Mỹ, Nhật, Philippines hợp tác tuần tra chung ở Biển Đông

Các tàu tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn tàu Philippines tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) ngày 5/3/2024..

Kế hoạch tuần tra hải quân ba nước ở Biển Đông đang được tiến hành trước hội nghị thượng đỉnh cấp cao vào tuần tới giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Philippines, các quan chức cấp cao cho biết.

Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez được tờ Financial Times dẫn lời hôm 3/4 nói rằng Washington, Tokyo và Manila đang hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận về các cuộc tuần tra, bao gồm cả thời điểm bắt đầu và tần suất chúng sẽ diễn ra.

Trước đây, Mỹ và Philippines đã tiến hành tuần tra chung nhưng đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia. Cả Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ.

Khi được hỏi về kế hoạch này, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung tá Martin Meiners, nói với đài VOA rằng Hoa Kỳ lo ngại về các hành động “nguy hiểm và gây bất ổn” trong khu vực và “cam kết duy trì khả năng răn đe, hòa bình và ổn định” với các đồng minh và đối tác.

Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell cho biết hội nghị thượng đỉnh ngày 11/4 sẽ là dịp cho “sự giao tiếp ba bên chưa từng có” giữa ba nước, từ đó dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn ở Biển Đông và các nơi khác.

Ông đưa ra nhận xét này hôm 3/4 tại một sự kiện do Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington tổ chức.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật, Philippines sẽ thảo luận về “hành vi ngày càng nguy hiểm” của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Chúng tôi ngày càng lo ngại rằng hành vi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong không gian này có thể đưa chúng ta đến gần hơn với những hậu quả thực sự, không lường trước được”, quan chức vừa kể cho biết trong tuần này.

Vụ bùng phát gần đây nhất xảy ra vào ngày 26/3 khi Tuần duyên Trung Quốc sử dụng vòi rồng để ngăn chặn một tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho một tiền đồn trên rạn san hô ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan hôm 1/4 nói với người đồng cấp Philippines Eduardo Año rằng Mỹ ủng hộ Philippines chống lại “các hành động nguy hiểm của Trung Quốc hôm 26/3 cản trở sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Philippines tới Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas)”.

Manila tuyên bố bãi cạn ở quần đảo Trường Sa là lãnh thổ của mình và đã cho chiếc BRP Sierra Madre, một tàu vận tải hải quân thời Thế chiến thứ hai, neo đậu trên bãi đá này từ cuối năm 1999.

Ông Patrick Cronin, Chủ tịch An ninh châu Á-Thái Bình Dương của Viện Hudson, nói với VOA qua email hôm 2/4 rằng các cuộc tuần tra hàng hải ba bên có thể mang lại “cả mức độ răn đe và cách ngăn chặn những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra sự kiểm soát trên thực tế đối với các vùng biển tranh chấp và một số khu vực mà rõ ràng thuộc về Philippines.”

Ông nói: “Trung Quốc sẽ không từ bỏ các nỗ lực ‘thực thi chủ quyền’, sử dụng tàu tuần duyên và lực lượng dân quân hàng hải để áp đặt luật nội địa của mình đối với các vùng biển quốc tế, nhưng nước này có thể phải gác lại việc đưa ra các yêu sách tiếp theo trước sự phản đối đồng loạt từ cả ba nền dân chủ.”

Ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington, nói với VOA qua email hôm 3/4 rằng “sự hợp tác quân sự giữa các nước liên quan không được phép can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông” và kêu gọi ba đồng minh tránh những hành động có thể “gây tổn hại chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải cũng như lợi ích an ninh của Trung Quốc.”

Ông Lưu nói tiếp: “Vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN”.

Trong số các quốc gia thành viên ASEAN thì Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei là những bên yêu sách chính thức chống lại Trung Quốc, nước có yêu sách đối với hầu như toàn bộ vùng biển giàu tài nguyên.

Ông Prashanth Parameswaran, một thành viên tại Trung tâm Wilson và là người sáng lập bản tin ASEAN Wonk hàng tuần, nói với đài VOA hôm 2/4 rằng “các nước tuần tra nhiều hơn là một trong nhiều cách để tăng cường sự hiện diện và ngăn chặn kịch bản ác mộng về việc Biển Đông trở thành một hồ nước của Trung Quốc.”

Ông nói tiếp: “Ngoài mạng lưới liên minh, Hoa Kỳ và các đối tác sẽ phải tìm cách hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á vốn không phải là đồng minh chính thức nhưng cũng rất quan trọng trong việc giải quyết sự quyết đoán của Trung Quốc”.