Washington hy vọng sẽ tập hợp các quốc gia Đông Nam Á để có hành động cứng rắn hơn chống lại chính quyền quân sự của Myanmar và đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khi nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ Antony Blinken tới khu vực để họp vào tuần tới, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết ngày 7/7.
Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Indonesia để tham gia cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN sau khi ông cùng Tổng thống Joe Biden đến Vương quốc Anh và Lithuania dự các cuộc họp của NATO từ ngày 9/7 đến ngày 12/7.
Ông Daniel Kritenbrink, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao phụ trách Đông Á, nói với các phóng viên rằng Myanmar, quốc gia đang rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, sẽ là “một trong những vấn đề chính” được thảo luận tại Jakarta.
ASEAN đã cấm các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar tham gia các cuộc họp cấp cao, nhưng Thái Lan đã đề nghị tái giao dịch với chính quyền quân sự Myanmar.
“Chúng tôi mong đợi các bạn bè và đối tác của chúng tôi trong ASEAN… tiếp tục hạ giảm sự đại diện của Myanmar tại cấp bộ trưởng ASEAN và chúng tôi cũng mong tìm cách gia tăng áp lực lên chế độ để buộc chế độ này chấm dứt bạo lực và quay trở lại con đường dân chủ,” ông Kritenbrink nói.
Tháng trước, Washington đã ban hành lệnh trừng phạt đối với hai ngân hàng Myanmar được chính quyền quân sự sử dụng để chuyển đổi ngoại tệ, trong một động thái nhằm giảm khả năng nhập khẩu vũ khí và vật liệu của quân đội để đàn áp các lực lượng chống đảo chính.
Ông Kritenbrink tuần trước kêu gọi các quốc gia trong khu vực nên đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải với nhau nhằm tăng cường tiếng nói chung trong các tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Kritenbrink ngày 7/7 nói rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc với các thành viên ASEAN tại Jakarta để đẩy lùi những gì ông nói là ‘xu hướng ngày càng tăng của các hành động không hữu dụng, cưỡng ép, và vô trách nhiệm của Trung Quốc.”
Ông nói: “Đây không phải là vấn đề thuyết phục các quốc gia đồng ý với quan điểm của Hoa Kỳ, mà là làm việc với các đối tác của chúng ta để thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn chung của chúng ta đối với khu vực, đồng thời đẩy lùi hành vi đi ngược lại tầm nhìn đó”.