Á Thái Bình Dương gọi tắt là APEC. Tuy nhiên, trong khi Hội Nghị APEC chú tâm phần lớn vào vấn đề kinh tế, Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á là diễn đàn trao đổi quan điểm giữa 10 quốc gia Asean và 8 cường quốc bên ngoài về các vấn đề kinh tế, xã hội, nhân quyền, và an ninh quốc phòng.

Your browser doesn’t support HTML5

Nghe bài tường trình


Như thông lệ từ năm 2010, một Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng Mở Rộng đã được tổ chức trước khi Hội Nghị Thượng Đỉnh được khai mạc. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc Phòng Úc Stephen Smith cũng đã tham dự Hội Nghị Quốc Phòng Mở Rộng này, trong bối cảnh mà giới quan sát coi là cuộc tranh đua võ trang đã bắt đầu giữa các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương vì sự trỗi dậy kinh tế và quân sự của Trung Quốc, cũng như chính sách mạnh bạo của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông Việt Nam và Biển Đông Trung Quốc.

Tân Tổng bí thư Tập Cận Bình (trái), Tân Thủ tướng Lý Khắc Cường

Tuy rằng Bắc Kinh đã có lãnh đạo mới sau Hội Nghị thứ 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng giới quan sát tin rằng Tổng Bí Thư Tập Cận Bình và Tân Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ không có thay đổi gì đáng kể về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng mà cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Ông Ôn Gia Bảo cũng tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á tại Phnom Penh và sau đó theo chân Tổng Thống Obama công du Thái Lan, trong nỗ lực được coi là đối trọng ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Cũng như tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á ở Bali Indonesia hồi cuối năm 2011, Trung Quốc đã xác quyết lập trường cố hữu về Biển Đông, tức là cuộc tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề của Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á và phải được giải quyết song phương.

Thế nhưng, Hoa Kỳ và Australia tại Hội Nghị Chiến Lược Ngoại Giao và Quốc Phòng thường niên gọi tắt là Ausmin vừa được tổ chức tại Thành Phố Perth của Úc bên bờ Ấn Độ Dương hồi tuần trước, đã xác nhận lập trường chung là Washington và Canberra đều coi tự do hàng hải và giao thương xuyên-quá Biển Đông là quyền lợi quốc gia, mặc dầu cả hai quốc gia đồng minh này không có tranh chấp và không bênh vực hay chống đối bất cứ quốc gia tranh chấp nào về mặt lãnh thổ, lãnh hải và thềm lục địa.

Bộ trưởng Ngoại giao Úc Bob Carr (phải ngoài cùng) và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith (thứ hai bên trái) trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (thứ hai bên phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái ngoài cùng) tại Perth, 14/11/2012.

Kết quả của Hội Nghị Ausmin 2012 giữa Hoa Kỳ và Australia được coi là mở rộng hợp tác an ninh quốc phòng về mặt không gian mà Bộ trưởng Leon Panetta gọi là “biên giới mới”, vì Hoa Kỳ sẽ thiết lập đài Radar cực mạnh và viễn vọng kính tại Tây Úc để theo dõi các hoạt động hỏa tiễn và đạn đạo của Trung Quốc – và về phương diện địa-chiến-lược nhằm cải thiện hợp tác với Ấn Độ và vùng Ấn độ Dương.

Ngoài việc sử dụng huấn luyện 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Darwin ở miền Bắc Úc Châu, Hoa Kỳ dự định sử dụng trong tương lai dài hạn, những căn cứ hải quân và không quân của Úc tại Miền Bắc và Tây Bắc Australia. Tất cả đều nhằm vào chiến lược định vị của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương, vì sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong bối cảnh mới đầy thử thách này, các nước Đông Nam Á cũng gia tăng ngân sách quốc phòng. Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Thế Giới tại Stockholm, Thụy Điển, trong năm qua, ngân sách quốc phòng các nước ASEAN nói chung đã tăng 13% - và riêng Việt Nam, ngân sách đã tăng lên mức 3 tỉ 100 triệu đô la Mỹ tức là 35%. Việt Nam cũng đã đặt mua tàu ngầm ‘Lớp Kilo’ [Kilo Class] và phi cơ chiến đấu từ Liên Bang Nga và mua hỏa tiễn tầm xa từ Israel .

