Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng báo cáo thường niên về nạn buôn người toàn cầu là chính xác, sau khi có tin nói rằng các nhà ngoại giao cấp cao đã thao túng thứ hạng của hơn mười nước có tầm quan trọng cao về mặt chiến lược.
Hôm thứ ba (04-08-2015), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói rằng báo cáo đó là “khách quan” và “khả tín”.
Ông Toner nói: “Mục tiêu ở đây là giúp cho các nước cải thiện những nỗ lực để ngăn chận hoạt động buôn người và chiến đấu chống lại tệ nạn nô lệ thời nay".
Ông nói thêm: “Và đó là mục tiêu, đơn thuần và đơn giản, và chúng tôi sẵn sàng bênh vực cho tiến trình mà chúng tôi dựa vào để có được những kết luận đó. Đây là những thứ hạng quan trọng. Chúng tôi biết rằng thế giới nhìn vào những thứ hạng đó một cách khá chặt chẽ, và vì thế, chúng tôi cần phải bảo đảm là tiến trình này là một tiến trình đúng đắn.”
Bản phúc trình, được công bố hồi tuần trước, xếp hạng 188 quốc gia về cách họ chống nạn buôn người, và liệt 23 nước -- trong đó có Iran, Syria, Nga và Bắc Triều Tiên, vào danh sách Cấp 3 vì không đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu về chống buôn người.
Tuy nhiên một cuộc phân tích của hãng thông tấn Reuters cho thấy văn phòng của Bộ Ngoại giao được lập ra nhằm đánh giá một cách độc lập những nỗ lực toàn cầu để chống nạn buôn người đã nhiều lần bị các nhà ngoại giao hàng đầu đảo ngược ý kiến và bị áp lực để thổi phồng kết quả đánh giá đối với 14 nước trong bản phúc trình. Các nguồn tin cho hãng Reuters biết rằng Malaysia, Cuba, Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Mexico nằm trong những nước được xếp hạng cao hơn.
Tháng trước, Hoa Kỳ đã phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba sau 5 thập niên ở trong tình trạng thù nghịch. Các giới chức Mỹ đã bao gồm Malaysia trong một hiệp định hợp tác thương mại ven Thái Bình Dương. Trong bản phúc trình năm nay cả hai nước này đều được chuyển từ danh sách đen sang danh sách theo dõi để xem họ có cải thiện thành tích hay không.
Sau khi tường thuật của Reuters được loan tải, một số chính khách Mỹ đã mạnh mẽ chỉ trích chính phủ của Tổng thống Obama.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez nói trong một tin nhắn Twitter rằng nếu quả là như vậy thì việc này “đáng báo động và không thể chấp nhận”. Ông nói thêm rằng “chúng ta phải truy cho tới cùng” vụ này tại một cuộc điều trần ở Thượng viện trong tuần này để xem xét bản phúc trình.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những người đang tranh đua để làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, nói rằng phúc trình này đặt ra “một tiền lệ nguy hiểm.” Ông nói: “Thật là xấu hổ khi Tổng thống Obama để cho một đám côn đồ chính trị sửa đổi phúc trình của chính phủ về nạn buôn người để làm lợi cho những nước vi phạm kinh niên như Cuba và Malaysia.”
Cựu thống đốc Florida, ông Jeb Bush, cũng là người muốn làm ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà, nói rằng ông Obama và Bộ Ngoại giao “phải cảm thấy xấu hổ vì sự thao túng hoàn toàn vì lý do chính trị của họ đối với các vấn đề buôn người ở Cuba.”
Ông Siddharth Kara, một nhà nghiên cứu về nạn buôn người của đại học Havard, nói với đài VOA rằng “Điều làm cho mọi người cảm thấy tò mò đôi chút là sau 12 năm nằm ở Cấp 3 Cuba được nâng cấp không bao lâu sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, và Malaysia, là nước thuộc Cấp 3 hồi năm ngoái, đã được nâng lên một nấc, trong cùng thời gian mà Tổng thống Obama theo đuổi một kế hoạch thương mại có khá nhiều tham vọng là hiệp định TPP.