Từ năm 2009, Bạch Thư Quốc Phòng Australia đã dự trù Nước Úc sẽ gia tăng gấp đôi số lượng tàu ngầm lên 12 chiếc, mua hàng trăm phi cơ chiến đấu tối tân của Mỹ cũng như cải thiện sức mạnh hải quân. Vì lý do ngân sách, Canberra đã phải đình hoãn một số chương trình canh tân quốc phòng, trong khi vẫn duy trì khả năng công nghệ quốc phòng mà Trung Tâm Techport tại Adelaide thuộc bang Nam Úc là một cơ sở lớn.

Sau Hội Nghị Ausmin tại Perth vào ngày 14 tháng 11, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến Adelaide và có nhận xét như sau khi bà đặt chân đến thủ phủ Nam Úc và Khu Công Nghệ Quốc Phòng Techport Australia:

Adelaide là một trong những trung tâm công nghệ lớn và quan trọng trên thế giới, là tâm điểm của kỹ nghệ quốc phòng Australia và là nơi mà các công ty Úc-Mỹ hợp tác hàng ngày.
"Trong cái nhìn của chúng tôi, Adelaide là một trong những trung tâm công nghệ lớn và quan trọng trên thế giới, là tâm điểm của kỹ nghệ quốc phòng Australia và là nơi mà các công ty Úc-Mỹ hợp tác hàng ngày. Thành phố này tượng trưng cho hai yếu tố mạnh mẽ là an ninh và kinh tế trong quan hệ Úc-Mỹ."

Và riêng về tương lai của khu Công Nghệ Quốc Phòng Australia, bà Clinton nói:

"Techport, khu công nghệ hải quân thượng thặng thế giới là nơi mà tương lai hạm đội của Úc sẽ được xây dựng, kể cả thế he kế tiếp của các Tuần Dương Hạm Không Chiến (Air Warfare Destroyers). Công trình này rất quan trọng cho khả năng phòng thủ tự vệ của Úc mà còn giúp Úc duy trì và cải tiến vai trò trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trong vùng và trên toàn thế giới."

Tuy nhiên, Australia là một quốc gia dân chủ pháp trị và đa nguyên, nên liên minh với Mỹ thường được thảo luận công khai với nhiều quan điểm khác nhau.

Trong thời gian Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta có mặt tại Australia, một cựu thủ tướng Lao Động, ông Paul Keating đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Lao Động Julia Gillard là đã quá “thân thiện và gần gũi” với Mỹ, trong khi tương lai của Úc, theo lời ông Paul Keating, là Trung Quốc và các nước láng giềng chẳng hạn như Indonesia. Đây cũng là lập luận của một vài chuyên gia quốc phòng Úc như Giáo Sư Hugh White và cựu thủ tướng Liên Đảng Tự Do Quốc Gia như ông Malcolm Fraser.

Tuy vậy, chính sách của Australia, bất kể là khi Đảng Lao Động hay Liên Đảng Tự Do Quốc Gia cầm quyền, đều theo đuổi chặt chẽ liên minh với Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã có phản ứng như sau:

Đây là cách suy luận thắng-thua bù-trừ lẫn nhau và cách suy luận này chỉ dẫn đến kết quả tiêu cực.
Bà Clinton
"Tôi biết là có người nêu lên sự lựa chọn sai lầm là Úc cần chọn lựa giữa quan hệ lâu dài với Mỹ hoặc quan hệ mới với Trung Quốc. Đây là cách suy luận thắng-thua bù-trừ lẫn nhau [zero-sum thinking] và cách suy luận này chỉ dẫn đến kết quả tiêu cực. Mỹ ủng hộ Australia trong quan hệ đa dạng với nhiều quốc gia tại Châu Á Thái Bình Dương và Thế giới, kể cả Trung Quốc, vì Mỹ cũng theo đuổi chính sách như vậy.”

Ngày mai thứ Ba, Tổng thống Obama dự trù gặp gỡ các lãnh tụ khác tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á, kể cả Thủ tướng Julia Gillard. Và quan hệ thân hữu Úc-Mỹ sẽ được củng cố về mọi phương diện, trong bối cảnh gia tăng võ trang trong Vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Và cùng lúc, Canberra cũng sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ thân hữu song phương với Bắc Kinh.